Những hậu quả lớn vì báo cháy chậm trễ

Chủ Nhật, 08/02/2015, 09:51
Qua phân tích các vụ cháy lớn, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) khẳng định hầu hết các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đều có nguyên nhân do lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động không hiệu quả, báo cháy chậm, để thời gian cháy tự do kéo dài. Đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nhận tin báo cháy đến được nơi xảy cháy thì “bà Hỏa” đã hóa sạch mọi tài sản.
>> Cháy lớn tại Công ty Hồng Ngọc

Hầu như cơ sở nào cũng treo các tiêu lệnh về PCCC, trong đó quy định rõ, việc chữa cháy và báo cháy phải được thực hiện đồng thời. Nhưng đến khi cháy xảy ra, chẳng ai còn nhớ những quy định của tiêu lệnh này. Có vụ cháy, lực lượng tại chỗ đã "quên" cả giờ đồng hồ mới báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Cảnh sát PCCC Hải Dương tập trung khống chế ngọn lửa tại Công ty Xuất nhập khẩu Hồng Ngọc tối 7/2/2015. Ảnh: Văn Thịnh.

Đã xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng xuất phát từ những nguyên nhân trên. Vụ cháy chợ Đồng Xuân (Hà Nội) xảy ra cách nay hơn 20 năm nhưng vẫn để lại nhiều bài học đau xót. Đêm 14/7/1994, chợ Đồng Xuân bốc cháy, ngọn lửa thỏa sức tung hoành; khá lâu sau lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp mới nhận được tin báo cháy. Vụ cháy đã làm 2 người thiệt mạng, 5 người bị thương. Lửa đã thiêu đốt một khối hàng hoá tài sản, trị giá 147 tỷ đồng, một số tiền vô cùng lớn vào thời điểm đó.

Mới đây, vụ cháy lớn xảy ra tại chợ Phố Hiến (Hưng Yên) tối 19/3/2014 cũng là một ví dụ điển hình. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Hưng Yên, đơn vị nhận được cuộc gọi báo cháy sớm nhất vào lúc 21 giờ 25 phút cùng ngày (thông tin ghi nhận từ Bưu điện Hưng Yên) do một người dân báo cháy. Chỉ bốn phút sau khi nhận tin, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Hưng Yên đã có mặt tại hiện trường nhưng lúc này chợ Phố Hiến đã chìm trong biển lửa, với diện tích đám cháy lên tới hàng ngàn mét vuông, bao trùm toàn bộ tầng 1 của chợ và đã cháy lan lên tầng 2.

Vụ cháy lớn khiến người dân hoang mang.

Như vậy, đám cháy đã bắt đầu từ trước đó khá lâu. Dù lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã nhanh chóng vào cuộc, huy động tối đa lực lượng, phương tiện của địa phương và sự chi viện của Cảnh sát PCCC Hà Nội và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nam, Hải Dương nhưng việc cứu chợ đã là “bất khả kháng”. Sau bảy giờ đồng hồ bị nung trong lửa, hơn 50 tỷ đồng hàng hóa, tài sản (chưa kể khung chợ) đã biến thành tro bụi. Vụ cháy đã làm hàng trăm hộ kinh doanh, buôn bán điêu đứng, nhiều người mất cả sản nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và an sinh xã hội của địa phương…

Trong vụ cháy này, lực lượng tại chỗ tổ chức chữa cháy không hiệu quả, đến khi đám cháy quá lớn mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Theo tính toán, sau 10 phút cháy tự do, vận tốc đám cháy sẽ phát triển nhanh gấp đôi so với vận tốc ban đầu; công tác cứu chữa sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy, vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ trong việc tổ chức chữa cháy ban đầu và báo cháy là hết sức quan trọng.

Có rất nhiều lý do khiến việc báo cháy và tổ chức chữa cháy tại cơ sở bị chậm chễ: Vì hầu như các vụ cháy lớn thường xảy ra vào ban đêm hoặc ngoài giờ hành chính nên công tác tuần tra, trực gác bị lơ là, vì vậy lực lượng PCCC tại chỗ  không phát hiện ra cháy để cháy tự do kéo dài dẫn đến cháy lớn. Hay nhiều trường hợp cơ sở bị cháy nhưng do sợ ảnh hưởng thành tích và thương hiệu nên đã “cố giấu”, chỉ đến khi đám cháy phát triển quá lớn, không thể chữa được mới báo cho Cảnh sát PCCC biết. Nhiều vụ cháy, cơ sở có trang bị phương tiện chữa cháy nhưng lực lượng tại chỗ không sử dụng được nên việc cứu chữa không hiệu quả.

Nguyên nhân gây cháy lớn thì nhiều nhưng tựu trung đều xuất phát từ sự thiếu ý thức và kiến thức PCCC của con người mà trực tiếp là một bộ phận người đứng đầu cơ sở, người lao động và người dân. Những vụ cháy lớn xảy ra đã khiến nhiều người phải ra hầu toà như vụ cháy tại chợ phố Hiến, ông Đào Ngọc Hậu, Phó Ban quản lý chợ đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về PCCC”; vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), 11 bị cáo đã bị khởi tố, vụ cháy chợ Nghệ Sơn Tây, 3 người phải đứng trước vành móng ngựa… 

Nguyên lí của công tác chữa cháy là vô cùng khẩn cấp vì chỉ một tàn lửa nhỏ, nếu không được phát hiện, tổ chức chữa cháy và báo cháy kịp thời sẽ phát triển thành đám cháy lớn và hậu quả thì không thể lường trước được. Thông điệp đơn giản này dù đã được “phủ sóng” rộng rãi nhưng dường như tư tưởng coi thường “đã cháy đâu mà sợ” vẫn còn phổ biến nên những vụ cháy thiêu đốt tiền tỷ, lấy đi nhiều mạng người vẫn cứ xảy ra.

Vũ Thu Huyền
.
.
.