Những nguy cơ từ thú chơi "súng airsoft"

Thứ Hai, 28/11/2011, 10:36
Đội trưởng Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT TP Hà Nội cho biết, loại "súng airsoft" - súng đồ chơi bắn đạn nhựa, phun lửa gas… là những mặt hàng nằm trong danh mục cấm mua bán và sử dụng. Bởi độ sát thương cũng như những hệ lụy đi kèm với nó luôn tiềm ẩn.

Thời gian qua, trong giới trẻ xuất hiện một thú chơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường đó chính là thú chơi "súng airsoft". Thú chơi "súng airsoft" là cách gọi của dân chơi về việc sở hữu, sưu tập một loại súng đồ chơi bắn đạn nhựa, phun lửa gas có kiểu dáng, mẫu mã không khác xa là mấy so với súng thật; giá thành của nó gấp nhiều lần súng đồ chơi dùng cho trẻ em thông thường. Thực tế này đã và đang đòi hỏi sự lưu tâm của cơ quan chức năng.

Giật mình những lời chào hàng

Thông qua một số dân chơi "súng airsoft" ở Hà Nội, chúng tôi có được địa chỉ của một forum chuyên cung cấp, chào hàng loại "súng airsoft" dạng này. Chủ nhân của forum có số điện thoại 098372xxxx, địa chỉ mail là: maximum…@yahoo.com cho hay, "công ty" của anh ta chuyên cung cấp "súng airsoft" với đầy đủ các kiểu súng từ "súng lục 919, 916"; "súng dài m50p"; "súng bắn tỉa"… cho đến "súng AK tiểu liên".

Đáng chú ý, chủ nhân của forum này còn cho biết, "công ty" của anh ta cung cấp cả "súng lục" kiểu M1911A1 với tất cả những bộ phận tương thích phù hợp với phiên bản súng thật. Thêm vào đó, tốc độ bắn đạn nhựa của nó khá tốt đối với 1GBB ~ 95m/s. Phụ kiện đi kèm bao gồm cả thiết bị thông nòng. Giá của khẩu súng này trên dưới 3 triệu. Còn khẩu súng kiểu dáng tựa súng bắn tỉa chưa có nòng nhắm thì có giá 4 triệu 6 trăm ngàn đồng. Chưa hết, cũng theo anh này, bên cạnh các loại "súng airsoft" bắn đạn nhựa, anh còn cung cấp cả loại "súng airsoft" bắn gas, như "súng lục với ký hiệu GBB" có giá là 5 triệu 500 ngàn đồng (kèm theo một chai gas).

Như để chứng minh các sản phẩm "súng airsoft" của mình là đẳng cấp, đi kèm với mỗi lời quảng cáo là vô số các hình ảnh minh họa. Nhìn vào những sản phẩm tượng trưng này, chúng tôi không khỏi giật mình vì độ tương đồng đến khó phân biệt với súng quân dụng thông thường. Cũng ống ngắm laze, cũng băng đạn, cũng vỉ ruồi, cũng hệ thống nòng hãm thanh… tất cả như thể phiên bản thứ 2 của súng thật vậy.

Bên cạnh đó, không biết vì muốn khẳng định mình là cơ sở chuyên cung cấp hàng "xịn", hàng "xách tay" hay tại "công ty" của anh này luôn bán hàng với số lượng lớn mà, trong mục lưu ý, anh ta đã điền rõ nội dung: "mình chỉ bán cho khách hàng quen và mua số lượng nhiều"; "tư vấn 24/24, cứ gọi điện thoải mái mình sẽ tư vấn, nhưng yêu cầu không nhắn tin" cũng như mặc định thời gian để khách đặt tiền cọc lấy hàng là từ ngày thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần và ngày thứ 7 hoặc CN sẽ được nhận hàng.

Nhận thức rõ hệ lụy, tránh xảy hậu họa mới lo khắc phục

Chỉ cần gõ vào trang tìm kiếm google từ khóa "súng airsoft" ta sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều trang web, diễn đàn bàn tán về thú chơi cũng như những giao dịch mua bán loại sản phẩm này. Đỉnh điểm, số dân chơi dạng này còn lập cả một forum có tên miền: www.airsoftxxxxx.com mục đích chỉ để cho dân chơi "súng airsoft" truy cập và trao đổi thông tin có liên quan.

Ghé vào forum này, chúng tôi được hay, lượng dân chơi truy cập vào trang web hàng ngày là khá lớn. Một số cuộc "đánh trận giả" có sử dụng "súng airsoft" cũng được nhiều dân chơi bàn tán. Điều này cho thấy, thú chơi "airsoft" hiện nay đang thu hút một bộ phận không nhỏ dân chơi, đồng thời cảnh báo về những nguy cơ đi kèm với thú chơi đang có phần lan rộng này.

Về vấn đề trên, trao đổi với PV Báo CAND, ông Lưu Bách Chiến - Đội trưởng Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT TP Hà Nội cho biết, loại "súng airsoft" - súng đồ chơi bắn đạn nhựa, phun lửa gas… là những mặt hàng nằm trong danh mục cấm mua bán và sử dụng. Bởi độ sát thương cũng như những hệ lụy đi kèm với nó luôn tiềm ẩn. Nói vậy cũng vì, trên thực tiễn đã chứng minh, có không ít vụ việc, kẻ xấu sử dụng loại súng nhựa, súng gas có kiểu dáng giống súng quân dụng để thực hiện hành vi phạm tội bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

Súng đồ chơi nguy hiểm bị lực lượng chức năng thu giữ.

Cũng theo ông Lưu Bách Chiến, thời gian qua, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng cấm, đồ chơi nguy hiểm. Đặc biệt, mới đây, sáng 24/11, qua công tác nắm tình hình, Đội QLTT số 2 phối hợp với các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm bắt quả tang Nguyễn Thị Hiền Dung đang có hành vi tàng trữ, mua bán gần 300 khẩu súng bắn đạn nhựa các loại tại khu vực ngõ 4, phố Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm).

Theo các cán bộ Đội QLTT số 2 cho hay thì số súng đồ chơi trên có kiểu dáng giống hệt súng quân dụng: AK, tiểu liên, colt… Một số khẩu súng còn được thiết kế thêm cả hệ thống đèn laze, ống ngắm, hộp đạn bắn liên thanh v.v... Nhìn qua, dù đó chỉ là súng bắn đạn nhựa, song nhiều người cũng phải giật mình vì những nét tương đồng với súng thật của nó.

Trước những nguy cơ từ thú chơi mang tên "súng airsoft", bên cạnh công tác tuyên truyền, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tàng trữ, sử dụng, mua bán loại dụng cụ nguy hiểm này.

Theo Điều 13, Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì sẽ phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…

Trần Huy
.
.
.