Nhức nhối tình trạng trồng cây cần sa
Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn tội phạm ma túy trên địa bàn. Dù với lý do gì, khi trồng cần sa là vi phạm pháp luật và người dân cần nhận biết, phân biệt cây cần sa để không vướng vào vòng lao lý…
Ngày 27/5, Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) phát hiện một vụ trồng cây cần sa trái phép tại DNTN Nông lâm Phú Quý, Chi nhánh Phú Quốc (ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh). Khu vườn nằm sát bìa rừng, cách xa trung tâm xã Hàm Ninh và khá hẻo lánh. Khi tiến hành kiểm tra, Công an huyện Phú Quốc phát hiện hàng trăm cây cần sa trồng xen kẽ trong vườn xoài, mỗi cây cao từ 1 - 1,5m, cùng hàng trăm cây nhỏ vừa ươm giống. Lực lượng chức năng đã thu giữ 527 cây cần sa, tương đương 38kg cần sa tươi. Làm việc với cơ quan Công an, ông Phan Thanh Long (SN 1969, ngụ huyện Thoại Sơn, An Giang), người trông coi khu vườn, khai nhận: vườn cây cần sa được ươm trồng cách đây 4 tháng, do một người dân từ Cần Thơ cung cấp hạt giống và ông Long là người trực tiếp ươm trồng, chăm sóc để chia lợi nhuận sau thu hoạch.
Công an huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) tiêu hủy cây cần sa do người dân trồng trái phép. |
Trước đó, ngày 23/3, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Sóc Trăng tỉnh kết hợp với Công an huyện Châu Thành triệt xóa một điểm trồng cây cần sa do Nguyễn Thanh Bình (40 tuooir) trồng tại ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành. Theo điều tra, những cây cần sa này được Bình trồng ở phần đất có diện tích 80m2, giáp ranh đất nhà Bình lâu nay bị bỏ hoang. Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ 93 cây cần sa tươi có trọng lượng 45,5kg.
Làm việc với cơ quan Công an, Bình khai nhận, cùng với một người cháu trồng cần sa gần 3 tháng nay để sử dụng trong chăn nuôi gia cầm (?!). Mới đây, Công an huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) tiến hành tiêu hủy 1.200 cây cần sa với khối lượng gần 60kg. Số cần sa này do người dân trồng tại các điểm cách xa khu dân cư, cây cối rậm rạp nên rất khó phát hiện…
Năm 2009, được người chuyên mua bán gà “bật mí” về một loại cây có thể dùng làm thực phẩm, giúp gà kháng được cúm nên ông Ngô Văn Dũng (ngụ xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) đã xin hạt về trồng. Ngoài biết được công dụng của nó, ông Dũng không có thêm thông tin nào về nguồn gốc cũng như tên gọi rõ ràng của loại hạt này. Chỉ đến khi bị lực lượng Công an phát hiện, thu giữ, ông Dũng mới biết loại cây mình đang trồng là cần sa. Ông Dũng nhớ lại: Lúc mang về trồng tôi đâu biết là cầy cần sa. Người ta nói cây này dùng chữa bệnh cho gà. Nếu cây cần sa thì tôi đâu dám trồng. Về trồng có 1 đợt rồi bị Công an phát hiện nên không dám tái phạm.
Còn đối với anh Nguyễn Văn Đằng ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cũng được một người bạn gửi hạt về trồng để phòng bệnh cho heo. Tình cờ xem tivi, anh Đằng thấy lực lượng Công an đang nhổ bỏ, tiêu hủy cây cần sa, mà loại cây này giống hệt với cây hàng ngày anh dành thời gian chăm sóc. Vì vậy, Đằng đã ra vườn nhổ bỏ hết để tránh vào vòng lao lý. Sở dĩ có những hành vi vi phạm này là do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức đề phòng nên một số đối tượng đã cung cấp hạt giống, tuyên truyền sai lệch về tác dụng của cây cần sa để người dân trồng thử.
Theo một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Cần Thơ, hầu hết các đối tượng khi bị bắt đều không thừa nhận hành vi của mình, vì họ cho rằng không biết đây là cây cần sa. Theo người dân, họ chỉ trồng cây này vì thấy khi cho gia súc, gia cầm ăn có thể phòng tránh một số dịch bệnh, thậm chí nếu cho bò, lợn ăn sẽ tăng trọng nhanh (?!). Điển hình, ngày 20/3, Công an huyện Vĩnh Thạnh phát hiện, thu giữ 45 cây cần sa có chiều cao từ 2 - 2,5m cùng nhiều cây con trồng trái phép tại một hộ dân ở ấp Phụng Quới A, thị trấn Thạnh An. Tại cơ quan Công an chủ nhà cho biết, được một người hàng xóm cho hạt về ươm và trồng dùng để nuôi vịt, chứ không biết đây là cây cần sa…
Cây cần sa còn có các tên gọi khác như: cây gai dầu, cây bồ đà, cây hỏa ma… thuộc nhóm thảo mộc, có chiều cao từ 2-3m, thân vuông, mọc thẳng đứng, lá cần sa rẽ ra từ 5-7 thùy, hình chân vịt, mép khía răng cưa. Hoa cần sa là loại hoa đơn tính, màu xanh nhạt. Hạt cần sa hình cầu, dập nát có mùi thơm. Lá, hoa, quả được phơi khô hoặc ép thành bánh đưa đi tiêu thụ. Nhựa cây cần sa có màu đen sẫm, giống như thuốc phiện, có nồng độ gây nghiện gấp 10 lần cần sa thảo mộc. Riêng tinh dầu cần sa có độc tính gấp 3-4 lần nhựa cần sa. |