Nhịp sống mới trên quê hương Anh hùng Núp

Chủ Nhật, 04/05/2014, 14:08
Làng kháng chiến Stơr, nơi sinh ra người con Bah Nar ưu tú của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn - Anh hùng Núp đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm như một huyền thoại. Mảnh đất huyền thoại ấy xưa và nay đã có nhiều khởi sắc.

Năm 1993, làng kháng chiến Stơr đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Bây giờ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cũng đang có chủ trương xây dựng làng Stơr trở thành làng văn hóa kiểu mẫu ở Tây Nguyên, đồng thời phục dựng lại những di tích lịch sử của làng kháng chiến Stơr (làng Kông Hoa) ngày xưa trên mảnh đất thân yêu này…

Những ngày tháng 4 lịch sử, trở về làng Stơr đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Anh hùng Đinh Núp, người con Bah Nar ưu tú của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Người con dâu của Anh hùng Núp, chị Giang Kim Năm cho biết, mẹ Đinh Chroh (vợ kế của Bok Núp) vừa mất cách đây hơn nửa năm. Bà ra đi ở tuổi 87 sau những ngày cuối đời trong căn nhà tình nghĩa bên khu nhà lưu niệm Anh hùng Núp cùng các con cháu. Đinh Chroh là em gái thứ tư của chị HLiêu (vợ đầu Anh hùng Núp). Sau khi HLiêu chết, theo tục nối dây của người Bah Nar, Đinh Chroh về làm vợ kế Anh hùng Núp. Anh hùng Núp sống với Đinh Chroh cho đến những ngày cuối đời...

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp.

Người cháu họ của Bok Núp là Đinh Nhúy kể, hồi còn sống, Bok Núp thường về làng vui với bà con họ hàng và kể chuyện đánh giặc cho con cháu nghe. Bây giờ, cứ mỗi năm đến sinh nhật Bok Núp, những người con Bah Nar ở làng Stơr lại đợi Bok Núp, dẫu biết rằng Bok Núp không còn sống. Đứng dưới chân làng kháng chiến Stơr nhìn về hướng những ngọn núi Tơ Bok, Yă Lăk, những nơi đầu tiên Bok Núp cùng dân làng làm bẫy đá, đặt hầm chông để đánh Pháp, bây giờ vẫn vững chãi, bao bọc dân làng Stơr. 

Chị Võ Thị Quỳnh Như, quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng Núp ở làng Stơr kể lại những câu chuyện xưa của Bok Núp với dân làng còn lưu giữ qua hình ảnh trưng bày ở đây mà cảm thấy như được sống lại một thời hào hùng đánh giặc, cứu nước của cha ông. Nhớ khi xưa dân làng Stơr không có muối ăn nên phải bám rừng lấy cỏ tranh đốt thành tro ăn thay muối, đào củ rừng ăn thay cơm… Tuy đói khát nhưng lòng không nao núng, dân làng Stơr từ già đến trẻ, trên dưới một lòng tham gia đánh giặc, cứu nước… Cũng nhờ có tinh thần yêu nước, chí khí anh hùng mà Đinh Núp dám nhằm thẳng thằng Pháp mà bắn. Lần đầu tiên Đinh Núp bắn thằng Pháp chảy máu là một sự bừng tỉnh cho cả dân làng đứng lên đánh Pháp. Pháp cũng giống người mình! Núp bắn rồi! Mũi tên trúng vào giữa bụng thằng Pháp. Núp muốn coi nó có máu không? A! Từ cái bụng trắng, một dòng máu đỏ chảy ra, chảy thấm xuống đất làng Kông Hoa… Già làng Đinh HRinh, người cháu ruột của Anh hùng Đinh Núp và cũng là một trong ba người cùng chiến đấu với Anh hùng Núp còn sống tại Tơ Tung nhớ về những kỷ niệm dân làng Stơr cùng Đinh Núp đứng lên chống Pháp…

Chị Như cũng cho biết, tỉnh Gia Lai đã xây dựng đề án phục dựng nguyên trạng làng Kông Hoa (làng kháng chiến Stơr). Dự kiến nơi phục dựng làng kháng chiến Stơr bên khu đồi trên diện tích 3ha tại khu vực làng Stơr hiện nay, đối diện với Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, anh Đinh SRâm, người đã hàng chục năm gắn bó với sự đổi thay trên vùng đất quê hương Anh hùng Núp, tâm sự: Nội lực ở đây nếu chỉ chờ vào hơn 3.200ha cây nông nghiệp và đàn gia cầm hơn 18 ngàn con thì mức thu nhập của người dân chỉ đạt bình quân đầu người gần 10 triệu đồng/năm.

Bởi vậy, cái đói tuy đã xua đi là thành tích lớn nhưng để làm giàu trên quê hương cách mạng này còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mà nếu chỉ nội lực ở địa phương vẫn chưa đủ sức, cần có sự đầu tư, hợp tác phát triển từ bên ngoài. Mở rộng cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, đầu tư du lịch… trên thế mạnh của vùng di tích lịch sử-văn hóa là những mục tiêu và ước mong của cả cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ở đây. Bởi, làng kháng chiến Stơr sẽ là nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa xưa và nay trên mảnh đất anh hùng của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn. Và ở đó, đồng bào Tây Nguyên luôn nhớ mãi về hình ảnh Bok Núp - một con người xuất chúng, biểu tượng cho sức mạnh của đồng bào Tây Nguyên một thời đánh giặc, cứu nước và xây dựng quê hương giàu đẹp.

Chia tay làng kháng chiến Stơr, tôi đến thăm những lớp học ghép của điểm trường làng Stơr thật cảm động. Lớp học ở đây 100% là trẻ em đồng bào Bah Nar. Cô giáo Nguyễn Thị Lâm 16 năm gieo chữ ở làng thật vui khi về dạy ở đây. Các em ở đây luôn phải học tốt để khỏi phụ lòng thầy cô và điều Bok Núp lúc sinh thời mong ước. Bok Núp mong cho con cháu làng mình ai cũng học giỏi và có lòng yêu nước như cha ông

Ngọc Như
.
.
.