Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân phấn khởi vươn khơi

Thứ Ba, 09/10/2018, 08:06
Nhiều năm qua, ngư dân các tỉnh miền Trung đã được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ bằng các chính sách vay vốn đóng tàu mới, hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, bảo hiểm tàu cá... Có thể nói, những chính sách thiết thực này đã giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.


Một ngày đầu tháng 10-2018, tại cảng cá Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Văn Thịnh (45 tuổi, trú ở thị trấn Thuận An, Phú Vang) đang tất bật cùng các bạn thuyền đưa nước ngọt, thức ăn dự trữ, ngư lưới cụ… lên tàu TTH-911302TS để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. 

Ông Thịnh cho hay, hiện nay nguồn lợi hải sản ở vùng lộng, vùng gần bờ ngày mỗi cạn kiệt nên ngư dân Thuận An phải xin chính quyền địa phương làm thủ tục vay vốn để đóng tàu mới theo Nghị định 67. Muốn đánh bắt được nhiều tôm, cá và các loại hải sản có giá trị thì ngư dân bắt buộc phải vươn khơi xa.

Tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Thừa Thiên - Huế hoạt động hiệu quả khi được Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển.

Mà để bám biển dài ngày đánh bắt ở ngư trường xa bờ đòi hỏi phải đầu tư tàu cá có công suất từ 400 mã lực trở lên. May mắn là thời gian qua, việc đánh bắt xa bờ đã đem lại hiệu quả cao, các tàu vươn khơi đều trúng đậm hải sản, trừ chi phí xăng dầu, tiền chia cho bạn thuyền thì mỗi chủ tàu lãi vài chục triệu đồng với mỗi chuyến biển 15 ngày. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều ngư dân quyết tâm vươn khơi bám biển…

Qua trò chuyện với các ngư dân miền biển Thuận An mới hiểu rõ, ngoài những mẻ lưới trúng đậm cá, tôm thì một trong những động lực giúp bà con yên tâm bám biển vươn khơi là sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước, với các chính sách thiết thực. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, mua bảo hiểm cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. 

Ngư dân Ngô Văn Lợi (trú tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An) bày tỏ niềm vui khi vừa được nhận số tiền 70 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá của mình. Ông Lợi chia sẻ: “Suốt gần 10 năm qua, tàu cá của gia đình tôi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. 

Mỗi chuyến biển đều kéo dài từ 2 đến 3 tuần lễ nên được chính quyền địa phương liệt kê vào danh sách tàu cá được hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước. Có thể nói, đây là sự động viên, khích lệ đối với ngư dân bám ngư trường truyền thống đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc”. 

Theo ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, thị trấn hiện có hơn 400 tàu cá công suất từ 250-820CV, trong đó có khoảng 100 tàu cá chuyên đánh bắt ở ngư trường xa bờ và 70 tàu dịch vụ hậu cận nghề cá được nhận hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước. Số tiền hỗ trợ từ 50-70 triệu đồng tùy theo công suất các tàu cá.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, thực hiện chủ trương của Nhà nước, vào giữa năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định cấp kinh phí đợt 1 với số tiền 16,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhằm bổ sung cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa.

Tiếp đó, vào đầu tháng 9-2018, tỉnh tiếp tục cấp thêm 35,8 tỷ đồng, trong đó huyện Phú Vang được cấp gần 26 tỷ đồng, huyện Phú Lộc là 9 tỷ đồng, TP Huế 425 triệu đồng và thị xã Hương Trà 350 triệu đồng nhằm hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, mua bảo hiểm cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. 

Như vậy, chỉ tính riêng trong năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp hơn 52 tỷ đồng để hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, bảo hiểm tàu cá cho ngư dân… “Toàn tỉnh có 288 tàu cá xa bờ thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước. 

Theo đó, điều kiện được hỗ trợ là đối với các tàu hoạt động ở vùng biển xa, cách đảo Hoàng Sa, Trường Sa khoảng 20-30 hải lý và thời gian khai thác tính từ thời điểm tàu ra khỏi cửa biển đến khi trở về bờ là 15 ngày trở lên. Hiện có rất nhiều biện pháp để định vị tàu cá hoạt động ở vùng biển xa. 

Ví dụ, tàu cá ra đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa sẽ được xác nhận của lực lượng BĐBP Hoàng Sa, hoặc thông qua vệ tinh cũng có thể xác định tọa độ, vị trí của các tàu cá. Bên cạnh đó, Chi cục còn có thiết bị định vị để xác định vị trí tàu cá hoạt động trên biển. Nhờ vào những thiết bị này, các cơ quan chức năng sẽ xác định chính xác tàu cá nào hoạt động đánh bắt xa bờ để làm cơ sở hỗ trợ nhiên liệu. 

Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương động viên ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ để vừa khai thác nguồn lợi hải sản hiệu quả vừa bảo vệ được ngư trường, chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, ông Giang cho hay.

Anh Khoa
.
.
.