Những mảnh đời tha hương và "xóm trẻ ăn mày"

Thứ Ba, 18/07/2006, 14:11
Ngày nắng cũng như ngày mưa, Thương và cụ già được một tay "quản lý" thuê xe ôm chở đến "địa bàn hoạt động". Trong vai hai bà cháu nghèo đói, họ dắt díu nhau đi xin sự mủi lòng của mọi người.

Đường Láng (Hà Nội) chiều hè đầu tháng bảy, mặt đường nhựa trong cái không gian nóng tới gần 40o như có lửa mà không làm tan đi nỗi sợ hãi của hai đứa trẻ ăn mày. Trang ngơ ngác nhìn chúng tôi, đôi chân trần đen sạm cứ di đều trên mặt đường nhựa nóng bỏng. "Cô chú đừng bắt cháu".

Nỗi ám ảnh của đứa trẻ ăn xin về chuyện bị "bắt" đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội khiến nó cứ co rúm trước hai người lạ mặt. "Cháu năm nay 12 tuổi, nghỉ hè nên tranh thủ đi cùng bà ra đây xin…". Bé Trang bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế sau khi đã chắc chắn rằng cháu sẽ không bị bắt đưa vào trung tâm ở một nơi nào đó mà bé chỉ biết qua chuyện kể của các anh chị "đồng nghiệp".

"Quản lý" ăn mày…

Trang vẫn nhớ như in, chỉ mới đầu tháng bảy, khi Trang một mình chân đất trở về chỗ trọ sau cả ngày lang thang xin ăn thì gặp một nhóm thanh niên say rượu bốn người đang rà xe chạy dọc vỉa hè đường Láng. Thấy cô bé có một mình, đám thanh niên gạ gẫm bảo em lên xe của họ, họ sẽ đưa đi chơi rồi cho tiền. Trang sợ hãi bỏ chạy vào một con hẻm nhỏ bên đường và mãi tới nửa đêm, khi không còn nghe thấy tiếng xe máy rú bên ngoài, em mới dám rón rén ra đường, vừa chạy vừa khóc, cố chạy thật nhanh về nơi trọ…

Thương - một cô bé năm nay mới 13 tuổi thì không thế. Cô bé có bốn năm kinh nghiệm trong việc "bám đối tượng" và lẩn tránh nhanh nhẹn khi giáp mặt cơ quan chức năng, đồng thời Thương cũng được coi là người "may mắn" vì có "đại ca" nâng đỡ. Tuy nhiên, Thương phải "làm việc" theo đúng nghĩa. Cô bé và người bà đi làm theo giờ cố định. Thương hiện làm việc dưới sự "điều hành" của một người đàn ông chừng 30 tuổi. Ngoài Thương ra, gã này còn "quản lý" cả một cụ già gần 80 tuổi.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, Thương và cụ già được gã "quản lý" thuê xe ôm chở đến "địa bàn hoạt động" là bến xe buýt trên đường Cầu Giấy (đoạn trước cổng Trường Đại học Giao thông vận tải) rồi thả ở đấy. Trong vai hai bà cháu nghèo đói, họ dắt díu nhau đi quanh khu vực Công viên Thủ Lệ, hồ Ngọc Khánh, hồ Giảng Võ để cầu mong sự mủi lòng của mọi người. Lang thang ngược xuôi trên "địa bàn", cứ trời xẩm tối hai bà cháu phải có mặt ở điểm xuất phát ban sáng để xe đưa về nhà. Xin được đồng nào, tối về hai bà cháu lại phải nộp hết cho gã "quản lý" và được gã cho cái ăn, chỗ ngủ, thỉnh thoảng được hắn trả cho vài đồng và may cho một, hai bộ quần áo.

Hỏi về tung tích của gã "quản lý", người dân địa phương cho chúng tôi biết: Hắn tên là T., vốn là người cùng quê Thanh Hóa với bé Thương và cụ già, chứ không phải anh em họ hàng thân thích. T. thuê nhà trọ ở đây đã khá lâu, hàng ngày chỉ làm mỗi việc "điều khiển" hai bà cháu đi ăn xin rồi ngồi nhà lo công tác… hậu cần.

"Xóm trọ ăn mày" - nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trật tự

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh Hiền (Tổ trưởng tổ 42B, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Trong xóm nhỏ này cũng có tới gần chục nhà cho trẻ thuê trọ. Chủ yếu là đám trẻ lang thang từ khắp các tỉnh, thành đổ về. Ban ngày chúng đi ăn xin, đánh giày… tối về thì thuê trọ ngủ với giá từ 2.000-3.000 đồng/đêm. Số người thuê cố định thì ít mà thuê theo đêm thì nhiều nên vấn đề quản lý nhân khẩu ở đây rất phức tạp. Chính vì không có ai quản lý nên trẻ lang thang đã làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống bà con khu phố.

Có tối, đang ngồi trong nhà xem vô tuyến thì thấy có tiếng trẻ hét ngoài sân. Tôi liền chạy ra thì thấy mấy đứa bé đánh giày đang quây vào ôm một bé gái. Thấy có người lớn, mấy đứa đánh giày liền chạy biến vào trong ngõ. Từ đó, mỗi khi có trẻ trong khu chơi ngoài sân, các bà trong tổ phải chia nhau ra ngồi canh chừng. Lần khác, thấy cột điện của khu phố được chôn ở góc khuất của lối đi, trẻ lang thang liền nảy ý định ăn cắp sắt. Nghĩ là làm, đến đêm khi mọi nhà đã chìm sâu vào giấc ngủ, chúng liền lẻn ra bẩy thang cột điện, nhưng bị một người dân phát hiện nên "kế hoạch" đành phá sản".

Khi tôi hỏi về vấn đề vệ sinh môi trường, bà Hiền bức xúc: Cái xóm nhỏ này, người dân địa phương thì ít mà người tứ xứ đến thuê thì nhiều nên để giữ vệ sinh chung là rất khó. Nhiều nhà cho thuê trọ nhưng lại không có chỗ vệ sinh cá nhân, nên mỗi lần trẻ thuê trọ muốn đi tiểu tiện hay đại tiện chúng đều ra… bờ sông. Trẻ thuê trọ thì có vẻ ý thức hơn là "đi" vào túi nilông rồi… "quăng" xuống sông trước nhà. Gặp hôm trời tối, có đứa thay vì quăng "của quý" xuống sông,  mất đà lại vứt ngay sang sân nhà hàng xóm.

Trong hè này, đã có hiện tượng trẻ đi lang thang rồi đổ bệnh, về nằm trong xóm trọ mà chẳng có tiền điều trị, lại cũng không kiếm nổi chút tiền về quê. Sợ bị lây bệnh hoặc gặp rắc rối nếu đứa trẻ gặp chuyện không may, gia đình nhà chủ đành thuê xe đưa đứa bé ốm nặng về quê. Đã nhiều lần Công an phường xuống kiểm tra và nhắc nhở các nhà cho thuê trọ nhưng để giải quyết được tình trạng này là rất khó vì bọn trẻ thuê trọ cứ thấy bóng dáng Công an khu vực từ xa là chúng lại ùa ra ngoài lẩn trốn, di tản mỗi đứa một nơi. Có đứa thấy địa điểm này bị Công an theo dõi thì lại chuyển qua chỗ khác thuê, đến khi mọi việc lắng xuống chúng lại trở về.

Trong một hội thảo được tổ chức cuối tháng 6 tại TP Hồ Chí Minh, các nhà chuyên môn đã đưa ra một con số làm chúng ta giật mình: Hiện cả nước có khoảng 8.500 trẻ em dưới 15 tuổi có HIV, trong đó trẻ đường phố lang thang là nhóm trẻ có tỷ lệ có HIV cao nhất. Hơn thế, trẻ lang thang còn đứng trước rất nhiều nguy hiểm mà ngay cả bản thân chúng cũng không ý thức nổi.

Tuy nhiên, trong mọi nguy cơ tiềm tàng thì nguy cơ trẻ ăn xin bị xâm hại tình dục và bị bóc lột sức lao động đang trở nên phổ biến hơn cả. Cái xóm mà Trang và lũ trẻ đồng lứa đang ở cũng không là ngoại lệ trước những nguy cơ ấy. Bọn trẻ còn quá bé để có thể đối phó với những cạm bẫy và nguy cơ đe dọa trước mắt. Cần lắm người lớn quan tâm mới mong giảm thiểu những nguy hiểm rình rập lũ trẻ ăn mày trong quá trình lần hồi mưu sinh nơi đất lạ…

Thanh Huyền - Tâm Hiếu
.
.
.