Những hình ảnh xấu cần xóa bỏ ở núi Bà Đen

Chủ Nhật, 20/03/2011, 16:18
Nhìn từ trên cáp treo khu vực đền chùa núi Bà Đen uy nghi thấp thoáng dưới những tàn cây cổ thụ. Tuy nhiên, dọc đường lên đỉnh núi trên những ngọn cây là vô số loại rác. Từ bịch nilon, giấy báo cho đến quần áo cũ.

Quần thể núi Bà Đen (Tây Ninh) được trùng tu ngày một khang trang, lịch sự và vào những dịp lễ Tết, ngày rằm hàng ngàn khách thập phương từ khắp nơi về đây lễ bái, cúng chùa. Không còn cảnh lũ lượt, rồng rắn khuân vác hàng hóa từ dưới đất lên đỉnh chùa bằng con đường mòn mà thay vào đó là hệ thống cáp treo máng trượt hiện đại giúp người dân dễ dàng đến dâng hương. Tuy nhiên, ngoài những nét đổi mới trên, chùa Bà Đen còn nhiều hình ảnh cần xóa bỏ…

Một ngày giữa tháng ba chúng tôi có dịp theo đoàn hành hương đến viếng chùa Bà Đen. Khi bước vào khu vực đi cáp treo, một số thợ chụp hình đã phục sẵn phía dưới và đưa máy lên chụp làm chúng tôi ngỡ ngàng. Ngoái lại đằng sau nhìn, một số người khác cũng rơi vào tình cảnh như chúng tôi.

Sau khi đi lễ chùa xong, lúc bước xuống cáp treo một số thợ chụp ảnh đã đứng phục sẵn dáo dác tìm người trong hình để giao làm chúng tôi ngạc nhiên. Những người thợ chụp hình này cho biết, mỗi tấm ảnh khổ 20cmx30cm giá 20.000đ, ưng thì lấy, không ưng cũng không sao.

Một người trong đoàn chúng tôi cho biết: "Dịch vụ này cũng hay vì không ai nghĩ sẽ chụp được hình khi đang ngồi cáp treo để về nhà làm kỷ niệm. Tuy nhiên, nếu như trong lúc mua vé cáp treo, nhân viên phục vụ cho biết có loại hình chụp ảnh trên cáp treo thì người đi hành hương sẽ không bị bỡ ngỡ!".

Quả thật, nếu như dịch vụ này được nhân rộng và làm việc một cách bài bản từ khu vực mua vé đi cáp treo thì đây là một loại dịch vụ hay. Nhưng rất tiếc! Kiểu làm ăn như thế này gây cho khách cảm giác vừa lạ lẫm, vừa khó chịu.

Nhiều người lợi dụng vào việc người dân đến chùa thích làm việc thiện, phóng sinh để trục lợi.

Nhìn từ trên cáp treo khu vực đền chùa núi Bà Đen uy nghi thấp thoáng dưới những tàn cây cổ thụ. Tuy nhiên, dọc đường lên đỉnh núi trên những ngọn cây là vô số loại rác. Từ bịch nilon, giấy báo cho đến quần áo cũ.

"Cái này là do người lên viếng chùa ngồi trên cáp treo thiếu ý thức xả xuống hoặc là rác bị gió bay tấp vào ngọn cây" -Một nhân viên bảo vệ ở đây giải thích. Không chỉ rác làm ổ trên ngọn cây mà khung cảnh xung quanh núi Bà Đen đều bị các loại rác phủ kín khắp triền núi.

Phía trên điện Bà dù loa phóng thanh liên tục nhắc nhở người hành hương không nên xả rác, mua chim phóng sinh nhưng tâm lý "lên chùa là phải làm thiện, không trả giá" nên nhiều đối tượng đã lợi dụng vào việc này để thu lợi. Hai bên chùa, hàng chục người tay xách lồng chim mà bên trong các loại chim én, chim sẻ… con nào cũng rũ rượi không nhấc nổi cánh.

Tại một gốc cây sát điện thờ chính, một người đàn ông đang mở chiếc lồng chứa hàng trăm con én. Một số con én không chịu nổi việc cứ bị thả ra bắt vào nên "lăn đùng" ra chết. Chị Nguyễn Thị Thu - nhà ở quận 1 chặc lưỡi: "Kiểu này ai nói phóng sinh, sát sinh thì có!". Những chú én may mắn được người mua phóng sinh thì chập choạng bay được vài mét lại bị chính những người bán chúng bắt lại để… bán tiếp.

Những hình ảnh phản cảm trên vẫn thường xuyên xảy ra. Mong rằng những hình ảnh trên không còn nữa, để nơi đây là điểm đến an lành của người dân thập phương

Nghinh Phong
.
.
.