Nhọc nhằn chợ tạm, chợ cóc trong phố cổ Hà Nội

Thứ Bảy, 28/10/2006, 08:30

Chảo mỡ đang sôi, nồi nước nóng, hoả hoạn, đường trơn trượt, nhầy nhụa rác thải, giao thông vào những lúc cao điểm hoàn toàn tắc nghẽn… Đó là thực trạng đáng buồn về môi sinh, môi trường đang ngày ngày đè lên cuộc sống người dân sống xung quan chợ Hàng Bè, chợ 19-12.

Cho đến lúc này, ngay cả hàng triệu người dân Thủ đô dù hàng ngày vẫn mua hàng ở hai khu chợ lớn và... nổi tiếng này nhưng ít người biết rằng, chợ Hàng Bè và chợ 19-12 vẫn chỉ là chợ hạng 3 của thành phố. Thứ bậc thấp như thế vì từ vài chục năm trở lại đây chúng vẫn chỉ là chợ tạm, chợ cóc hình thành tự phát và sau đó có vài văn bản quy định quản lý nhưng trước sau gì thì Hà Nội vẫn có chủ trương di chuyển, giải toả.

30 năm vẫn là chợ cóc!

Hơn chục năm trước, chợ Hàng Bè có quy mô nhỏ hơn, chủ yếu là người dân tại chỗ buôn bán kiếm ăn, cho đến nay chợ này thường xuyên có đến 400 hộ kinh doanh và diện tích chợ mở rộng không ngừng sang các phố khác. Ngày nắng thì còn đỡ, ngày mưa chợ nhầy nhụa, trơn trượt rất nguy hiểm. Chỉ có mặt ở chợ này chưa đầy một giờ đồng hồ, nhóm phóng viên chúng tôi đã “hưởng đủ” loại mùi vị từ các quán hàng bay ra. Nhiều người dân ở đây than phiền với phóng viên rằng cuộc sống của họ chưa bao giờ được yên bình.

Nhưng đáng quan ngại hơn cả là việc tồn tại những chợ cóc, chợ tạm như chợ Hàng Bè, chợ 19-12 trong khu phố cổ quả là không chấp nhận được. Ngày 9/3 đã xảy ra hoả hoạn và năm nào cũng xảy ra vài vụ cháy lớn nhỏ khác nhau. Và rồi một vị khách là người nước ngoài đi qua do đường trơn nên ngã vào chảo dầu ăn nóng, bị bỏng, người dân xung quanh đã phải mang mỡ trăn ra sơ cứu.

Những câu chuyện như thế không hiếm tại hai chợ loại 3 này. "Chúng tôi năm nào cũng ở Việt Nam khoảng 3 tháng và có rất nhiều bè bạn là người Việt. Hà Nội đẹp nhưng chúng tôi ngại nhất là đi chợ. Tôi từng là nạn nhân của chợ Hàng Bè trong một lần đi mua hoa tặng bạn. Chợ họp ngay trên phố, chẳng còn lối đi lại, người buôn kẻ bán ở đây chèo kéo rất khó chịu. Khi tôi không mua hàng thì họ lớn tiếng, mình đỏ cả mặt vì xấu hổ... Tôi đã đi hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Hà Nội là còn chợ cóc, chợ tạm trong khu phố cổ, và cũng chỉ có duy nhất quận Hoàn Kiếm của Hà Nội là người ta cho phép để xe dưới lòng đường mà thôi" - bà Susan, một vị khách người Australia rất có tấm lòng với Hà Nội tâm sự.

Dự án có nhưng chưa làm được?

"Quan điểm của Sở Thương mại cũng như UBND thành phố Hà Nội là phải giải toả ngay đối với chợ cóc, chợ tạm trên toàn thành phố. Riêng với hai chợ cấp 3 là Hàng Bè và 19-12 thì yêu cầu đó càng cấp bách hơn. Quả thật là hình ảnh nhếch nhác của hai chợ này làm ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan của Hà Nội, nếu cứ để tồn tại sẽ làm mai một đi sự yêu mến của du khách với Thủ đô.

Sở Thương mại có thái độ rất cương quyết và giao cho các quận, huyện chỉ đạo, lập kế hoạch thực hiện nhưng kết quả vẫn chưa cao" - ông Khánh, Phó Trưởng phòng Quản lý Sở Thương mại cho biết, Sở mới nhận được báo cáo từ cơ sở cho biết, tiến độ hoàn thành giải toả hai chợ Hàng Bè và 19-12 là không thể thực hiện trong năm nay. Ngay cả việc sang năm 2007 có hoàn thành không cũng không thể khẳng định được.

Tại chợ Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm có dự định giải toả chợ để chuyển đổi thành chợ du lịch, chuyên bán hàng lưu niệm, hàng khô "sạch". Sẽ có 271 hộ kinh doanh được chuyển đi các chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, chợ Cửa Nam, chợ 19-12. Nhưng chợ Đồng Xuân - Bắc Qua thì chưa thể chuyển đến do yêu cầu về đảm bảo an toàn không đạt. Còn chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ 19-12 thì... chưa cải tạo xong nên vẫn chưa thể đón các hộ kinh doanh đến được.

Liên quan đến chợ 19-12, nơi đây sẽ biến thành "Khu tổ hợp trung tâm thương mại" gồm hai khối nhà 3 tầng hầm và 7 tầng nổi, diện tích xây dựng là 3.000m2. Khi xây dựng, tầng 1 sẽ dành một nửa diện tích làm đường thông từ phố Hai Bà Trưng sang phố Lý Thường Kiệt. UBND TP đã đồng ý chủ trương giao cho Công ty TNHH Thủ Đô 2 làm chủ đầu tư.

Hiện nay, một lựa chọn khác đang được xem xét là phía phố Lý Thường Kiệt sẽ xây cao 14 tầng để làm khách sạn. Cùng với việc cải tạo chợ Hàng Da và xây mới chợ Cửa Nam sẽ mở ra một hướng mới để giải quyết triệt để chợ tạm, chợ cóc đang tồn tại nhức nhối trong khu phố cổ Hà Nội

Ngọc Tước
.
.
.