Nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục: Lao đao khi phụ huynh không dám gửi trẻ
>> Bắt tạm giam 2 bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non
Trẻ nghỉ học, trường đóng cửa
Sau sự kiện bảo mẫu hành hạ, đánh đập trẻ liên tiếp xảy ra vừa qua, nhiều phụ huynh có con nhỏ ở Hà Nội đang gửi ở nhóm trẻ gia đình hoặc trường mầm non tư thục đã không cho con đi học, gửi về ông bà trông hoặc thuê người giúp việc trông con tại nhà. Thậm chí, có một số bà mẹ chấp nhận nghỉ việc để ở nhà trông con.
Chị Nguyễn Thu Thảo, ở C3 tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, có con trai 18 tháng tuổi đang gửi ở một lớp mầm non tư thục gần nhà cho biết: “Xem tivi, tôi thấy bảo mẫu hành hạ trẻ mà lạnh hết sống lưng. Tự dưng thấy lo, con mình còn nhỏ quá, nếu có bị hành hạ chắc gì đã biết kể. Tôi quyết định nghỉ việc để ở nhà trông con”.
Chị Thủy đang làm nhân viên kế toán cho Công ty TNHH Trí An, lương tháng được 4,5 triệu đồng, tiền gửi con hằng tháng hết 2 triệu. “Mỗi tháng bớt ăn bớt tiêu đi một chút nhưng mình trông con được thì yên tâm. Khi cháu đủ tuổi đi trường công lập, tôi lại xin đi làm” – chị Thủy cho biết.
Tương tự, chị Phạm Thanh Mai, quê ở Bắc Ninh, thuê trọ tại phường Bưởi, Hà Nội, cũng quyết định không gửi con ở nhóm trẻ gia đình nữa mà đành chấp nhận đưa con về quê gửi bà nội. “Thấy “ác mẫu” trong TP Hồ Chí Minh đánh đập trẻ, tôi không thể chịu nổi. Gửi con ở nhóm trẻ gia đình, tôi cũng không yên tâm. Dù rất nhớ con nhưng ông bà trông cháu vẫn hơn”, chị Mai kể.
Tâm lý sợ "ác mẫu", giảm lòng tin vào trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình của nhiều bậc phụ huynh là có thật và điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều trường mầm non tư thục. Chị Bùi Thị Nga, giáo viên lớp 2 tuổi của Trường Mầm non tư thục Hướng Dương, quận Hoàng Mai cho biết, từ khi xảy ra các vụ bạo hành trẻ mầm non, thái độ của một số phụ huynh có khác hơn, họ cẩn trọng hơn và chị cũng khá lo ngại khi trẻ bỏ lớp, bỏ trường.
Còn theo chị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Funny ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính thì khoảng 2 tháng nay, học sinh cứ nghỉ học dần. Có phụ huynh thì đưa lý do ông bà trông, người thì thuê giúp việc, người tế nhị hơn thì bảo trời rét nên cho con nghỉ. Tình hình bi đát đến mức số học sinh sụt giảm chỉ còn gần 10 em. Theo chị Trang thì chị hùn vốn 100 triệu đồng cùng một người bạn để mua lại trường mầm non này. Thế mà học sinh đột ngột nghỉ học, tiền thuê nhà, lương giáo viên khiến chị bị lỗ. “Hết hợp đồng thuê nhà, tôi cũng đóng cửa trường luôn", chị Trang cho biết.
Tương tự, chị Thủy, chủ Trường Mầm non MyHouse ở Cổ Nhuế, Từ Liêm cũng đang lo lắng vì số lượng học sinh cứ sụt giảm dần, giờ chỉ còn chưa đầy 10 em. Hơn 1 tháng qua, trường này đã có gần 10 em nghỉ học. Theo chị Thủy thì trường đang lỗ nặng vì mỗi tháng tiền thuê nhà đã 15 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí khác. Nếu ra Tết, trời ấm hơn mà số học sinh không tăng, chị Thủy cũng đành đóng cửa trường.
Nhóm trẻ gia đình tự phát, quản lý khó
Theo khảo sát của chúng tôi, công tác quản lý nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tự phát của chính quyền nhiều địa phương hiện còn khá lỏng lẻo. Tại phường Bưởi, nhiều người nhận trông giữ trẻ tự phát tại nhà khi chưa được cấp phép cũng không thấy bị kiểm tra, quản lý. Có nơi còn treo tấm biển “nhận trông giữ trẻ 3 tháng tuổi trở lên”, mà theo phản ánh của phụ huynh thì nơi này cũng hoạt động chui.
Trẻ cần phải được học tập ở trường có đủ không gian và điều kiện cơ sở vật chất. |
Theo bà Nguyễn Thị Minh Xuyến, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thì trên địa bàn quận có 40 trường mầm non, trong đó có 26 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 65%. Trên thực tế, có những nhóm lớp chưa xin phép đã hoạt động, lại có một số nhóm được cấp phép xong không thu hút được học sinh, tự đóng cửa mà không thông báo.
Còn tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy có 27 nhóm lớp mầm non tư thục. Theo kết quả kiểm tra thì hầu hết các nhóm lớp đều đi thuê phòng học trong nhà dân, không có sân vườn, nhà vệ sinh thiết kế không phù hợp với trẻ mầm non, cầu thang dốc, lan can thưa, khu vực bếp ăn đặt ở vị trí phòng trên cùng, nguy cơ mất an toàn rất cao đối với trẻ. Theo cô Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chu Văn An, quận Tây Hồ thì ở những nhóm lớp mầm non hoặc trường tư thục thường tuyển giáo viên không đủ nghiệp vụ, chủ các lớp mầm non tư thục chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, còn hạn chế trong việc quản lý điều hành công tác giáo dục trẻ…
Sở dĩ trường mầm non công lập học sinh đông, nhưng rất ít khi xảy ra sự cố “đánh đập” trẻ theo cô Hà là vì trường công luôn đặt công tác giáo dục lên hàng đầu, đặc biệt là công tác quản lý giáo viên được thực hiện chặt chẽ. Với tư cách là Hiệu trưởng, cô thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để nắm bắt và kịp thời điều chỉnh. Công tác giáo dục đạo đức, giáo dục tư tưởng cho giáo viên được nhà trường thường xuyên thực hiện trong các cuộc họp tháng. “Đó được coi là nghệ thuật quản lý giáo viên của người đứng đầu nhà trường”, cô Hà cho biết.
Hà Nội hiện có 207 trường, nhóm lớp mầm non tư thục, hiện đang trông giữ trên 70 nghìn trẻ. Trông trẻ tự phát, tuyển sinh khi chưa được cấp phép chỉ bị phát hiện khi có sự cố với trẻ xảy ra. Phương pháp quản lý của xã, phường để nắm bắt được hiện tượng hành hạ trẻ ở các lớp mầm non này thường “không phát hiện vi phạm”. Theo cô Hà, nếu có nghiệp vụ, chỉ cần nghe dư luận phản ánh là có thể phán đoán sự việc xảy ra, khi kiểm tra sẽ phát hiện vi phạm. Nhưng với cách kiểm tra “cưỡi ngựa xem hoa” như hiện nay thì khó lòng mà phát hiện các hiện tượng bạo hành trẻ mầm non.
Theo khuyến cáo của cô Vũ Thị Thanh Hà thì trước khi gửi con vào nhóm trẻ gia đình, mầm non tư thục, phụ huynh phải tới UBND xã, phường để kiểm tra cơ sở giáo dục đó đã được cấp phép hoạt động hay chưa, có đủ điều kiện cơ sở vật chất hay không? Hằng ngày phụ huynh nên trao đổi với cô giáo để biết đặc điểm, phương pháp giáo dục của trường, từ đó xem con mình tiếp nhận được gì. Khi gửi con vào nhóm trẻ gia đình, phụ huynh phải tìm hiểu người trông trẻ có hiền lành, yêu thương trẻ hay không… Đã đến lúc, chính quyền các địa phương cần nhanh chóng rà soát, kiểm tra, đình chỉ ngay hoạt động của các nhóm trẻ gia đình hoạt động “chui”.
Bà Lê Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Nhóm trẻ gia đình đã phân cấp cho UBND xã, phường quản lý, giám sát. Sở GD&ĐT có phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra nhóm trẻ gia đình nhưng khi phát hiện được cũng rất khó xử lý do hoạt động biến tướng như “trông con, trông cháu”. Những nhóm trẻ tại gia thường có không gian chật hẹp, không đủ điều kiện về ánh sáng, cơ sở vật chất, không đảm bảo an toàn. Phụ huynh khi gửi con cũng không có hợp đồng, giấy tờ ràng buộc trách nhiệm nên khi xảy ra sự cố cũng rất để cơ quan chức năng xử lý người trông trẻ. |