Đầu tư " ngoài hàng rào":

Nhìn từ Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng

Thứ Ba, 17/06/2008, 10:55
Khu công nghiệp (KCN) Đình Vũ nằm trên bán đảo Đình Vũ (Hải Phòng), là một trong những KCN lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Sau 5 năm xây dựng (1997-2001), đến nay hơn 90% diện tích (164ha) của KNC đã được lấp đầy.

Được như vậy là bởi, nơi đây đã hội tụ gần như đầy đủ các điều kiện thuận lợi, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đó là lợi thế "trong hàng rào", còn "ngoài hàng rào" KCN với những gì đang xảy ra, thì lại tương phản hoàn toàn, khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo ngại.

Với tầm nhìn chiến lược, Tập đoàn American International Group (AIG) của Mỹ và Công ty International Port Engineering Management (IPEM) của Bỉ, kết hợp với UBND TP Hải Phòng đã sớm nhận ra lợi thế của một bán đảo rất thuận lợi để xây dựng thành một KCN có tầm cỡ quốc tế.

Nơi đây hội tụ hệ thống giao thông thuận lợi, hoàn hảo, bao gồm: Đường bộ (thông thương trực tiếp với QL5) và đường sắt (Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc), đường thủy nội địa, đường hàng không (cách sân bay Cát Bi 12km) và rất gần các cảng biển lớn như cảng chính Hải Phòng (5km), cảng container Chùa Vẽ (3km).

Đặc biệt, KCN Đình Vũ là khu kinh tế duy nhất ở miền Bắc Việt Nam có quy mô gần 1.000ha, liền kề cảng biển nước sâu, hiện tại có thể tiếp nhận tàu 20.000dwt. Hơn thế nữa, Hải Phòng là một thành phố công nghiệp, đang phát triển, có nguồn nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm và tay nghề cao, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư.

Ngay từ ngày đầu thành lập (1997), mặc dù ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khiến khả năng thu hút đầu tư phần nào bị giảm. Thêm vào đó, KCN lại "mọc" lên trên bán đảo sình lầy, hoang hoá và ngập mặn, khi nước triều dâng, 80% bán đảo ngập chìm dưới mặt nước.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, phải mất 5-7 năm đầu để khai thác và vận chuyển hàng chục triệu khối cát cách KCN từ 30 - 40km về san lấp, tạo mặt bằng KCN. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống đê kè biển để bảo vệ bờ khỏi bị lún sụt, xói mòn do sóng gió, bão lụt khắc nghiệt ở vùng giao cắt giữa cửa sông và cửa biển này… Đến nay, tất cả những khó khăn ấy dường như đã vượt qua.

Nhiều người tới đây cho rằng, KCN Đình Vũ thứ gì cũng to, cũng hiện đại. Quả vậy, cảng hàng lỏng KCN Đình Vũ có 2 bến cho tàu dàu 10.000dwt và 20.000dwt, là cảng dầu lớn nhất miền Bắc; cảng container Đình Vũ cho tàu 20.000dwt đầy tải và 40.000dwt vơi tải; đường quốc gia 2 bên KCN rộng 68m, có đường sắt quốc gia chạy song song với cảng, đường giữa KCN rộng 31 - 34m.

Hiện, đã có gần 20 doanh nghiệp đầu tư vào KCN, lấp đầy hơn 90% diện tích giai đoạn 1 (164ha), phần lớn là những nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại. Được biết, KCN đang hoàn thành các thủ tục để đầu tư mở rộng giai đoạn 2 (373ha). Dự báo, giai đoạn 2 KCN Đình Vũ có thể hoàn thành trong 3 năm tới.

Như vậy, mơ ước về KCN Đình Vũ nay đã trở thành hiện thực. Hơn thế, hiện thực này đã khiến không ít nhà đầu tư ao ước có được một vị trí trong KCN. Tuy nhiên, đó là mơ ước được ở "trong hàng rào", còn "ngoài hàng rào" KCN, với những gì hiện hữu, lại hết sức bất cập.

Một trong những bất cập lớn nhất ở "ngoài hàng rào" KCN Đình Vũ mà bài viết nhỏ này chúng tôi đề cập tới, cũng là những bức xúc của người dân thành phố, đó là tuyến đường độc nhất xuyên đảo Đình Vũ - tuyến giao thông huyết mạch của khu kinh tế mở Đình Vũ, vốn đã nhỏ, hẹp (do lấn chiếm), lại mất an toàn giao thông.

Được biết, trước khi xây dựng KCN Đình Vũ, tuyến đường này đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng, không những bê tông tráng nhựa phẳng lì, mà còn thơ mộng, trải dài xuôi ra biển. Nay, do tắc trách trong công tác quản lý và ý thức của người tham gia giao thông, đã biến đường thành nơi ngập ngụa bùn đất, rác thải.

Hàng ngày, có đến hàng trăm lượt xe ôtô các loại chở bùn đất từ khắp nơi, qua tuyến đường này để vào KCN, khiến bụi đất mù mịt. Đặc biệt, một số doanh nghiệp 2 bên đường, lợi dụng sự xuống cấp của tuyến đường, đã biến đường giao thông thành đường… thoát nước chung. Các loại nước thải, nước mưa, đều tống cả ra mặt đường. Nhiều tai nạn giao thông cũng đã xảy ra ở đây. Thậm chí ban đêm, thay vì dạo chơi, đi bách bộ, một số đối tượng đã giả danh khách bộ hành để trấn, cướp xe của người đi đường, gây mất trật tự trị an trong khu vực.

Chưa nói đến những hệ lụy về kinh tế do tuyến đường huyết mạch xuyên bán đảo Đình Vũ bị vằm nát, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng đã tạo ấn tượng xấu cho nhà đầu tư, nhất là hành khách qua lại, các chủ hàng từ nơi xa về KCN Đình Vũ lấy hàng.

Bởi vậy, việc xây dựng lại tuyến đường xuyên đảo Đình Vũ này cần thiết phải được các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô và TP Hải Phòng nghĩ tới, nếu không muốn làm mất đi ấn tượng đẹp đẽ về KCN Đình Vũ mà trong tương lai, nó sẽ tạo vị thế để Hải Phòng cất cánh

Lệ Thu
.
.
.