Những cây cầu… chờ sập ở miền Trung

Thứ Hai, 15/11/2010, 11:03

Trong danh sách hơn 100 cầu yếu ở miền Trung cần phải được thay thế xây dựng cầu mới hiện chỉ có vài cầu được đầu tư xây dựng mới. Số còn lại vẫn đang oằn mình gánh chịu hàng chục ngàn lượt phương tiện qua lại. Đây là thời điểm những tháng cuối năm, bắt đầu bước vào mùa vận tải. Số phận những cây cầu yếu này trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Cầu yếu nhiều nhưng xây mới chẳng được bao nhiêu

Theo thống kê của Khu Quản lý đường bộ 5, trên các tuyến quốc lộ do Khu quản lý (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên) có đến 101 cầu yếu. Hầu hết các cầu này có tuổi thọ gần nửa thế kỷ. Trong đó, riêng QL1A có 68 cầu, QL19 có 11 cầu, QL 26 có 11 cầu, QL14 và đường Hồ Chí Minh có 11 cầu. Ngoài các cầu Nam Ô, Bà Rén, Hương An, cầu Cháy (QL1A qua Quảng Ngãi) đang được xây dựng mới, còn lại gần một trăm chiếc cầu trong tình trạng báo động. Trong đó có nhiều cầu có nguy cơ mất ATGT cao.

Điển hình như trên tuyến QL1A các cầu Kế Xuyên, An Tân, Bà Dụ (Quảng Nam); cầu Phủ, Châu Ổ, Ô Sòng, Bàu Giang, cầu Cát, Bà Trà, Nước Mặn 2, Vinh Hiển, Trà Câu, cầu Bàu, cầu Gạch, cầu Vạt… (Quảng Ngãi); Gia Hựu, Bình Dương, Trường An 1, Trường An 2, Trà Quang 1, Châu Thành, Cẩm Tiên 2, An Ngãi 1, cầu Gành… (Bình Định)... Các cầu yếu có một điểm chung là bản mặt cầu bị nứt thủng; các dầm chủ bị võng, nứt xiên, nứt ngang; nứt vỡ mố, xà mũ… Nguy cơ tiềm ẩn TNGT và sập cầu xảy ra bất cứ lúc nào. Riêng cầu Cẩm Tiên 2 (Phú Yên) vì quá yếu nên đã được Khu QLĐB5 cho làm cầu tạm. 

Chúng ta còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2009, cầu Bà Rén nằm trên tuyến QL1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam được báo động khẩn cấp là có nguy cơ sập (Báo CAND đã có nhiều bài phản ánh). Và rồi, không còn cách nào khác, ngành GTVT lại tốn không biết bao nhiêu cuộc họp khẩn để "tìm đường thoát" cho cây cầu già nua này. Mặc dù trước đó, Khu QLĐB5 đã có báo cáo hiện trạng và xin xây dựng cầu vĩnh cửu mới nhưng tất cả chỉ dừng lại ở chủ trương sửa chữa đảm bảo giao thông. Đến khi tuổi của cầu không chịu nổi nữa thì người ta mới cuống cuồng tìm giải pháp.

Cần phải được đầu tư xây dựng cầu mới, tránh tình trạng thi công sửa chữa gây ra ùn tắc giao thông kéo dài

Một cái nghịch lý nữa là để giảm tải cho cầu này, người ta lại bắt các phương tiện vận tải đi nhiều đường tránh, vòng vo. Mà những đường tránh đó lại có những cây cầu còn yếu hơn cầu Bà Rén. Đúng là "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa". Trước sức ép của dư luận, sau đó Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN cho bắc ngay cầu tạm để đảm bảo giao thông và tiến hành xây dựng cầu vĩnh cửu mới. Vô hình chung, cách làm này giống như kiểu "nước đến chân mới nhảy". Cùng một lúc Nhà nước phải chi ra tiền tỷ để vừa sửa chữa cầu cũ (mất 1,4 tỷ đồng), vừa bắc cầu tạm (mất 27 tỷ đồng) và vừa triển khai xây dựng cầu vĩnh cửu mới.

Tình trạng này còn xảy ra ở  một số cầu yếu khác trên QL1A như: cầu Nam Ô (Đà Nẵng), cầu Hương An (Quảng Nam)… Các cầu này cũng đã được đầu tư tiền tỷ để sửa chữa đảm bảo giao thông nhưng vẫn không ngăn chặn được sự xuống cấp do đã quá già cỗi.

Cần nhanh chóng triển khai xây mới

Mới đây, Tổng cục ĐBVN có văn bản trình Bộ GTVT đề nghị phê duyệt dự án "Đầu tư cải tạo xây dựng mới, thay thế các cầu yếu trên các tuyến QL giai đoạn III". Danh sách được xếp hạng "ưu tiên 1" gồm có 45 cầu, tổng vốn đầu tư đề nghị gần 1.300 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong các năm 2011-2013.

Tổng cục ĐBVN sắp xếp làm 2 nhóm theo mức ưu tiên đầu tư. Nhóm 1 gồm 24 cầu nằm trên các tuyến QL quan trọng, đã hư hỏng nặng, khổ cầu hẹp. Nhóm 2 có 21 cầu. Nằm trong nhóm 1 có 13 cầu trên QL1A là: Hói Rui, Ô Sông, Cát, Trà Câu, Bình Dương, Trà Quang, An Ngãi, Gành, Ồ Ồ, Lùng, Bà Triên, Cửu Lợi, Ý Lợi. Ngoài ra có các cầu: Già Khê, Gia Nghé, Một Trại (QL31), Ốc (QL21), Suối Chuỗi, Sông Hoàng (QL47), Om (QL15), Khe Sanh (QL9), Đồng Xiêm (QL19), Mương Khai, Xã Hời (QL54). Tổng mức đầu tư nhóm này là 798.336 triệu đồng.

Như vậy, chủ trương và kinh phí xây dựng đã có, nhưng vẫn chưa đáp ứng được thực tế vì như lời của một đồng chí đang công tác trong ngành GTVT thì: "Nói thật trên các tuyến quốc lộ hiện nay, đặc biệt qua miền Trung đa số cầu nào cũng yếu cả, số "cầu khỏe" chỉ đếm trên đầu ngón tay". 

Hiện các cầu yếu ở miền Trung đang "cầm cự" cho qua ngày, tức là đơn vị quản lý chỉ duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giao thông. Mặc dù chưa xảy ra sự cố nào đáng tiếc nhưng không ai dám đảm bảo rằng hơn 100 cầu yếu đang ngày một yếu hơn sẽ đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại. Đặc biệt, thời điểm Tết âm lịch sắp đến gần, mùa vận tải tăng cao. Các phương tiện đi qua cầu yếu không những sợ sập mà còn sợ tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài xảy ra vì đơn vị "lấy" nửa cầu để sửa chữa

Trần Ánh
.
.
.