Những biện pháp để phòng tránh đại dịch Ebola

Thứ Năm, 14/08/2014, 09:05
Dịch bệnh Ebola đang khiến cả thế giới lo ngại vì tốc độ lây truyền và tỉ lệ tử vong cao, khi vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu chưa có. Vì thế, nhiều người hoang mang không biết sẽ làm gì để phòng bệnh và trên mạng xã hội đã lan truyền về một số dung dịch có thể phòng và điều trị Ebola. Để giúp bạn đọc có thông tin nhiều hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).

+ Thưa ông, virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong đợt bùng phát dịch hiện nay ở Tây Phi, đa số các ca bệnh ở người là do lây nhiễm từ người sang người, do tiếp xúc trực tiếp với vết xước trên da hay niêm mạc, với máu hay các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất tiết của người nhiễm virus, như quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo bệnh có lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh. Đã có hơn 200 nhân viên y tế bị phơi nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân Ebola, có thể do họ không sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân, hoặc không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn khi chăm sóc bệnh nhân.

Đã có những ca lây nhiễm virus Ebola trong cộng đồng khi tổ chức đám tang và nghi lễ mai táng. Người tiếp xúc trực tiếp với thi thể người bệnh Ebola cũng có thể lây truyền bệnh. Cần phải mang găng tay và trang bị bảo hộ thích hợp khi xử lý thi thể của người chết do nhiễm vi rút Ebola, và phải mai táng ngay. WHO khuyến cáo việc xử lý thi thể và mai táng nên do các cán bộ quản lý ca bệnh được đào tạo thực hiện đúng cách. Người bệnh có khả năng lây bệnh khi máu và dịch tiết của họ còn chứa virus. Nam giới vẫn có thể lây truyền virus qua tinh dịch trong 7 tuần sau khi bình phục. Vì thế, họ cần tránh quan hệ tình dục  ít nhất là 7 tuần, hoặc phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục trong thời gian 7 tuần sau khi bình phục.

+ Đối tượng nào sẽ có nguy cơ mắc Ebola cao nhất?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Đó là cán bộ y tế, thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola. Cũng có thể là những người bị suy giảm miễn dịch, những người đã có bệnh, dễ bị cảm nhiễm vv…

+ Có thể nhận ra người mắc Ebola với những dấu hiệu nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Sốt đột ngột, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng là những triệu chứng điển hình. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan, xuất huyết nội và ngoại. Thời gian ủ bệnh nghĩa là thời gian từ khi nhiễm virus đến khi xuất hiện triệu chứng từ 2 – 21 ngày. Bệnh Ebola chỉ có thể được chẩn đoán xác định thông qua xét nghiệm.

+ Một số lời đồn rằng dầu tràm, nước muối, tinh dầu oải hương có thể phòng ngừa hoặc điều trị bệnh Ebola?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chưa có nghiên cứu khoa học nào nói dầu tràm có tác dụng khử khuẩn cũng như có thể phòng chống bệnh Ebola. Hiệu quả khử khuẩn của nước muối sinh lý không cao, trong khi virus Ebola sống được trong môi trường bình thường khoảng 1 tuần, tuy nhiên các chất khử khuẩn dùng trong bệnh viện có thể tiêu diệt loại virus này, mà mọi người có thể sử dụng như Chloramine, cồn, Gel rửa tay khô... Vì thế, mọi người nên tẩy trùng nhà cửa, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. WHO luôn khuyến cáo người dân cần đến cơ sở y tế để được cung cấp thông tin và hướng dẫn đáng tin cậy về bệnh Ebola. Mặc dù hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này, song phương pháp điều trị tốt nhất là bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn. 

+ Có thể làm gì để phòng nhiễm Ebola?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Ebola, nên biện pháp phòng tránh hiện vẫn là duy nhất để giảm số mắc và tử vong do Ebola.

Cần rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh. Đối với việc tiếp xúc với người mắc bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt phòng hộ cá nhân và phải rửa tay cũng như khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn. Thi thể của người chết do Ebola cần được xử lý và mai táng ngay một cách an toàn. Cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus  Ebola như: dơi ăn quả, khỉ, hay vượn; không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật cần nấu chín kỹ trước khi ăn. Rửa tay bằng xà phòng với nước hoặc dung dịch sát khuẩn, theo đúng kỹ thuật. Phải thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng dưới vòi nước khi tay bị bẩn.

+ Đi du lịch cùng người bị nhiễm virus Ebola có an toàn không thưa ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Nếu người đã bị phơi nhiễm virus Ebola chưa xuất hiện triệu chứng, thì không có khả năng lây bệnh. Những người đang đi du lịch mà xuất hiện triệu chứng bệnh Ebola cần phải được cách ly để tránh lây truyền cho người khác. Có thể nguy cơ đối với những người đồng hành trong trường hợp đó là không cao, song cần điều tra ngược lại quá trình tiếp xúc để phân tích đặc điểm dịch tễ đưa ra chẩn đoán thích hợp. Quá trình điều tra những người tiếp xúc là cần thiết

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.