Những tấm gương dũng cảm cứu người trong lũ lụt

Thứ Sáu, 08/10/2010, 11:35
Khi anh Hoàng Văn Ninh, Trưởng thôn Xuân Tiêu (Sơn Trạch, Bố Trạch,Quảng Bình) cứu đến người thứ 50 trong thôn, khi đi qua nhà của anh thì nhà đã không còn nữa... Anh Ninh vẫn động viên mọi người: "Nhà tôi, của cải của gia đình tôi bị nước lũ cuốn trôi không còn nữa, nhưng tôi vui vì đã cứu được nhiều người dân thoát khỏi tử thần. Còn người là còn của, nhà cửa, của cải mất đi tôi còn làm lại được mà...".

Từ ngày 2 đến ngày 4/10, trời mưa như trút nước. Dòng sông Son, bình thường nước chảy "dịu dàng dễ thương", nhưng trong những ngày này dòng nước đỏ ngầu và bỗng trở nên hung dữ cuồn cuộn dâng lên, đưa nước tràn đến tận từng hộ dân của xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Đến 18h ngày 4/10, hơn 1.580 ngôi nhà của xã Sơn Trạch nước vào ngập sâu từ 1-6m. Ngập sâu nhất là thôn Xuân Tiêu và thôn Hà Lời, toàn bộ nhà dân của hai thôn đều ngập chìm trong nước.

Anh Hoàng Văn Ninh, Trưởng thôn Xuân Tiêu, chỉ kịp đưa vợ và con nhỏ đến sơ tán ở nhờ trường học hai tầng của xã rồi chèo thuyền về ngay thôn mình tổ chức cứu dân, cứu tài sản. Anh nghĩ, mình là trưởng thôn, trách nhiệm lúc này là phải cứu dân ra khỏi vùng rốn lũ. Nghĩ thế, anh lao thuyền trong đêm tối đến tận từng nhà chuyển từng người già, trẻ em đang ở trên nóc nhà xuống thuyền.

Cứ như vậy, khi anh cứu đến người thứ 50 trong thôn, khi đi qua nhà của anh thì nhà đã không còn nữa, nước lũ đã cuốn trôi cả nhà và tài sản của gia đình. Khuôn mặt anh bạc thếch, hằn sâu những vết nhăn, biểu lộ mệt mỏi vì đói, vì lạnh.

Nhưng anh vẫn động viên mọi người: "Nhà tôi, của cải của gia đình tôi bị nước lũ cuốn trôi không còn nữa, nhưng tôi vui vì đã cứu được nhiều người dân thoát khỏi tử thần. Còn người là còn của, nhà cửa, của cải mất đi tôi còn làm lại được mà...".

Ở thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, trong đợt lũ này còn nổi lên một tấm gương dũng cảm cứu người, cứu tài sản. Đó là anh Lê Văn Điệp, Bí thư Chi đoàn thôn Hà Lời.

Anh cho biết, nước lũ lên nhanh, không kịp trở tay. Ngôi nhà của gia đình anh cùng với toàn bộ các hộ gia đình trong thôn cũng bị chìm sâu trong nước. Không mảy may tính toán thiệt hơn, anh lấy thuyền vượt qua sóng dữ vào tận từng hộ gia đình cứu người già, phụ nữ và trẻ em đưa đến chỗ cao an toàn.

Từ 18h ngày 4/10 đến 10h sáng 5/10, bản thân anh đã cứu sống được 150 người dân trong thôn trước sự khâm phục của mọi người.

Bà Phạm Thị Đề, 85 tuổi và những người dân được anh Lê Văn Điệp cứu sống, nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nói: "Nếu chú Điệp tới chậm thì tôi và bà con ở đây đã bị trôi theo dòng nước lũ, đội ơn chú nhiều lắm..."

Ngọc Châu
.
.
.