Những cái chết đau lòng từ rượu không nguồn gốc
>>4 người tử vong sau khi nhậu 3 ngày liền
Bác sĩ Đặng Văn Điền, Phó Giám đốc TTYT huyện Kon Plông, cho chúng tôi biết nơi xảy ra sự vụ là làng Điek Nót A nằm sâu trong rừng Đông Trường Sơn. Nhìn núi rừng chìm trong màn mưa trắng bạc, bác sĩ Điền lắc đầu thở dài: "Đường vào xã Ngọc Tem đang thi công nên nền đường lầy lội, khó đi lắm! Anh không thể vào làng bằng xe máy này được đâu!".
Sang Công an huyện Kon Plông, các cán bộ trực ban cho hay, Công an huyện cử một tổ công tác vào xã Ngọc Tem tìm hiểu nguyên nhân 5 người dân uống rượu bị tử vong từ sau khi xảy ra sự vụ vẫn chưa về. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được ngôi làng Điek Nót A bằng chiếc xe máy cà tàng.
Theo người dân sống ở làng kể lại thì vào khoảng 19h ngày 16/3, tại nhà ông A Ran tổ chức ăn và uống rượu. Trong cuộc nhậu có 4 người cùng thôn, gồm các ông: A Ran (55 tuổi), A Tin (25 tuổi, con ông A Ran), A Lái (25 tuổi), A Quyền (27 tuổi) và 1 người cháu của ông A Ran là ông Đinh Văn Run (34 tuổi, trú tại huyện Kon Rẫy). Thực phẩm trong cuộc nhậu này gồm: rượu trắng đóng trong can nhựa khoảng 9 lít, cá sông, trứng vịt, rau... Lúc đầu, họ uống từ 19h ngày 16/3 cho đến 7h ngày 17/3 thì cuộc nhậu chấm dứt. Những người uống rượu lâm vào tình trạng đau đầu, khát nước, nôn mửa, song gia đình tưởng họ say rượu nên không đưa đến cơ sở y tế để điều trị.
Uống rượu là một sinh hoạt văn hóa nhưng nếu không kiềm chế thì dễ dẫn tới hậu quả đau lòng. |
Đến 8h ngày 18/3, ông A Ran và ông Đinh Văn Run tiếp tục uống rượu cho đến 15h cùng ngày thì ngừng uống. Cho tới 18h45' cùng ngày, nhận được thông báo về việc người dân trên địa bàn thôn uống rượu bị ngộ độc, nhân viên y tế xã Ngọc Tem đã đến tận nhà các nạn nhân nói trên để cấp cứu.
Nhưng, khoảng 19h cùng ngày, thì ông A Ran tử vong. Tiếp theo là A Tin, con ông A Ran, cũng lâm vào tình trạng hôn mê, rồi chừng 30 phút sau cũng tắt thở. Còn A Lái thì thấy mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn. Do đó, nhân viên y tế xã Ngọc Tem tiến hành sơ cứu và vận động gia đình đưa đến Trạm Y tế xã để theo dõi và điều trị, song gia đình không đồng ý.
Đến 5h30' ngày 19/3, gia đình A Lái mới đồng ý đưa anh đi bệnh viện huyện Kon Plông, nhưng anh đã chết trên đường đi cấp cứu. Tương tự, Đinh Văn Run cũng không đồng ý để nhân viên y tế đưa đi cấp cứu, nên vào khoảng 8h ngày 19/3, Run lên cơn vật vã, đến 11h30' cùng ngày thì chết...
Tiếp xúc, trao đổi với cán bộ y tế huyện Kon Plông, cho biết nguyên nhân dẫn đến tử vong của 4 người nói trên là do ngộ độc thực phẩm. Riêng ông A Quyền, sau khi uống khoảng 3 ly rượu thì không uống nữa và đi về, nên chỉ bị đau đầu nhẹ. Hiện sức khỏe A Quyền đã được ổn định và đang được nhân viên y tế xã theo dõi và điều trị. Về trường hợp ông A Răm (em ruột ông A Ran) là nạn nhân có tiền sử mắc bệnh xơ gan.
Vào sáng 21/3, ông A Răm dự đám tang người anh trai và cháu, có uống rượu và ăn nhiều thịt bò. Sau đó, A Răm lên cơn vật vã, khó thở, sùi bọt mép, bụng trướng và được nhân viên y tế xã cấp cứu, nhưng đã tử vong.
Ngay sau khi sự vụ xảy ra, TTYT huyện Kon Plông đã phối hợp với Phòng Giám định pháp y tỉnh đến mổ tử thi để tìm nguyên nhân tử vong; phối hợp với Trung tâm Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tiến hành lấy các mẫu: thức ăn trong dạ dày các nạn nhân, mẫu tại các hàng quán ở xã... gửi đi xét nghiệm và tổ chức niêm phong, thu hồi rượu tại các quán mà nạn nhân đã mua. TTYT huyện cũng đã phối hợp với UBND xã Ngọc Tem tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động về tác hại của rượu, về VSATTP. Đồng thời, đình chỉ bán rượu không rõ nguồn gốc đối với các hàng quán trên địa bàn xã và kiểm tra chất lượng VSATTP đối với các mặt hàng buôn bán đây.
Trở về từ huyện Kon Plông, chúng tôi được Bác sĩ Lê Trí Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết: Cái chết của ông A Răm có thể không liên quan đến vụ 4 người chết nói trên, vì do ông từng mắc một số căn bệnh mạn tính và ăn thịt bò một lúc quá nhiều. Hiện Sở đang gửi mẫu bệnh phẩm của nạn nhân đến cơ quan chức năng của Trung ương để xác định nguyên nhân vụ chết tập thể này.
Theo kết quả xét nghiệm của TTYT dự phòng Kon Tum khi lấy mẫu rượu tại 5 cơ sở thường xuyên bán rượu cho người dân trên địa bàn xã Ngọc Tem, thì có 2 cơ sở bán rượu không đạt chỉ tiêu về methanol và aldehyd. Bác sĩ Võ Minh Đức, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum còn cho biết thêm: Kết quả mổ khám nghiệm tử thi 4 nạn nhân nói trên cho thấy, trong dạ dày của họ còn có một số loại lá cây.
Việc người dân vùng đông Trường Sơn thường xuyên ăn một số loại rau và nấm rừng rất có thể bị ngộ độc. Thêm vào đó, tình trạng các tư thương chở rượu không rõ nguồn gốc từ nhiều nơi vào bán cho người dân ở đây không có sự kiểm tra của ngành chức năng là một điều rất đáng báo động. Hơn bao giờ hết, việc tổ chức tuyên truyền VSATTP cần được các ngành chức năng triển khai thường xuyên, trong đó cần siết chặt "nguồn gốc của rượu". Có như vậy mới mong những tử vong do ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum mới được hạn chế đến mức thấp nhất