Nhọc nhằn nghề câu cá ngừ đại dương

Thứ Bảy, 17/09/2011, 13:30
Giữa sóng gió khơi xa, không phải chuyến biển nào cũng trọn vẹn, suôn sẻ như ước muốn, mà ngư dân phải đối mặt nhiều khó khăn khắc nghiệt bởi thời tiết biến động bất thường, tai nạn nghề nghiệp do va chạm tàu thuyền, sơ sảy của ngư dân và gần đây là những phi vụ tàu cá Trung Quốc "lấn sân", cản trở. Gần như năm nào ở Nam Trung Bộ cũng có ngư dân gặp nạn.

4 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận có bờ biển dài theo mép nước hơn 800km với nhiều dãy núi vươn ra tạo thành những đầm, vịnh, vũng và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, giàu tiềm năng thủy sản. Trong đó, nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngư dân trong khu vực mà còn góp phần đổi đời hàng ngàn hộ gia đình từ bao đời nay phải đối mặt với nhiều khó khăn vất vả. Thế nhưng, phía sau niềm vui là những nỗi đau khi biển cả cướp mất nhiều sinh mệnh của ngư dân…

Đối mặt với hiểm nguy

Với gần 14 năm hình thành và hoạt động, Phú Yên là nơi khởi đầu nghề câu CNĐD sớm nhất trong cả nước. Trong số 7.203 tàu thuyền với tổng công suất 207.859 CV, có đội tàu câu CNĐD 698 chiếc, đánh bắt mỗi năm trên 5.000 tấn, chiếm gần 14% tổng sản lượng khai thác thủy sản. Ở ba tỉnh còn lại có khoảng 700 tàu câu CNĐD với sản lượng mỗi năm đạt hơn 5.000 tấn.

Ngoài các phương tiện, thiết bị kỹ thuật như máy định vị, máy tầm ngư, hệ thống thông tin liên lạc (Incom), vài chục tấm lưới đánh bắt cá chuồn làm mồi câu… mỗi chuyến ra khơi, một chiếc tàu còn phải đầu tư 50-150 triệu đồng phí tổn nhiên liệu, lương thực, đá lạnh… với nhân lực từ 9-15 ngư dân hành nghề ít nhất hơn nửa tháng.

Giữa sóng gió khơi xa, không phải chuyến biển nào cũng trọn vẹn, suôn sẻ như ước muốn, mà ngư dân phải đối mặt nhiều khó khăn khắc nghiệt bởi thời tiết biến động bất thường, tai nạn nghề nghiệp do va chạm tàu thuyền, sơ sảy của ngư dân và gần đây là những phi vụ tàu cá Trung Quốc "lấn sân", cản trở. Gần như năm nào ở Nam Trung Bộ cũng có ngư dân gặp nạn. Đơn giản là những trường hợp tàu đánh cá gặp sự cố kỹ thuật chết máy, Incom bị mất liên lạc, tàu bị sóng đánh trôi dạt nhiều ngày giữa biển khơi.

Có trường hợp ngư dân chủ quan, bất cẩn nên trượt chân rơi xuống biển khi tàu đang chạy lúc nửa đêm nên không ai biết, có người mất tích lúc đang bơi thúng chai đi câu mực trong đêm tối. Thảm khốc hơn đã có những tàu đánh cá mất tích vì bất chợt gặp dông bão giữa khơi, bị tàu lạ đâm chìm, ngư dân bị hải quân nước ngoài bắt giữ…

Gần đây nhất là tàu PY-92355TS do ông Trần Min, ở phường 6, TP Tuy Hòa bị sóng lớn đánh chìm tại biển Hòn Đôi, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. 4 người bơi được vào đảo, 6 ngư dân còn lại tử nạn… Bên cạnh tai nạn, trong mấy năm qua đã có hàng chục tàu của ngư dân Nam Trung Bộ bị Hải quân nước ngoài bắt giữ khi cho rằng xâm phạm ngư trường của họ. Tại Bình Định, 23 ngư dân ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn hành nghề trên 3 tàu BĐ-50544TS, 51076, 50493 từng bị Indonesia bắt giữ hơn 5 tháng.

Ở Phú Yên, từ năm 2009 đến nay đã có 6 tàu câu CNĐD với 57 ngư dân bị Hải quân Malaysia, Indonesia, Brunei bắt giữ, tịch thu ngư cụ. Sau đó, tòa án nước sở tại xử phạt, trong đó có hai tàu PY-92060TS, 90368 với 20 ngư dân bị Brunei bắt giữ vào ngày 21/5 và 13/7/2011... Người thân phải vay tiền nộp phạt 431 triệu đồng để nhóm ngư dân này thoát cảnh ngồi tù theo phán quyết của tòa án Brunei.

Sơ chế cá ngừ đại dương tại một cơ sở thu mua ở cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa.

Giải pháp nào giảm thiểu rủi ro?

Nói tới tai nạn nghề nghiệp trên biển, ông Đỗ Năm - một lão ngư ở làng Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa hơn 40 năm bám biển tâm sự: "Giữa khơi xa nhiều chuyện tai họa ập đến bất ngờ không phải ngư dân nào cũng có thể chống chọi được. Mấy năm gần đây, tàu đánh bắt xa bờ đã có Incom để liên lạc cứu nạn, cứu hộ, chứ trước kia tàu nào gặp nạn trôi dạt trên biển phải làm tín hiệu và chờ đợi theo kiểu cầu may".

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Huyền - chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên, để góp phần giảm thiểu rủi ro khi ra khơi đánh bắt xa bờ, câu CNĐD cần có sự phối hợp đồng bộ bằng nhiều biện pháp giữa ngư dân và các cơ quan chức trách. Trước hết, mỗi chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân không nên chủ quan trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào mà cần phải chủ động nâng cao nhận thức trách nhiệm trước tài sản và sinh mệnh của chính mình. Trước lúc ra khơi, tàu phải đảm bảo các điều kiện kỹ thuật an toàn, có đủ thủ tục đăng kiểm, bảo hiểm người và tài sản, phương tiện Incom, máy định vị, phao cứu sinh...

Khi hoạt động trên biển, ngư dân cần kết nối Incom thường xuyên với đất liền để tiếp nhận thông tin cảnh báo thời tiết để kịp thời chuyển hướng vào nơi tránh trú an toàn, nắm bắt vùng giới hạn đánh bắt do có phức tạp... Các trạm kiểm soát biên phòng phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ, kiên quyết không cho tàu rời bến khi không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật an toàn, thủ tục hành chính, bảo hiểm…

Ông Nguyễn Khắc Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội CNĐD Phú Yên cho biết: Ngoài việc đầu tư hiện đại hóa máy móc thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở thu mua cần phối hợp với Hiệp hội CNĐD, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Quản lý nông thủy sản để tổ chức tập huấn kỹ thuật sơ chế, bảo quản, nâng cao chất lượng CNĐD sau khai thác.

Nhà nước cần đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá, bến cá, đặc biệt là hệ thống kho lạnh, băng chuyền gắn liền trên các bến cảng để thuận tiện cho việc bốc dỡ, vận chuyển sản phẩm, hạn chế tối đa thời gian không được giữ lạnh và giải nhiệt của cá làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm CNĐD. Khi cá đã vào hệ thống kho lạnh, cần đánh giá, phân loại, thu mua nhanh, hạn chế tối đa việc xả lạnh đá ướp từ tàu để xử lý sơ chế lần thứ hai.

Chi cục quản lý chất lượng nông thủy sản cần tổ chức giám sát quản lý chất lượng CNĐD mà các cơ sở thu mua đã cam kết với cơ quan chức năng. Mặt khác, Nhà nước cần thành lập Trung tâm bán đấu giá CNĐD tại cảng cá để tạo thuận lợi cho bên mua và bán sản phẩm.

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền - chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Phú Yên: Trong những năm qua, ngoài việc tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về Công ước quốc tế về Luật biển, chủ quyền biển đảo Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn khi hành nghề trên biển… mô hình "Tổ tàu thuyền an toàn" do BĐBP Phú Yên xây dựng trong những năm qua đã tạo hiệu quả rõ nét. Khởi đầu là tổ tàu thuyền an toàn (TTAT) số 1 ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa hình thành vào tháng 10/2003.

Đến nay, Phú Yên đã có 103 tổ TTAT, thu hút hơn 5.000 phương tiện đánh bắt xa bờ và gần 5.000 ngư dân. Mỗi tổ TTAT thu hút ngư dân là anh em, người thân trong họ tộc, ở cùng địa phương, cùng loại hình đánh bắt hải sản, nên mỗi khi gặp "lộc" họ cùng hưởng, vấp "nạn" họ cùng cứu hộ, chia sẻ khó khăn.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.