Những cách làm hay vì bình yên sông nước ĐBSCL

Thứ Sáu, 12/10/2012, 09:23
Lực lượng Công an nói chung vẫn được xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo TTATGT đường thủy. Trong thời gian qua, Công an các địa phương vùng ĐBSCL đã rất nỗ lực trong mảng công tác quan trọng này và đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng các chủ phương tiện có những cách làm hay…
>> Vất vả dẹp bến “chui”, đò “lụi” trên các tuyến đường thủy ĐBSCL

Tại Cần Thơ, theo báo cáo của ngành chức năng, hiện có 110 bến khách ngang sông (BKNS) được cấp phép hoạt động; 6.360 phương tiện đăng ký đăng kiểm (ĐKĐK). Còn lại gần 60.000 phương tiện không ĐKĐK và nhiều BKNS không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động, tiềm ẩn mất TTATGT và TNGT đường thủy nội địa.

Trước thực trạng đó, Ban ATGT TP Cần Thơ đã triển khai kế hoạch “Xây dựng bến đò an toàn trên các tuyến đường thủy nội địa”, đến nay đã cho ra mắt và công nhận 9 bến đò an toàn tại các quận, huyện và doanh nghiệp, gồm: Bến đò Ninh Kiều (quận Ninh Kiều); Cô Bắc (quận Bình Thủy); số 9 (quận Cái Răng); bến Huỳnh Thôn (huyện Phong Điền); bến Bà Hiệp (huyện Phong Điền); Rạch Nọc, Thới An, Bằng Tăng (quận Ô Môn); Rạch Ông Chủ (huyện Thới Lai).

Tháng 9/2012, Ban ATGT TP Cần Thơ trích kinh phí mua 300 dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân tặng các chủ bến khách ngang sông trên địa bàn quận Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền, bước đầu trang bị dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho hành khách khi đi đò, đảm bảo an toàn khi qua sông.

Tại Hậu Giang, Ban ATGT tỉnh cho biết, dù mới được thành lập nhưng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy tại xóm ấp ven kênh xáng Xà No” ở xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A) đã tác động rất lớn đến việc chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ của người dân. Đại úy Trần Văn Hiền, Đội trưởng Đội CSGT-TTCĐ, Công an huyện Châu Thành A, phấn khởi: Từ khi thành lập trên tuyến kênh này không xảy ra trường hợp TNGT đường thủy nào, ý thức của người dân chấp hành các quy định tốt hơn. Tại các bến đò ngang đều được trang bị đầy đủ các phương tiện, như phao cứu sinh, đèn, còi, các chủ phương tiện thường xuyên đăng kiểm, học lấy chứng chỉ hành nghề, để đảm bảo tốt an toàn cho hành khách.

Với mục tiêu bình yên sông nước, từ năm 2011, Cục Cảnh sát đường thủy (C68 - Bộ Công an) đã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình tự quản về TTATXH trên đường thủy khu vực các tỉnh ĐBSCL, phối hợp với Ban ATGT tỉnh Vĩnh Long chọn khu vực đường thủy sông Hậu, kinh tắc Cù Lao Mây, sông Măng Thít và xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn), triển khai thí điểm cụm mô hình đảm bảo TTATGT - TTXH khu vực Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn), gồm: “Đội dân phòng đảm bảo TTATGT - TTXH”; “Cụm dân cư văn hóa” và “Bến đò tự quản phòng chống đuối nước trẻ em”. Sau gần một năm đi vào hoạt động, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy.

Ban ATGT TP Cần Thơ phát dụng cụ nổi cho các bến đò an toàn trên địa bàn.

Theo Đại tá Dương Ngọc Tiến - Phó Cục trưởng Cục C68, trong quá trình thực hiện, CSĐT sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổ chức giao ban, rút kinh nghiệm hướng dẫn nghiệp vụ cho tổ tự quản. Công an các xã sở tại phát huy hiệu quả thiết thực, nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm và tính tự giác của quần chúng nhân dân.

Cùng trong nỗ lực chung, mới đây Công an tỉnh Vĩnh Long đã lập Trạm Cảnh sát đường thủy Tam Bình, có nhiệm vụ tăng cường công tác TTKS giao thông trên các tuyến sông Măng Thít, nối sông Tiền với sông Hậu chảy qua địa phận Vĩnh Long và các tuyến sông lân cận. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ. Ngay sau khi thành lập, đến nay Trạm đã tổ chức 136 ca TTKS, phát hiện xử lý 586 trường hợp vi phạm (giảm gần 100 trường hợp so với trước đó). Đáng ghi nhận, là nhờ làm tốt công tác lồng ghép kết hợp vừa xử lý vừa giáo dục, phân tích nguy cơ tai nạn của các hành vi vi phạm nên rất được người dân ủng hộ, nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình “Tuyến sông Tiền an toàn về giao thông và ANTT”, từ năm 2011, lực lượng CSĐT các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đã tập trung lực lượng tăng cường TTKS, góp phần kiềm chế TNGT và phạm pháp hình sự, đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến sông Tiền. Kết quả đã kiểm tra 29.706 phương tiện, 8 mỏ cát, 6 bến khách du lịch, 943 lượt bến khách ngang sông, xử phạt 25.014 trường hợp vi phạm hành chính, giáo dục, nhắc nhở 813 trường hợp, đình chỉ hoạt động 34 trường hợp.

Chúng tôi xin kết thúc bài viết bằng ý kiến phát biểu của Trung tướng Lê Quý Vương - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” được tổ chức tại Cần Thơ cách nay hơn 1 năm:  “Muốn có được sự bình yên trên sông nước, tức là muốn có sự an toàn thực sự khi tham gia giao thông đường thủy đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tự giác chấp hành pháp luật, luôn tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ mọi người cùng tham gia giao thông. Làm được những điều đó chính là đã thể hiện được mình là người có văn hóa khi tham gia giao thông đường thủy”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị Ban ATGT các tỉnh, thành trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động này. Các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình văn hóa giao thông như “Làng chài văn hóa”, “Tuyến sông, bến cảng văn hóa, an toàn”, “Đoàn tàu văn hóa, an toàn”, “Bến đò văn hóa, an toàn”... Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về pháp luật ATGT đến toàn thể tổ chức, cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy.

Theo thống kê của Cục C68, 9 tháng đầu năm 2012 tình hình TTATGT đường thuỷ trên phạm vi cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. TNGT đường thủy giảm trên cả 3 tiêu chí (giảm 29,6% số vụ, 8,8% người chết và 27,27% số người bị thương). Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, lực lượng CSĐT đã tăng cường lực lượng, phương tiện triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp bảo đảm TTATXH trên đường thủy; đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông vì bình yên sông nước” do UBATGT Quốc gia phát động.

V.Đức - V.Vĩnh
.
.
.