Những cuộc xuất ngoại làm dâu đầy nước mắt
>> Gái quê chắt bóp “mua”… chồng ngoại
Dù gì, đây cũng là một thực trạng mà chúng ta phải đối diện, tìm hiểu để có cách nhìn, cách ứng xử phù hợp nhằm hạn chế những bi kịch từ các cuộc hôn nhân với người nước ngoài.
Hẳn độc giả vẫn chưa thể quên cái tên của cô gái xấu số 20 tuổi, quê ở thị trấn cùng tên huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) Thạch Thị Hồng Ngọc. Ngọc là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em; chị kế Ngọc có chồng là người Đài Loan. Bố mẹ của Ngọc, ông bà Thạch Sang - Trương Thị Út từng thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ nhà ở. Do không có đất sản xuất, vợ chồng ông Sang cùng các con mình, trong đó có Ngọc, từng vất vả bằng nghề làm thuê với những công việc thường xuyên như: đào đất, dặm lúa, nhổ mạ,…
Nhà nghèo nên chị Ngọc học xong lớp 9 đã nghỉ để giúp việc nhà cho một người ở chợ Cờ Đỏ rồi đến đầu năm 2009, lên TP Hồ Chí Minh làm phụ việc. Trước Tết 2010, Ngọc báo với gia đình là có người đàn ông Hàn Quốc tên là Jang Do Hyo muốn cưới. Ngay sau đó, đám cưới được tổ chức ở Đầm Sen nhưng bên chồng chỉ sắp xếp cho bên cô dâu đúng một bàn tiệc. Tại lễ cưới, Ngọc được tặng nhẫn cưới, dây chuyền, bông tai,… tổng cộng khoảng 1,5 chỉ vàng 18K; còn gia đình được 3,5 triệu đồng. Chi phí tiền ăn uống dọc đường và thuê xe lên, xuống, ông bà Sang còn đúng 1 triệu đồng.
Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật của hai nước, ngày 1/7, Ngọc theo chồng về Hàn Quốc. Chẳng ai nghĩ rằng, Ngọc được sống ở xứ sở kim chi chỉ đúng một tuần. Ngọc đã bị chồng đánh chết trong căn nhà mà Ngọc làm dâu (số 10-79, Sinpyong 1-dong, Saha-gu, TP Busan). Chẳng ai ngờ, chồng Ngọc có tiền sử bệnh tâm thần và từng hành hung người khác, từng nhập viện điều trị rối loạn thần kinh gần 60 lần...
Jang Do Hyo bị bắt. Kết thúc quá trình điều tra, các công tố viên đề nghị mức án chung thân đối với Jang Do Hyo vì mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tuy nhiên, Tòa án TP Busan vào ngày 7-10 vừa qua đã tuyên án 12 năm tù với Jang sau khi xem xét tình tiết giảm nhẹ rằng Jang là người bị tâm thần và tỏ thái độ hối lỗi. Tòa án cũng buộc Jang cần được điều trị tâm lý trong tù và phải đeo thiết bị theo dõi trong 10 năm sau khi ra tù.
![]() |
Biên tập viên của Đài Truyền hình quốc gia MBC - Kim Ji Kyung quan tâm đến thông tin trên Báo CAND về vụ Thạch Thị Hoàng Ngọc. |
Sau vụ "người nhà" giết "dâu ngoại" gây phẫn nộ dư luận, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố kế hoạch thành lập một ủy ban cải cách hoạt động môi giới hôn nhân ngoại. Chính phủ cũng bàn các biện pháp giúp đỡ các cô dâu ngoại ổn định cuộc sống ở Hàn Quốc.
Trước phiên tòa này, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak cũng đã phát biểu trên Đài Phát thanh KBS, gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Hồng Ngọc. Ông cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực tìm cách cải thiện hành động và nhận thức sai lầm của một số trung tâm môi giới hôn nhân quốc tế.
Sau câu chuyện của cô dâu Hoàng Ngọc bị chồng giết hại, phía quốc gia "đàng trai" Hàn Quốc đã làm tất cả những gì có thể. Tuy nhiên, tại vùng quê của cô gái xấu số ấy, nhiều người dường như chẳng bị một sự tác động nào trong nhận thức qua việc vẫn chọn "phương thức lấy chồng ngoại" khá phổ biến (qua môi giới, biết hôm nay mai làm đám cưới) đối với con cái mình mà bất chấp hậu quả.
Chúng tôi xin kể dưới đây câu chuyện nhói lòng của người đàn ông 45 tuổi, nhà bên rạch Ba Gừa, ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng, huyện vùng sâu Cờ Đỏ (Cần Thơ). Vì không tán thành chuyện ép con gái cho một người Đài Loan mà người đàn ông này mất tất cả…
Anh đề nghị không giấu tên mình trên mặt báo nhưng khi thực hiện bài viết này, chúng tôi vẫn cảm thấy áy náy nên xin được viết tắt tên anh. Anh V. kể, cuộc đời của anh cứ gặp khốn khó. Hàng chục năm sống bằng nghề làm thuê (trồng lúa, dưa hấu) dọc theo biên giới An Giang - Campuchia vẫn không ngóc đầu dậy nổi. Năm 2000, anh cùng vợ con dắt díu nhau quay về Cần Thơ và may mắn được "ăn theo" công trình xây dựng Khu dân cư 586 với công việc giúp việc cho thợ lắp đặt điện, nước. Vợ chồng anh thuê một căn nhà tạm trong vùng quy hoạch để ở. Sáng nào cũng vậy, anh và con trai lớn quảy giỏ đồ nghề đến công trường. Ki cóp để dành được khoảng 60 triệu đồng thì gia đình bên vợ cần nên anh chẳng nghi ngại. Cho tới một hôm, anh mới hay là vợ anh dùng tiền ấy vào trò đỏ đen. Có ngày, vợ anh chơi đứt cả chục triệu. Một ngày về quê cũ ở rạch Ba Gừa, anh không tin vào tai mình: Vợ anh đã "đi lại" với người đàn ông ghi đề đã có vợ con.
Cùng với sự thờ ơ, thách thức của người vợ chẳng biết chia sẻ khó khăn cùng anh, lo cho ba đứa con học hành, anh đã ký vào đơn ly hôn. Trong phiên tòa, anh đề nghị vợ anh nếu không lo nổi cho con đến ngày gả chồng thì hãy cho anh biết chứ tuyệt đối không được như nhiều gia đình khác ở cùng xóm, đem con gả cho người nước ngoài.
Nhưng rồi điều anh sợ lại đến. Ngày 24/4, anh được tin cháu Đ. (con gái anh) đã nghe theo lời của gia đình bên ngoại, khăn gói lên TP HCM để tìm đường dây chuyên lo thủ tục kết hôn với người nước ngoài dù con bé mới 15 tuổi. Đã có một người đàn ông 50 tuổi "chấm" con gái anh. Anh đón xe đò đi tìm con. Tới Bến xe miền Tây, anh đón taxi (anh kể đây là lần đầu tiên đi taxi và tốn nhiều tiền như thế) đến khu vực thường tổ chức chuyện người nước ngoài coi mắt tập thể các cô gái Việt
Anh kể, con gái anh đi tới tháng 6/2010 mới về. Người đàn ông ấy còn hứa sẽ sắp xếp để làm thủ tục (thực tế nếu chưa đủ tuổi thì không thể làm thủ tục gì được cả - PV) để "rước dâu" sớm nhất. Con gái anh cũng hớn hở đi học tiếng Đài.
Không chấp nhận được sự thật này, anh viết đơn gửi đến Công an, Hội Phụ nữ huyện Cờ Đỏ đề nghị can thiệp. Đó cũng là lúc xảy ra vụ Hoàng Ngọc bị chồng sát hại. Tuy nhiên, sau khi cháu Đ trở về, khi được mời đến cơ quan chức năng, cháu Đ. và phía gia đình vợ anh chối phăng chuyện đã ép gả cháu Đ. cho người Đài Loan. Còn việc đi du lịch, cháu Đ. nói nếu có cũng là việc cháu tự nguyện chứ chẳng phải bị ai ép buộc…
Anh kể thêm, chưa đầy 30 phút sau đó, anh nhận được nhiều cuộc điện thoại từ phía vợ và gia đình bên vợ. Họ nói anh đã "phá hoại" tính toán của họ. "Đau nhất là con gái tôi, rồi cả thằng con trai lớn cũng gọi điện nói lời đoạn tình với tôi rằng tôi không phải là cha nó. Bỗng dưng tôi mất con" - anh nghẹn ngào nói.
Kỳ sau: Bao giờ hết cảnh "trong nhờ, đục chịu"