Những "hạt sạn" làm phiền lòng du khách

Thứ Ba, 04/04/2006, 15:24

Có thể coi Liên hoan ẩm thực và phố nghề, làng nghề Hà Nội diễn ra từ ngày 30/3 đến 2/4 là một liên hoan thành công và đạt được hiệu quả tuyên truyền lớn. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số "hạt sạn" làm xấu đi hình ảnh của một sự kiện có quy mô lớn và  được chuẩn bị rất chu đáo.

Thoải mái, vui vẻ, lôi cuốn… trong một không gian thoáng đãng, tràn ngập cây xanh là cảm giác của du khách khi tham gia Liên hoan ẩm thực và phố nghề, làng nghề Hà Nội tại Công viên Thống Nhất. Ngoài việc khai thác nội dung ẩm thực và phố nghề, làng nghề truyền thống, Ban tổ chức còn tạo cơ hội cho người dân Thủ đô và khách du lịch có một dịp vui chơi giải trí đặc sắc. Hơn 200 gian hàng tham gia tại Liên hoan bao gồm việc giới thiệu các làng nghề truyền thống ở Hà Nội và các vùng lân cận, một nửa là gian hàng ẩm thực có các món ăn nổi tiếng như: chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, bún ốc Phù Đổng…

Các ngày diễn ra Liên hoan đều thu hút khá đông khách đến tham quan, vui chơi. Những gian hàng thu hút khách nhất phải kể đến gian trưng bày hoa Đà Lạt được bố trí ngay lối vào, tiếp theo là tranh cát, gian hàng mỹ nghệ truyền thống… Đặc biệt, có một khu gian hàng được trưng bày trong không gian hấp dẫn của phố cổ Hà Nội, với hình ảnh của Ô Quan Chưởng, những mái ngói lô xô, những bức tường rêu phong cổ kính… dưới vòm cây xanh mướt khiến du khách rất thích thú...

Liên hoan lần này được tổ chức với quy mô lớn, công tác chuẩn bị rất chu đáo. Nhiều du khách cùng chung một nhận xét: "Tổ chức Liên hoan thế này thật dễ chịu, không phải chịu cảnh ngột ngạt, chất đống hàng hóa, người người đổ xô đến mua hàng".

Có thể coi đây là một Liên hoan thành công và đạt được hiệu quả tuyên truyền lớn, rất ấn tượng với khách du lịch. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số hạt sạn làm xấu đi hình ảnh của một Liên hoan đầy ý nghĩa.

Chuột (bạch) xuất hiện trong Liên hoan ẩm thực và phố nghề, làng nghề Hà Nội.

Đó là sự xuất hiện của một số sạp hàng ngồi dọc đường trông như các bà bán rong vỉa hè. Khi vừa qua cổng công viên, du khách đã phải chứng kiến cảnh chen nhau mua bán một số mặt hàng không rõ nguồn gốc như đồ chơi trẻ em, quần áo hàng chợ… ngay cạnh những gian hàng quy mô, ghi rõ tên làng nghề truyền thống. Có sạp hàng lợi dụng nâng giá rất cao, chẳng hạn, một ống đựng tăm bằng gỗ giá bán chung trên thị trường là 14.000 đồng thì ở đây có giá 20.000 đồng. Nhiều gian hàng chỉ ghi tên phía trên là: hoa nghệ thuật, vàng bạc trang sức, hoa lụa nghệ thuật… mà không ghi rõ địa chỉ khiến khách khó tính có cảm giác nghi ngờ về chất lượng hàng hóa.

Tại khu vực này cũng xuất hiện hai máy dịch vụ ép dẻo (ép giấy tờ, giấy CMND) mà chẳng ăn nhập gì với Liên hoan này. Một hình ảnh khiến nhiều du khách để ý là một ông già đeo mặt nạ cử động, với những con rối được giật dây liên tục ngồi trên ghế đá, phía sau những sạp hàng. Ông nói với tôi, để có một chỗ ngồi này ông chỉ mất vài chục ngàn. Hình ảnh của ông già rất ấn tượng nhưng lại khiến Liên hoan không mang tính quy củ vì chỗ ngồi, chỗ trưng bày… chẳng giống ai. Trưa 31/3, đột ngột xuất hiện một chậu chuột bạch bán giữa những gian hàng của Liên hoan với giá 10.000 đồng/con - loại hàng chẳng mang tính ẩm thực hay truyền thống chút nào.

Một dịch vụ chặt chém và gây khó chịu nhất cho "thượng đế" là dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy tự phát trước cổng Công viên Thống Nhất. Vì tiện ngay sát đường nên bãi đỗ xe này thu hút được rất nhiều xe. Chúng tôi vừa đỗ xe, người trông xe "quát" giá 5.000 đồng/xe. Tuy bãi đỗ xe của công viên vẫn thu mức giá cao gấp đôi quy định (2.000 đồng/xe) nhưng dù sao thì cũng dễ chịu hơn. Một Liên hoan mà khách không phải mua vé vào nhưng lại phải trả tiền trông xe như thế thì cũng giảm đi ý nghĩa và mục tiêu mà những người tổ chức đặt ra. Hy vọng ở bất kỳ Liên hoan hay hội chợ nào, Ban tổ chức và các ngành chức năng sẽ quan tâm hơn đến vấn đề này

Hà Việt
.
.
.