Nhiều ý kiến về sách giáo khoa điện tử

Thứ Năm, 21/08/2014, 10:32
Trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng một bộ SGK điện tử cho học sinh nhằm “làm mới” hoạt động giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh có điều kiện tiếp xúc với những kiến thức hiện đại là việc đáng làm. Song việc thí điểm thực hiện trên một số lượng lớn học sinh là điều hết sức cẩn trọng.

TS Dung cũng cho biết, hiện Viện Nghiên cứu này cũng đang có chương trình làm việc với một công ty chuyên kinh doanh các chương trình về giáo dục của Mỹ. Công ty này cũng đã cung cấp các chương trình tương tự cho khối phổ thông tại trên 80 nước. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng trong chương trình này là HS từ 3 tới 8 tuổi. Theo các công trình nghiên cứu của họ chứng minh rằng, HS trong độ tuổi này được coi là “độ tuổi vàng” của trẻ em trong việc học tập, nhất là việc khám phá, tìm tòi phát triển khả năng tự học… mà thiết bị SGK điện tử đáp ứng một cách hiệu quả.

Do đó lo ngại nhất là nội dung đưa vào bộ SGK điện tử của đề án của Sở GD - ĐT, đã có nghiên cứu cụ thể với HS độ tuổi từ lớp 1 tới lớp 3 chưa. Vì việc SGK được “số hóa” khác hoàn toàn bộ SGK in. Ta không thể “bưng” nguyên xi cả bộ SGK in vào trong một máy tính bảng. Phải đáp ứng yêu cầu học tập với ứng dụng công nghệ thông tin, luôn hấp dẫn, mới mẻ, tiện dụng. Việc điều hành của người giáo viên trong lớp SGK “số hóa” cũng khác điều hành trong lớp học với chiếc bảng đen và bộ sách in. Phải tính hết những điều này thì SGK điện tử mới làm tròn sứ mệnh của nó.

Cũng theo TS Dung, đây chỉ là một phương tiện học tập theo phương pháp tiên tiến, do đó không nên bắt buộc tất cả HS phải mua máy tính bảng. Vì các em vẫn có thể học trên bộ SGK in thông thường. Tóm lại là các lực lượng thúc đẩy dự án thành công phải trong “tâm thế” sẵn sàng. Nhà trường cũng không để rơi vào tình thế bị ép buộc thực hiện, là nguyên nhân của việc nhiều dự án rơi vào cảnh “đắp chiếu”. Vì tổng đầu tư cho đề án cả ngàn tỉ đồng, việc trang bị mỗi phòng học này trên 200 triệu đồng, còn HS tham gia phải bỏ tiền mua 4 triệu đồng/cái máy tính bảng.

PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đề án trên nhằm thực hiện mục tiêu của ngành là đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trong đó có đáp ứng  yêu cầu hiện đại hóa các phương tiện, thiết bị giảng dạy trong nhà trường mà ở đây là chiếc máy tính bảng thông minh. Song để không rơi vào “vết xe đổ” như một số cải tiến gần đây của ngành GD - ĐT TP Hồ Chí Minh không thành công do thực hiện quá vội vàng. Tuy nhiên, nếu không khởi động bằng cách cho “chạy” thí điểm thì cũng có nghĩa ta không bao giờ thực hiện được mục tiêu HĐH trong giáo dục. Cũng cần tìm hiểu yếu tố có ảnh hưởng thị lực HS nếu sử dụng quá nhiều giờ trong ngày? Cần có giải pháp. Tổ chức giải đáp tối đa thắc mắc của phụ huynh để cần sự đồng thuận. Trước khi thực hiện trên diện rộng cũng cần xem xét thấu đáo. “Theo tôi, bất cứ một đề án nào cho giáo dục cũng cần có những bước đi thận trọng, kỹ lưỡng. Có kết quả đánh giá rõ ràng rồi cũng cần bình tĩnh, không vội vàng. Không thể đề ra rồi làm ngay!”

Huyền Nga
.
.
.