Những người giao tính mạng cho hà bá

Thứ Ba, 07/09/2010, 14:30
Hằng ngày họ cùng chiếc thuyền gỗ nhỏ, gắn máy lao ra biển, không hề mặc áo phao hoặc có bất cứ thứ gì trang bị an toàn cho bản thân mà chỉ với mục đích đánh bắt được nhiều, kiếm được tiền, mà họ không cần nghĩ rằng mình đang giao tính mạng cho hà bá…

Hầu hết các xã ở ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có người làm nghề đánh bắt hải sản biển như kéo lưới, thả câu và đánh lú, nhiều gia đình coi đó là nghề sống chính khi việc cấy trồng ruộng vườn không có hiệu quả. Đây là một nghề dễ kiếm tiền nhưng cũng lắm hiểm nguy.

Tháng 8/2010, chúng tôi đến xã Nghĩa Thắng, một xã có số lượng thuyền đi biển nhiều nhất vùng ven biển này - gần 150 thuyền. Riêng xóm Phú Vinh có khoảng 100 thuyền, mỗi thuyền có từ hai người, đồng nghĩa với việc hằng ngày chỉ riêng xóm này có 200 số phận đang lênh đênh đối mặt với hiểm nguy.

Ngư dân cần được trang bị kiến thức để mưu sinh trên biển.

Tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Đương, người làm nghề lâu nhất, anh cho biết: Nghề đánh bắt hải sản được rộ lên từ năm 2005, mới đầu cả xóm chỉ có khoảng mươi chiếc thuyền, do làm ăn được nên nhiều người đã chú trọng đầu tư vào mô hình này, chỉ cần có 50 triệu đồng vốn mua máy, sắm thuyền và dụng cụ là đủ điều kiện ra khơi. Đặc biệt là nghề  "lú" mỗi tháng trừ chi phí cũng còn thu lợi từ 5 triệu đồng, có tháng thu tới 10 triệu đồng, đời sống nhiều gia đình đã được cải thiện rõ rệt từ mô hình này.

Như anh Nguyễn Văn Du, ở đội 7, Phú Vinh, hai vợ chồng không có việc làm, không ruộng vườn, sau khi theo nghề được 3 năm anh đã trả xong nợ nần, hiện nay đã có của ăn của để. Thuận lợi cho các ngư dân là đầu ra rất suôn sẻ, khi thuyền cập bến đã có người đến mua hết. Là công việc tương đối nặng nhọc và hiểm nguy nên lực lượng lao động hầu hết là thanh niên.

Anh Du cho biết thêm: Công việc vất vả, dễ kiếm tiền nhưng cũng rất lo lắng, cứ sáng sớm nổ máy ra khơi, chiều cập bến, gia đình và bản thân mới hết lo lắng. Chúng tôi hỏi: Biết rằng nguy hiểm như vậy sao mọi người không mặc áo phao - anh trả lời rất thản nhiên là nó vướng, nếu "có gì" thì đã có mấy chiếc can nhựa đựng dầu và nước… (!).

Tiếp xúc với lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thắng được biết, mấy năm trước đây chính quyền cũng đã bắt mọi người mua áo phao để mặc trước khi ra biển. Nhưng quy định này cũng không được các ngư dân tôn trọng…

Chúng tôi có mặt tại bến thuyền cửa sông Ninh Cơ, lúc các thuyền bắt đầu rời bến, quan sát thấy 100% không ai mặc áo phao, dù sự chủ quan này đã để lại những bài học đắt giá, mấy năm gần đây có xã đã có 3 người chết. Ngày 26 Tết năm 2009, anh Nguyễn Văn Bằng ở xóm Phú Vinh đã nằm lại ngoài biển khơi khi một cơn lốc bất thần xuất hiện, còn anh Phạm Văn Sửu may mắn thoát chết vì đồng nghiệp đã kịp cứu…

Tìm hiểu về sự chủ quan này của các ngư dân được biết, từ lâu rồi trở lại đây, tất cả họ đều hoạt động tự do mà không có bất cứ cơ quan chức năng nào chú trọng kiểm soát hay nhắc nhở chấp hành đảm bảo ATGT trên biển, dù ở ngay cửa sông đầu bến có trạm biên phòng, và trạm kiểm soát đường sông…

Nghề đánh bắt trên biển này cần được duy trì bởi đây là nguồn thu nhập đáng kể cho những người dân vùng quê ven biển. Tuy nhiên, phải có sự quan tâm giám sát của các cấp chính quyền, đặc biệt là công tác đảm bảo ATGT, nên chăng chính quyền địa phương kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức học tập, phổ biến kiến thức về  ATGT cho các ngư dân, duy trì bắt buộc các ngư dân phải mặc áo phao thì mới cho rời bến ra khơi. Thiết nghĩ đây không phải là vịêc làm khó

Minh Vụ
.
.
.