Làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội):

Nhộn nhịp chuẩn bị cho Tết Nguyên đán

Thứ Hai, 20/01/2014, 10:21
Những ngày này, về thăm làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) chúng tôi được chứng kiến không khí Tết ngập tràn khắp các con đường ngõ xóm. Từ đầu làng cho đến cuối làng nhà nào nhà nấy đều nhộn nhịp, tất bật gói bánh chưng. Tiếng nói cười rôm rả, nhịp độ hối hả như cuốn theo đôi bàn tay thoăn thoắt của những người thợ tài hoa, xe cộ nườm nượp vào ra để chuyển những chiếc bánh chưng đi khắp mọi miền…

 Thương hiệu “bánh chưng Tranh Khúc”

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc có từ lâu đời nhưng thực sự phát triển và sôi động năm 1996 khi hơi thở của cơ chế thị trường phả đến làng Tranh Khúc. Thời điểm hiện tại, làng có hơn 210 hộ dân tâm huyết gìn giữ ngọn lửa truyền thống. Tháng 2/2011, làng Tranh Khúc được Sở Công Thương Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Đồng thời, "bánh chưng Tranh Khúc" cũng đã được cấp thương hiệu, một số hộ dân làm bánh trong thôn đã đăng ký sử dụng thương hiệu này. Nghề làm bánh chưng trở thành nguồn thu nhập chính của địa phương. Các hộ dân tại đây làm bánh quanh năm nhưng chủ yếu tập trung sản xuất và đưa ra thị trường số lượng lớn vào thời điểm cuối năm. Trung bình những ngày giáp Tết, mỗi hộ cung cấp khoảng 3.000 chiếc/ngày. Giá bánh trung bình là 30.000 - 50.000 đồng/chiếc. Ngoài ra có thể làm theo nhu cầu của khách hàng, với kích thước lớn, giá thành sẽ cao hơn.

Để có thể sản xuất được những mẻ bánh ngon, chất lượng, những người thợ gói bánh cần phải kỹ lưỡng, đồng bộ trong cả khâu chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh cho đến luộc bánh. Những ngày cao điểm với những hộ gia đình làm bánh với số lượng lớn, họ thường phải thuê thêm nhân công. Như gia đình ông Nguyễn Văn Kiền (79 tuổi), ba thế hệ cùng tham gia sản xuất với gần chục nhân lực nhưng vẫn phải thuê thêm bốn đến năm người nữa mới có thể hoàn thành cho kịp tiến độ theo các đơn đặt hàng. Dây chuyền sản xuất hoàn toàn dù là thủ công nhưng đã được chuyên biệt hoá mỗi người một công đoạn; cứ một người gói, ba bốn người buộc lạt. Người thợ lành nghề chỉ mất chưa đầy một phút có thể gói xong một chiếc bánh. Dù gói vo, tay không nhưng chiếc bánh vẫn vuông vức, trăm chiếc như một, đều đặn, xanh mướt một màu. Bí quyết để có được một chiếc bánh chất lượng, ngoài việc chọn lá dong, nguyên liệu đảm bảo thì khâu buộc lạt và chế nước vào nồi luộc là khâu quan trọng không kém. Lạt buộc chặt bánh sẽ chắc, chế nước đều đặn bánh sẽ chín đúng độ.

Bác Nguyễn Văn Bảy, cựu chiến binh đã gắn với nghề làm bánh suốt 40 năm chia sẻ: “Cả nhà tôi sống bằng nghề này, cứ tay gói, tay buộc, cốt cũng muốn duy trì nghề của ông cha để lại, truyền cho cháu con và cũng mong cái bánh mình làm ra góp phần đem đến cái Tết đủ đầy cho mọi người”.

Tranh Khúc đang rộn rã phục vụ thị trường bánh chưng Tết.

Tết đến, giá cả tăng vọt nhưng giá bánh vẫn phải… bình ổn

Theo tìm hiểu của chúng tôi và theo ý kiến của một số hộ dân cho biết, kinh tế năm nay khó khăn, đơn đặt hàng có ít hơn so với mọi năm, giá cả nguyên liệu năm nay lại tăng mấy giá so với năm trước nhưng để giữ khách, hầu hết các hộ kinh doanh ở Tranh Khúc đều quyết tâm giữ giá. Bên cạnh đó, trước Tết Nguyên đán nhiều tháng, Ban Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tranh Khúc đã chủ động tìm kiếm, tiếp thị để mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn tiêu thụ cho các hộ dân. Ông Nguyễn Đăng Ngữ - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tranh Khúc cho biết: “Hợp tác xã đã kết hợp với các hộ dân để có những kế hoạch cụ thể trong công tác bình ổn giá ngay từ đầu vụ, kế hoạch thu mua nguyên liệu và thu hút, mở rộng đối tượng khách hàng trong nội thành, các tỉnh, thành phố khác và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Hầu hết việc đưa bánh chưng ra thị trường tiêu thụ đều do từng hộ dân chủ động liên hệ, tạo các mối làm ăn và có lượng khách ổn định. Các nguồn cung đều đảm bảo và không có chuyện tăng giá do chúng tôi đã chủ động ký hợp đồng nguồn nguyên liệu từ nhiều tháng trước”.

Chị Nguyễn Thị Loan,  một gia đình làm bánh chưng ở Tranh Khúc cho biết, trung bình mỗi ngày, gia đình chị xuất ra thị trường khoảng 300 chiếc, Tết Nguyên đán có thể lên đến 3.000 - 4.000 chiếc. Năm nay, lần đầu tiên chị tiếp cận thị trường Sài Gòn với thương hiệu “Bánh chưng cô Sáu”. 2 loại bánh chưng do gia đình chị sản xuất từ 1,5kg đến 1,8kg với giá thành là 80.000 đồng, bánh được hút chân không, có thể bảo quản tốt trong vòng 8-10 ngày năm nay bắt đầu tiêu thụ khá mạnh ở TP Hồ Chí Minh.

Tết năm nay, theo Ban Chủ nhiệm HTX, bánh chưng Tranh Khúc tiếp tục được xuất khẩu ra nước ngoài, phục vụ bà con Việt kiều ở Canada, Đức, Nga, Australia… đón Xuân mới. “Tuy nhiên bánh chưng Tranh Khúc xuất khẩu chủ yếu theo đường tiểu ngạch, theo kiểu quà biếu, “hàng xách tay” nên số lượng chưa được nhiều. Phương hướng của HTX cũng như các hộ dân ở đây là tiếp tục tìm hướng mở rộng thị trường, để làm sao bánh chưng Tranh Khúc phải có mặt trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ ở nước ngoài” – ông Nguyễn Đăng Ngữ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đăng Huấn, Chủ tịch UBND xã Duyên Hà cho biết, trong năm 2013 UBND huyện Thanh Trì đã có kế hoạch lập đề án duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề. Bên cạnh việc mở các lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ dân yên tâm lao động và sản xuất thì các ban ngành chức năng cũng đang có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con dây chuyền luộc bánh. Hiện tại, 40% các hộ sản xuất bánh chưng đun nấu bằng điện, bằng nồi hơi. Còn lại vẫn chủ yếu đun nấu bằng than. Việc đun nấu bằng than đá có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường, cảnh quan cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn đun nấu bằng điện trong những ngày cao điểm lại khá khó khăn. Vì vậy trong chính sách, khuyến khích hỗ trợ của xã, huyện đã hỗ trợ dây chuyền sản xuất đun bằng nồi hơi cho các nhà có sản lượng bánh chưng lớn, mang tính chất thí điểm. Ngoài ra tính toán cả việc đun nấu bằng gas, xét thấy giá thành sản phẩm sẽ tăng gấp 5 lần. Lựa chọn cách đun nấu phù hợp cho các hộ sản xuất hiện nay là một bài toán nan giải.

Làm bánh chưng là nghề truyền thống lâu năm và cũng là nguồn thu nhập chính của làng Tranh Trúc. Và năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này dân làng Tranh Khúc lại rộn rã đón Tết sớm…

Ông Nguyễn Đăng Huấn - Chủ tịch UBND xã Duyên Hà: Không có chuyện luộc bánh chưng bằng pin

Trở lại với thông tin những năm trước đây về “công nghệ” luộc bánh chưng bằng pin, ông Nguyễn Đăng Huấn, Chủ tịch UBND xã Duyên Hà khẳng định: Đó hoàn toàn là thông tin thất thiệt và gây thiệt hại cho các hộ dân làm ăn chân chính. Người làng Tranh Khúc có truyền thống hàng trăm năm nay, được công nhận là làng nghề truyền thống. Hằng năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng của TP Hà Nội và huyện Thanh Trì đều có nhiều cuộc kiểm tra và đều khẳng định không có chuyện đó. “Người dân Tranh Khúc không vì lợi nhuận mà mất đi thương hiệu cha ông xây dựng hàng trăm năm nay” - ông Huấn khẳng định.

Đỗ Hà
.
.
.