Nhộn nhịp thị trường Tết “ông Công, ông Táo”
Cá vàng xuống phố
Đến hẹn lại lên, vào dịp này tại các chợ ở Hà Nội, các chủ bán cá hàng ngày đều chuyển sang nhập cá chép, cá vàng về bán phục vụ nhu cầu của nhân dân trong Tết “ông Công, ông Táo”. Theo khảo sát của PV Báo CAND tại một số chợ ở Hà Nội ngày 31/1 (tức 20 tháng Chạp) như chợ Phùng Khoang, Yên Phụ, Lòng Thuyền, Mai Động, Láng… cá chép, cá vàng đã được bày bán rất nhiều với đủ các chủng loại, giá cả…
Làng Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm cung cấp cá cảnh của Hà Nội, bên cạnh cá cảnh, bắt đầu từ 20 tháng Chạp, cả làng bắt đầu bán thêm cá chép, cá vàng để phục vụ cho các gia đình cúng lễ “ông Công, ông Táo”. Chị Minh, chủ một cửa hàng cá cho biết: “Bắt đầu từ hôm nay, các tỉnh về lấy buôn, nhà tôi bán sỉ và bán lẻ, hiện giờ thì vẫn chưa nhiều, bán cá này vào cận ngày là đắt hàng nhất, giá bán năm nay tăng hơn năm ngoái khoảng 10%”.
Anh Trần Bách, bán cá tại chợ Xốm - Hà Đông cho biết: “Cá năm nay phong phú, nhiều loại rất đẹp, như cá chép ngọc trai giá bán từ 90.000 - 100.000 đồng/đôi. Chép vàng kỳ lân có hình thức, màu sắc đẹp mắt, giá từ 70.000 - 80.000 đồng/đôi”.
Người dân chọn mua cá vàng trên đường phố Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Minh, buôn cá tại chợ Phùng Khoang cho biết, năm nay cá chép vàng vẫn được khách hàng ưa chuộng vì màu sắc khá đẹp mắt, giá cả lại phải chăng. Vào dịp này tôi bán nhiều loại cá, chủng loại phong phú, đủ các kích cỡ để người tiêu dùng dễ lựa chọn. Giá bán năm nay tăng hơn so với năm ngoái, 1 đôi cá chép nhỏ tôi bán 30.000 đồng, năm ngoái 25.000 đồng. Cá cúng làm lễ, thắp hương xong là mọi người thả ra ao, hồ nên nhiều người không cầu kỳ chọn mua những loại cá đắt tiền”.
Thả cá phóng sinh cũng cần có văn hóa
Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ngày Tết ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp là một trong những ngày Tết quan trọng nhất trong năm. Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày này hàng năm, Táo quân cưỡi cá chép vàng về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của gia đình dưới hạ giới trong năm qua. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều làm lễ, làm cơm để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đốt vàng mã gồm quần áo, mũ hài cũng trở thành truyền thống trong dịp này. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước. Ngày ông Táo về chầu trời được xem là ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán.
Kinh tế phát triển, “phú quí sinh lễ nghĩa”, những năm gần đây ở một số nơi, một số gia đình, lễ tiễn “ông Công, ông Táo” về trời cũng biến thái nhuốm màu mê tín dị đoan. Người ta không chỉ cúng lễ cá chép mà đi kèm theo là các sản phẩm vàng mã với nhà lầu, xe hơi... đủ chủng loại. Để mua những mặt hàng đó khách hàng phải bỏ ra từ vài trăm cho đến hàng triệu đồng, thậm chí có gia đình còn bỏ ra hơn chục thậm chí là trăm triệu đồng để sắm vàng mã cúng theo ông Táo!.
Vàng mã, cá chép, cá vàng là một phần lễ quan trọng của mỗi gia đình Việt, nhưng thiết nghĩ việc bỏ ra một khoản tiền lớn để sắm các vật dụng cho “cõi âm” cúng, lễ xong rồi đem đốt, gây lãng phí rất lớn tiền của, bên cạnh đó nó còn ẩn chứa nhiều hiểm họa cháy nổ do việc hóa vàng gây ra. Theo sư thầy Đàm Huyền, trụ trì chùa Láng (Hà Nội), vào ngày Tết “ông Công, ông Táo”, người dân vẫn chưa có ý thức trong việc đốt vàng mã và thả cá phóng sinh. Mọi người nên thể hiện cái tâm và lòng thành của mình vào những việc thiết thực, không nên chạy theo những thứ hư không, rất lãng phí.
Thực tế cho thấy, ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, sau ngày phóng sinh cá “ông Công, ông Táo”, các hồ ở Hà Nội trở thành những bãi rác bởi những người dân thiếu ý thức. Sau khi thả cá, nhiều người để lại rác, túi nilon, tro bụi từ đốt vàng mã gây phản cảm và ô nhiễm môi trường. Nên chăng, bên cạnh một tập quán đẹp mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân cần ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường quanh ta xanh tươi và sạch đẹp, vừa thực hành tiết kiệm theo chủ trương của Chính phủ, vừa tạo nét văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc