Những hy sinh thầm lặng trong trận chiến với dịch virus Corona

Thứ Tư, 12/02/2020, 06:48
Họ là những bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm virus Corona (nCoV) và những trường hợp nghi ngờ phải cách ly ở nơi tuyến đầu. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại vòng nguy cơ cao của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải cách ly tại BV hơn nửa tháng qua không được về nhà.


Phía sau việc điều trị cho bệnh nhân là những câu chuyện cảm động của người “chiến sĩ áo trắng”, đặc biệt những bác sĩ trong chuyến bay lịch sử vào ngày 10-2, đón 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước.

Bác sĩ cũng phải cách ly

Vừa bước vào cổng BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi bắt gặp đoàn 5 xe ôtô từ phía ngoài chạy vào khu vực Khoa Cấp cứu. Đây là đoàn công tác trên chuyến bay sang Vũ Hán đón 30 công dân về nước. Sau khi được khử khuẩn, toàn bộ tổ bay gồm 15 người và 2 bác sĩ, 1 điều dưỡng, cùng 30 công dân được đưa ngay đến khu vực cách ly đặc biệt của BV để theo dõi trong 14 ngày.

Các bác sĩ tham gia tổ công tác đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.

3 chuyên gia y tế được cử đến tâm dịch Vũ Hán gồm một nữ bác sĩ của BV Phụ sản Trung ương, được cử đi vì hành khách trở về có 1 sản phụ mang thai sắp đến ngày sinh; một bác sĩ Phó trưởng Khoa Cấp cứu của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đi cùng để ứng cứu, phòng chuyện bất trắc khi có tình huống xảy ra trên máy bay; một điều dưỡng Khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương được cử đi để thực hiện các y lệnh của bác sĩ. Các bác sĩ đều rất vui vẻ vẫy tay chào đồng nghiệp trước khi vào khu cách ly, họ đã cùng tổ bay thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng của mình.

Ngay sau khi đoàn bay cùng 30 công dân vào khu vực cách ly đặc biệt, BV trở lại vẻ yên tĩnh. Từ Tết ra đến nay, lượng bệnh nhân đến đây khám và điều trị rất ít. Dù vô cùng bận rộn, nhưng BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân không chỉ ở mùa dịch nCoV mà còn rất nhiều vụ dịch từ năm 2006 đến nay) vẫn dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp từ mùng 2 Tết đến nay chưa về nhà

Giống như nhiều thầy thuốc khác của BV, từ mùng 2 Tết đến nay, BS Cấp chưa về nhà. Mỗi lần nhận điện thoại từ gia đình, đặc biệt là 2 con nhỏ, biết các con nhớ bố, ở nhà có những việc cần anh giải quyết, nhưng vì nhiệm vụ, anh đành phải gác lại những áy náy, động viên vợ con cố gắng khắc phục. Cùng BS Cấp, mấy chục nhân viên y tế ở vòng 1 – vòng nguy cơ cao phải cách ly tại BV từ Tết đến nay, họ cũng trong tâm trạng nhớ chồng/vợ và con.

Theo chia sẻ của BS Cấp, ngay từ trước Tết, khi có một loạt ca nằm trong diện sàng lọc nghi ngờ, Giám đốc BV đã ra “chỉ thị”, những cán bộ, nhân viên liên quan đến công tác phòng chống dịch không được đi xa. “Mùng 2 Tết tôi vừa về tới quê, nhận được điện thoại phải quay lên ngay” - BS Cấp kể lại.

Khi có ca khẳng định dương tính, BV "sơ tán" toàn bộ bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu cơ sở II Đông Anh để điều trị các ca nặng và chỉ định toàn bộ Khoa Virus Ký sinh trùng tập trung sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ. Khi số ca nghi ngờ tăng, BV giải tỏa nốt Khoa Nội tổng hợp và toàn bộ tầng 8 để đưa vào điều trị.

Có 60 cán bộ y tế điều trị trực tiếp cho 5 bệnh nhân nhiễm nCoV (1 bệnh nhân mới chuyển từ Vĩnh Phúc tới do có tổn thương phổi). Mỗi ca làm việc 8 tiếng, có 4 tiếng các bác sĩ phải mặc quần áo bảo hộ vào điều trị cho BN, sau đó nghỉ ngơi cởi trang phục ăn cơm, khi vào lại mặc bộ bảo hộ khác trong 4 tiếng nữa. Rất mừng các bệnh nhân đều diễn biến lâm sàng khá nhẹ nên việc điều trị không quá vất vả.

Điều dưỡng Đỗ Thị Hồng An trò chuyện trong lúc nghỉ trưa

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp của BV chia sẻ, chị vẫn không khỏi chạnh lòng khi thấy các đồng nghiệp của mình mặc quần áo phòng hộ trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống, thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc…

BS Cấp nói rằng, 60 người điều trị trực tiếp phân ra 3 tầng nguy cơ: Tầng nguy cơ cao, bác sĩ phải cách ly ngay tại bệnh viện; tầng giữa có thể được về nhưng phải hạn chế tiếp xúc với cộng đồng; tầng thấp thì đi lại bình thường. Tuy nhiên, nhiều y tá, điều dưỡng, lái xe của BV đã bị hàng xóm, người xung quanh kỳ thị, những người thuê trọ thì chủ nhà yêu cầu họ phải cách ly.

Nhiệm vụ còn dài nhưng vẫn làm việc với tinh thần cao nhất

Tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi, chúng tôi gặp chị Đỗ Thị Hồng An, điều dưỡng của Khoa Cấp cứu. Từ mùng 4 Tết, chị An được điều từ cơ sở 1 của BV trên đường Giải Phóng sang thay cho một điều dưỡng mang thai, và từ đó đến nay chị cách ly trong BV chưa được về nhà. Biết được điều này, gia đình chị khá lo lắng, nhưng chị chỉ dám nói mình làm ở vòng ngoài để cả nhà yên tâm.

Các bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại khu vực cách ly đặc biệt.

Chị kể, trước khi sang đây, mỗi ngày chị đều đeo khẩu trang, các con chị hỏi, “Sao mẹ hay đeo khẩu trang thế”. Còn hàng xóm thì ngại không muốn cho chị vào nhà, nếu cần đưa thứ gì, họ bảo chị đứng ngoài cổng có người ra lấy. “Hôm nay là hơn 10 ngày chưa về, con em gọi điện chỉ thắc mắc, sao mẹ lâu về thế” - chị An kể.

Công việc của điều dưỡng khá vất vả, là người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh cũng như người nghi nhiễm, phục vụ như bê cơm đến tận phòng bệnh, thu gom quần áo của bệnh nhân mang đi giặt… nên thời gian tiếp xúc với bệnh nhân tương đối nhiều. Là bệnh viện tuyến đầu nên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường có 60-80 ca nghi ngờ vào cách ly.

Điều dưỡng trước khi vào phòng cách ly chăm sóc bệnh nhân

Bác sĩ đang động viên một du khách nước ngoài bị cách ly

“Các ca này vào viện đều chưa biết họ âm tính hay dương tính, nên việc tiếp xúc, chăm sóc các điều dưỡng càng phải thực hiện đúng quy trình để tránh lây nhiễm cho mình” – chị Hồng An cho biết. Các ca cách ly đủ mọi tầng lớp, nhiều quốc tịch, việc ở chung trong phòng đã khiến một số người bực tức, khó chịu, tranh cãi. Thời gian đầu, mẫu xét nghiệm 3 ngày mới có, có người xét nghiệm trục trặc kéo dài tới 7-8 ngày nên một số người bức xúc kêu lâu và tỏ ra khó chịu, phản ánh đến cả đường dây nóng...

Có người sang Việt Nam giải quyết công việc, hoặc sang ký kết hợp đồng, khi bị cách ly vào đây, họ tìm cách bỏ trốn, khiến BV phải báo Công an phối hợp tìm kiếm… “Nhiều lúc họ có những câu nói rất khó nghe, nhưng mình đều phải nhẫn nại giải thích, cố gắng làm tốt công việc” - điều dưỡng Hồng An kể lại.

Theo chia sẻ của BS Cấp, về lý thuyết phải hạn chế tối đa tiếp xúc với người nghi ngờ, nhưng những ngày qua, có một nghịch lý là các nhân viên y tế của BV luôn phải ngồi giải thích tới 30 phút cho người bị cách ly về những quy định hoặc giải quyết các tranh cãi, mâu thuẫn giữa những người cách ly.

Khoa Cấp cứu nơi đón tiếp bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm nCoV

Người Trung Quốc không biết tiếng Anh, bác sĩ không biết tiếng Trung, qua 2-3 lần dịch nên thời gian tiếp xúc càng lâu…

BS Cấp còn cho biết thêm, đội ngũ chống nhiễm khuẩn xử lý rác thải của BV cũng rất vất vả, bởi nếu công tác xử lý không tốt, virus sẽ phát tán ra môi trường. Đội ngũ dinh dưỡng sau khi người bệnh, người cách ly ăn xong phải khử khuẩn khay, thìa, nếu làm không tốt cũng rất dễ phát tán bệnh.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm trong nhiều chiến dịch chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bác sĩ, nhân viên y tế của BV luôn sẵn sàng hết mình vì người bệnh. Ba ca vừa được xuất viện, họ lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, đó là chăm sóc, điều trị cho 30 công dân vừa trở về từ vùng dịch. Nhiệm vụ còn dài vì dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, song theo chia sẻ của các bác sĩ, họ vẫn làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Trần Hằng
.
.
.