Những cái chết đau lòng từ bạo hành gia đình

Thứ Ba, 27/11/2007, 15:07
Thật khó ai tin người đàn ông với vẻ mặt hiền lành như Bàn Văn Nghị, 55 tuổi, xã Ea Lê, huyện Ea Sup (Đắk Lắk) lại đang tâm cướp đi sinh mạng của con trai mình. Nguyên nhân của vụ án bắt nguồn từ sự ích kỷ và côn đồ của con trai ông.

Từ lâu nay, một trong những đạo lý sống, đạo đức con người của nhân dân ta là người trong một nhà thì phải kính trên, nhường dưới, yêu thương, nhường nhịn, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một trong những yếu tố tạo nên sự bền chắc mối quan hệ gia đình, dòng tộc và góp phần giữ vững ổn định xã hội.

Còn ở một địa bàn dân cư sống chủ yếu thuần nông như Đắk Lắk, thì trong cộng đồng các dân tộc, với những đặc thù về văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống lâu đời, mối quan hệ ấy càng phải gắn bó thiết thân.

Thế nhưng, cho đến những năm gần đây, trước những tác động của lối sống thực dụng, chạy đua theo vật chất hoặc lợi ích trước mắt, đạo đức, truyền thống tốt đẹp ấy đã có phần bị xói mòn.

Cho đến hôm nay, tại xã Ea Lê, huyện Ea Sup (Đắk Lắk), người dân vẫn còn xôn xao về một vụ án hi hữu. Bình thường, thật khó ai tin người đàn ông với vẻ mặt hiền lành như Bàn Văn Nghị, 55 tuổi lại đang tâm cướp đi sinh mạng của chính con trai mình.

Nguyên nhân của vụ án lại bắt nguồn từ sự ích kỷ và côn đồ của con trai ông là Bàn Văn Tuấn, 37 tuổi. Vốn là một kẻ hay cờ bạc và nát rượu nên có bao nhiêu tài sản, tên Tuấn đều ném vào các sới bạc và những cơn say.

Để có tiền, ngày 22/8, hắn đến tìm ông Nghị và bắt ông phải bán nốt mấy hécta đất màu để chia tiền cho hắn. Ông Nghị không chịu nên hắn đã dùng dao tấn công ông. May là lúc này một người con rể có mặt đó nên can thiệp kịp thời. Bức xúc vì đứa con bất hiếu, ông Nghị vớ lấy chiếc búa bổ củi gần đó bổ vào đầu Tuấn làm hắn chết tại chỗ.

Còn tại thôn 4, xã Cư Yang, trưa 15/10, trong khi Mai Văn Dũng, 23 tuổi, ở thôn 4, xã Cư Yang, đang ngồi uống rượu tại nhà anh trai ở cùng xã thì có em gái đến bảo về nhà ngay vì thấy bố là ông Mai Văn Châu, 49 tuổi đang mài dao đòi giết chết mẹ.

Sau khi điện báo cho mẹ đang đi làm ở nơi khác đừng về nhà, Dũng chạy về. Đến nơi thì Dũng gặp ông Châu đang trước cửa, tay cầm một con dao. Hai cha con lời qua tiếng lại rồi sau đó ông Châu đã chém một nhát vào cổ Dũng làm Dũng chết ngay sau đó.

Bà con xung quanh cho biết, gia đình ông Châu thường hay to tiếng cãi nhau. Riêng Mai Văn Châu thì hay rượu chè, chửi mắng vợ con.

Chiều 27/10, ông Phạm Văn V., 44 tuổi, ở khối 3A, thị trấn Ea Kar, đi nhậu về, thấy vợ và con đang ngồi ăn cơm thì chửi bới luôn miệng. Bức xúc vì tình trạng này hay xảy ra nên con trai cả là Phạm Quốc H., 14 tuổi, cãi lại.

Ông V. đạp vào H., H. liền lấy dao đâm vào ngực ông V. trúng tim làm ông gục xuống tại chỗ. Được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời nên ông V. thoát chết.

Trên đây chỉ là số ít trong hàng loạt vụ án người nhà gây hại cho nhau xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Điều đáng nói là những vụ án dạng này đang có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sa sút đạo đức, lối sống. Nhất là đối với lớp trẻ, trước tác động của lối sống chạy theo vật chất hoặc lợi ích trước mắt mà một bộ phận không nhỏ đã sẵn sàng quên đi, bỏ qua những giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong, bất chấp hậu quả. Một số khác thì do trình độ học vấn, nhận thức pháp luật thấp kém nên đã phạm tội.

Qua thống kê thì phần lớn số vụ là xảy ra ở vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng gây ra các vụ chủ yếu là làm nghề nông, ít học hoặc mù chữ. Trong khi đó, các cấp chính quyền, đoàn thể lại ít chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Nếu có thì cũng nặng về hình thức nên hiệu quả không cao.

Trong nhiều gia đình, các yếu tố văn hóa, giá trị truyền thống bị xem nhẹ. Cha mẹ chỉ lo làm ăn, phát triển kinh tế, ít quan tâm đến con cái. Thậm chí, một số người sống buông thả theo những thói hư tật xấu của bản thân như: rượu chè, cờ bạc, phát ngôn dung tục, quan hệ bất chính và có những hành vi vi phạm khác. Từ đó, mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo, lúc đầu chỉ là sự thiếu tôn trọng nhau. Theo thời gian mà tình cảm gia đình bị rạn nứt đến không thể vãn hồi.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, đời sống kinh tế ở vùng nông thôn của Đắk Lắk đã nâng cao đáng kể. Cùng với việc người dân có nhiều điều kiện để tiếp cận và sử dụng các phương tiện nghe nhìn và dịch vụ viễn thông, tin học, nhất là với tầng lớp thanh niên, thiếu niên, học sinh thì các tác động của mặt trái như các sản phẩm đồi trụy, bạo lực, lối sống vị kỷ, hưởng thụ và nhiều kiểu cách sống xa lạ với văn hóa truyền thống, đạo lý dân tộc cũng theo đó len lỏi vào rồi phát tác trong một bộ phận không nhỏ của đời sống xã hội.

Tất cả những yếu tố đó tương tác với nhau đã gây nên sóng gió cho không ít gia đình và đưa đẩy đến bi kịch là người trong một nhà cãi cọ, chửi mắng, thóa mạ, đánh, chém, gây thương tích và sát hại lẫn nhau.

Những vụ án kiểu như trên, nguyên nhân thường nảy sinh từ những bất hòa, mâu thuẫn trong nội bộ các gia đình nên công tác phòng ngừa thường gặp khó khăn. Với lực lượng Công an thì chỉ tham gia sau khi các vụ án đã xảy ra và cũng chỉ giải quyết những phần liên quan đến pháp luật, tố tụng hình sự.

Chính vì vậy, để phòng ngừa các vụ án kiểu này, điều quan trọng là công tác phòng ngừa xã hội phải được quan tâm, đầu tư đúng mức. Trong đó, vai trò của chính quyền, đoàn thể địa phương cần phải được phát huy. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân cũng phải được chú trọng thường xuyên, liên tục, phù hợp với trình độ, phong tục, nếp suy nghĩ của từng cộng đồng.

Cùng với đó, việc duy trì, khơi dậy, phát huy các giá trị truyền thống, các phong trào xây dựng nếp sống mới, văn hóa, ông bà cho mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo phải thực sự đi vào đời sống sinh hoạt và ứng xử của người dân thì mới tạo được sự yên ấm, bền vững trong quan hệ không chỉ trong gia đình mà còn là của xã hội

Nguyễn Trọng
.
.
.