Những "thông ngôn" tình nguyện phá án

Chủ Nhật, 13/06/2010, 18:10
Môi trường làm việc của các phiên dịch viên "đặc biệt" ấy là bốn bức tường bao bí bách của Công an tỉnh Lào Cai. Ngày ngày tiếp xúc với những người lầm lỗi, họ theo sát quá trình điều tra từ khi bắt đầu cho đến khi vụ án kết thúc. Sự cộng tác đắc lực của họ giúp nhiều vụ án thành công. Mặc dù phải chịu trách nhiệm rất cao cho công việc nhưng hiện nay mức thù lao và chế độ đãi ngộ của họ rất  thấp và phiên dịch thổ ngữ vẫn chưa được coi là một nghề, hầu hết họ làm việc bằng cái tâm của mình.

Bí quyết để thành công với nghề

Nhận điện thoại, phiên dịch viên Tráng Thị Say tất tả lên đường. Xấp xỉ ngũ tuần nhưng tác phong của bà vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Hơn hai mươi năm làm phiên dịch cho các phiên tòa, cho Công an tỉnh Lào Cai, bà Say đã quen với những công việc chẳng có giờ giấc, hễ có việc là tất tả lên đường. Lần này, bà được các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lào Cai (PC 47) "trưng dụng" phiên dịch trong vụ án vận chuyển ma túy từ Đắk Lắk về Sơn La và đưa sang Lào Cai tiêu thụ, đối tượng tham gia là ba cô gái Mông tuổi đời còn khá trẻ.

Suốt một đêm đấu tranh, lời khai của một trong ba cô gái đều không khớp với lời khai của 2 người còn lại, cô này một mực trốn tránh hành vi phạm tội. Khi dịch lời của các trinh sát, phiên dịch Say cố gắng tìm những từ thật dễ hiểu, đơn giản rồi tác động đến tâm lý của cô gái đó nhưng chị ta vẫn không lay chuyển. Suốt một đêm trắng, cả phiên dịch và điều tra viên đều đã thấm mệt, nhưng bà Say hiểu rằng lúc này là giai đoạn tâm lý quyết định, chỉ cần "dừng" lại đồng nghĩa với việc vụ án đành phải khép lại.

Lợi thế là một phụ nữ người bản xứ, bà Say dễ đồng cảm và hiểu hơn tâm lý của người phụ nữ trên. Khi ấy, phiên dịch Say yêu cầu được ngồi một mình với bị can. Những lời lẽ nhẹ nhàng, đánh đúng vào tâm lý, phiên dịch Say dần dần tác động đến cô gái: "Mình là phụ nữ phải biết giữ gìn vệ sinh, nếu giấu các thứ trong người sẽ mang bệnh. Người Mông không bao giờ nói dối…".

Cứ thế,  những lời khuyên nhủ của phiên dịch Say đã có tác dụng. Cô gái ấy bật khóc nức nở. Phiên dịch Say cứ để cho cô ta khóc. Rồi sau đó, cô gái khai tuồn tuột toàn bộ quá trình phạm tội. Vì hám lời, cô ta đã nghe theo lời xúi bẩy vận chuyển ma túy thuê chỉ vì muốn mua cho chồng một chiếc xe máy… Toàn bộ số hàng trên được giấu vào "phần kín" của cơ thể, vận chuyển đi tiêu thụ. 

Bà Say phối hợp với cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Lào Cai phiên dịch một vụ án ma túy.

Khi rời Y Tý, mảnh đất "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", phiên dịch viên Tráng Thị Say vừa tròn 13 tuổi. Khi ấy, Say là cô gái đầu tiên dám "dũng cảm" bước ra khỏi bản. Nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại, ký ức ấy vẫn như vừa mới xảy ra. Lần đó, cán bộ Hội phụ nữ tỉnh đi tìm một cô gái trẻ tuổi người Mông để làm cán bộ phong trào. Cả bản khi ấy chỉ có cô bé Say, mồ côi cả cha lẫn mẹ đồng ý đi. Trong suy nghĩ của một cô bé hơn chục tuổi, thực tình chẳng biết đi làm phong trào là gì. Từ Y Tý đến trung tâm huyện Bát Xát, cô bé Say mới học được mấy từ đơn giản là chào anh, chào chị…

Khi ấy, Say chưa có chế độ đãi ngộ. Ngoài những lúc học tiếng, cô bé Say phải làm thêm dân công, thủy lợi để kiếm tiền sinh sống. Những chuỗi ngày đó giúp Say có thêm nhiều vốn từ, sau này phục vụ cho công việc phiên dịch. Bà Say còn nhớ lần phiên dịch cho trường hợp của tử tù Sùng A Khoa, ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Khoa không nói được tiếng phổ thông nên ngay từ ban đầu, việc phiên dịch vụ án đã do bà Say theo sát. 8h sáng hôm đó, khi bản án tử hình được thi hành, bà Say nhận được điện thoại của Công an tỉnh Lào Cai.

Khi ấy, Khoa được Ban giám thị phát một bộ quần áo, một đôi dép nhựa trắng. Khoa ngạc nhiên lắm, cậu ta hỏi phiên dịch Say: "Bà ơi, sao cho tôi mặc áo đẹp thế này". Lúc đó, Khoa nghĩ rằng mình được đi làm nương rẫy. Biết rằng Khoa có tội nhưng trong lòng người phiên dịch ấy vẫn xót thương, bà cố tìm những từ thật rõ nghĩa để giải thích cho Khoa hiểu rằng anh ta phải trả giá cho hành vi phạm tội đã gây ra.

Lúc đầu, Khoa không muốn chụp ảnh, nhưng rồi bà lại lựa lời giải thích bằng ngôn ngữ của người Mông, giúp Khoa quên đi cảm giác sợ hãi. Khi các món ăn được đưa ra, Khoa không muốn ăn. Phiên dịch Say lại động viên, Khoa nghe lời bà từ từ ăn hết. Trước khi bị đưa ra pháp trường, Khoa tha thiết nhờ bà Say phiên dịch và chuyển lời giúp rằng cậu ta muốn sau 3 năm sẽ được mang hài cốt về quê hương chôn cất. Phiên dịch Say đã làm đúng theo tâm nguyện của tử tù Khoa…

Lặng lẽ với nghề, đến giờ này phiên dịch Say vẫn chưa có một mái ấm cho riêng mình. Bà giống như nhân vật chính trong lời bài hát "Chị tôi" của nhạc sỹ Trần Tiến, dành cả đời cho hai đứa em của mình. Bà Say bộc bạch: "Niềm vui của bà bây giờ là mỗi khi giúp được cơ quan điều tra phá án thành công" .  

Cái tâm trách nhiệm thôi thúc

Đại úy Nguyễn Văn Hoan, cán bộ Phòng PC 47 Công an tỉnh Lào Cai kể: Thời gian gần đây có đến 90% các vụ án ma túy chuyển cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số phạm tội. Để đảm bảo yếu tố khách quan, các phiên dịch thường tham gia từ lúc bắt đầu cho đến khi vụ án kết thúc. Song để tìm kiếm và lựa chọn được một phiên dịch viên đáp ứng được yêu cầu của công việc thật không dễ dàng.

Trước hết, phải lựa chọn phiên dịch để đảm bảo yếu tố khách quan. Các phiên dịch được lựa chọn phải không cùng ở địa phương với đối tượng bị bắt giữ. Cái khó nữa là chẳng phải phiên dịch nào cũng có thể hiểu được ý của các điều tra viên, để tìm ra được những câu hỏi dễ dàng giúp cơ quan Công an khám phá thành công. Trong khi đó chế độ thù lao của các phiên dịch rất thấp, khoảng 50 nghìn đồng cho một ngày.

Mang tâm sự trên, chúng tôi chia sẻ với phiên dịch viên Sùng Quang Phà, người gắn bó với việc phiên dịch từ nhiều năm nay. Ông Phà tâm sự: "Tôi làm việc chỉ vì muốn giúp cơ quan điều tra. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi tiền thù lao…". Ông Phà không biết đi xe máy nên mỗi khi có việc các điều tra viên của Phòng PC 47 Công an tỉnh Lào Cai lại xuống tận nhà. Vất vả nhất là những lúc thời tiết khắc nghiệt. Dù trời rét đậm, hay mưa rào, có khi 3h sáng có điện thoại là ông vội vã lên đường.

Ông Phà còn nhớ lần được giao nhiệm vụ phiên dịch vụ Sùng Thị PLá,40 tuổi, trú tại thôn Tả Nàn Vống, xã Cán Hồ, huyện SiMaCai (Lào Cai) mua bán trái phép chất ma túy. Khi khám két sắt để ở nhà PLá, tổ công tác thu giữ 3 bánh heroin cùng 90 triệu đồng tiền mặt. Bị đưa về cơ quan điều tra, PLá một mực không khai báo. Trước những câu hỏi của cán bộ điều tra, PLá đều trả lời bằng tiếng Mông "ChiPâu" (nghĩa là không biết). Khi đó, ông Phà được giao nhiệm vụ phiên dịch cho PLá.

Vốn là người vùng cao, ông Phà hiểu được tâm lý của những người phụ nữ Mông. Ông gặp gỡ rồi tỷ tê: "Nếu thành khẩn khai báo thì người ta giảm nhẹ tội, sớm được về với con". Khi ấy, PLá khai nhận số ma túy đó do chồng mua mang về nhà. Sau khi chồng chết, PLá tiếc của trời nên đã lén lút mang bán để kiếm lời".

Đối tượng ma túy biết rõ hành vi phạm tội nên thường tìm cách đối phó. Có đối tượng biết tiếng phổ thông nhưng không chịu nói. Trong quá trình điều tra, một số đối tượng còn sử dụng "tiếng địa phương" để "giao dịch" với nhau, cùng không khai báo. Có nhiều vụ, nhờ sự nhiệt tình của những phiên dịch, vụ án đã thành công tốt đẹp. Còn nhớ vụ Má A Sùng và Vàng Thị Chư, trú tại thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai).

Khi bị bắt quả tang, Công an tỉnh Lào Cai thu giữ tang vật là 47,94g heroin. Khi đó, các điều tra viên rất khó khăn trong việc hỏi cung, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Với sự tham gia tích cực của các phiên dịch, chỉ sau một thời gian, vụ án đã được làm sáng tỏ

Xuân Mai
.
.
.