Những người trẻ và ý tưởng sáng tạo vì xã hội

Chủ Nhật, 22/04/2012, 18:40
“Hà Nội không vội được đâu”, “Dừng xe tắt máy 25 giây”, “Sinh viên tình nguyện tham gia điều hành giao thông”… là những sáng kiến góp phần xây dựng văn hóa giao thông của những người trẻ tuổi. Họ đang là những nhân tố tác động tích cực đến giao thông và môi trường của Thủ đô. Câu chuyện về việc làm của họ, về suy nghĩ và nhiệt huyết của họ đáng để chúng ta suy ngẫm.

1. Những ngày gần đây, trên đường phố Hà Nội xuất hiện một số nhóm sinh viên mang theo những tấm biển tự tạo đặc biệt trên ngã tư đường phố. Dừng lại chờ đèn đỏ, người tham gia giao thông không thể bỏ qua dòng chữ sặc sỡ được các sinh viên cầm trên tay: “Dừng đèn đỏ chứng tỏ văn minh”, “Đi đúng chiều gặp nhiều may mắn”… Nhóm sinh viên đứng tại ngã tư Xuân Thủy – Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã rất hào hứng với công việc đặc biệt này. Họ tâm niệm, mỗi người góp một phần ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông thì tình hình giao thông phức tạp của Hà Nội sẽ được cải thiện phần nào.

Đây là ý tưởng sáng tạo của một nhóm sinh viên đang theo học tại Công ty Phát triển bản thân TGM. Bắt đầu từ 6h30 sáng 2/4, khoảng 100 sinh viên rải đi nhiều ngã tư trọng điểm ở Hà Nội giăng biển với dòng chữ ngộ nghĩnh, ấn tượng như vậy. Dù chương trình này chỉ được tổ chức trong thời gian ngắn rồi kết thúc nhưng đã tác động tích cực tới nhiều người tham gia giao thông.

2. Một chương trình ấn tượng khác. Cũng với hình thức làm “khẩu hiệu sống”, dự án mang tên Green Pause (thuộc nhóm 350 Việt Nam) được thực hiện bởi những bạn trẻ cùng chung ý tưởng và mong muốn người dân thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nhóm sinh viên này đã đưa ra các khẩu hiệu để người đi xe tắt máy khi dừng từ 25 giây trở lên: “Đèn đỏ tắt máy”, “Dừng xe tắt máy 25 giây”. Hành động đơn giản này sẽ tiết kiệm được năng lượng cho xe, vừa giảm bớt khí thải độc hại ra môi trường.

Nhóm sinh viên“Hà Nội không vội được đâu”.

Hơn 200 sinh viên tình nguyện tham gia chương trình này và sẽ thường xuyên có mặt trên các tuyến giao thông ở Hà Nội đến hết tháng 5, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện một động tác để đổi lại nhiều cái lợi. Ý tưởng này cũng thật độc đáo và ấn tượng.

3. Áo xanh, cờ đỏ, tiếng tuýt còi dứt khoát – đó là đặc điểm nổi bật của các sinh viên tình nguyện tham gia điều hành giao thông cùng các lực lượng chức năng. Vào giờ cao điểm sáng và chiều, tại những ngã ba, ngã tư trọng điểm ở Hà Nội luôn có đội ngũ tình nguyện này xuất hiện. Họ làm nhiệm vụ mà có lẽ chẳng ai muốn làm là đứng nơi khói bụi, nhắc người tham gia giao thông dừng xe trước đèn đỏ, đi đúng làn đường…

Sáng 20/4, Nông Anh Diệu - cậu sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Văn hóa đứng hướng dẫn giao thông tại ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học rất thuần thục. Đã có thời gian khá dài đứng hướng dẫn giao thông, Diệu nhận xét: “Giao thông Hà Nội ùn tắc, phức tạp do 3 nguyên nhân là phương tiện đông, đường nhỏ hẹp và ý thức người tham gia giao thông chưa cao. Văn hóa giao thông là rất quan trọng. Có khi một người không chấp hành tín hiệu đèn đỏ là gây ùn tắc ngay tại ngã ba, ngã tư.

Sinh viên tình  nguyện hướng dẫn giao thông.

Để cải thiện tình trạng này, ngoài việc mở rộng đường, tăng cường phương tiện giao thông công cộng, tăng nặng mức phạt vi phạm thì chúng ta phải tăng cường giáo dục ý thức công dân khi tham gia giao thông. Với ý thức của người dân hiện nay, việc điều hành của lực lượng Cảnh sát giao thông rất vất vả”. Cậu sinh viên nhỏ nhắn với nước da trắng trẻo đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Ý tưởng và nhiệt huyết vì một xã hội tốt đẹp của cậu thật đáng trân trọng.

Nguyễn Thị Cúc Phương và Lê Minh Tú là hai sinh viên Trường Đại học Lao động Xã hội tham gia hướng dẫn giao thông tại nút Quán Sứ - Hai Bà Trưng cũng bày tỏ mong muốn người dân thay đổi ý thức tham gia giao thông. Cũng như nhiều sinh viên khác khi tham gia hoạt động xã hội trên đường phố, họ tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến sức trẻ vì một xã hội văn minh, an toàn. Những ý tưởng, việc làm của các sinh viên hiện nay cần được khuyến khích và nhân rộng

Việt Hà
.
.
.