Nhiều xã vùng cao đang “khát” trầm trọng

Thứ Năm, 21/01/2010, 15:12
Đi bộ 5, 7 cây số, thậm chí là cả chục cây số đường rừng chỉ để hứng lấy một can nước sinh hoạt là chuyện thường ngày ở nhiều xã vùng cao miền núi phía Bắc nói chung và trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng. Cơn khát trở nên trầm trọng nhất là vào thời điểm mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau). Năm nay lại còn khắc nghiệt hơn, tình cảnh này không biết bao giờ mới được cải thiện…

3 lần hạ sơn vì… thiếu nước

Thôn Sa Pả 11, thuộc xã Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai) có 22 hộ dân với trên 100 nhân khẩu. Toàn bộ dân trong bản đều là người Pa Dí trước đây sống ở trên núi cao. Nhưng chỉ chưa đầy chục năm trở lại đây, cả thôn đã có đến 3 lần phải "hạ sơn", nguyên nhân chính là cứ đến mùa khô, nguồn nước sinh hoạt càng lúc càng khan hiếm. Nhưng rất có thể nơi cả bản đang định cư hiện nay chưa chắc đã phải là cuối cùng…

Ông Giàng Phủ Chín, trưởng thôn Sa Pả 11, dẫn chúng tôi vào nhà Lý A Pao ở ngay giữa thôn, để hiểu rõ cơn khát mà người dân vùng cao này đang đối mặt. Vào đến nhà lúc 11h trưa cũng vừa lúc vợ Lý A Pao là Tảo Dền Chon đang khệ nệ gánh hai can nước 10 lít về vứt cái "uỵch" ở trước cửa nhà. Hỏi ra mới biết, vợ Pao phải đi hứng nước suốt từ sáng đến giờ mới về. Mà phải đi hứng ở con suối cách nhà gần 4 cây số. Lý A Pao cho hay, cả nhà 7 con người với 20 lít nước này, phải dùng trong ít nhất 3 ngày bởi đường đi hứng nước quá xa không thể ngày nào cũng đi lấy được.

Thôn Sa Pả 11 hiện có hai bể chứa nước sinh hoạt, được đầu tư từ vốn Chương trình 135 dùng chung cho cả thôn. Mỗi bể này có thể tích chừng 3m3, và nguồn nước được người dân dẫn xuống từ một khe nước từ trên núi nằm ở sau lưng thôn. Thế nhưng nước trong cả hai bể đều cạn. Ông Chín cho hay, tình trạng này diễn ra đã gần 4 tháng nay. Để có nước sinh hoạt, nhiều người dân trong thôn phải đi sang các thôn khác tìm nguồn nước để hứng mang về dùng, nhưng cũng phải sử dụng hết sức tiết kiệm. Cả một đám ruộng lớn trước thôn đã được cày xới cẩn thận, nhưng rất khô cằn vì thiếu nước. Theo ông trưởng thôn, từ khi trồng xong vụ ngô trước, thì bà con đành để đất không bởi nếu trồng cấy gì cũng chẳng có nước, nên đành để vụ sau làm…

Nhiều diện tích khai hoang ở vùng cao Lào Cai của người dân phải bỏ hoang vì thiếu nước.

Không riêng gì xã Mường Khương, hiện nay nhiều thôn, bản thuộc các xã: Ngải Thầu, Cao Sơn, Tà Thàng, Lùng Khấu Nhin… cùng đang rơi vào cảnh khan hiếm nước. Đại uý Lương Văn Ngân - Công an phụ trách xã (Công an huyện Mường Khương) kể: "Xuống địa bàn vào mùa khô, chúng tôi lại phải mang theo người cả chục chai nước lọc. Cứ mỗi sáng đánh răng, rửa mặt là phải dùng hai chai. Hết lại phải quay về trung tâm huyện lấy thêm…".

Giải cơn khát cho vùng cao - bài toán khó

Tỉnh Lào Cai hiện có 8 huyện vùng cao thì cả 8 huyện đều rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước dùng cho sản xuất. Nhưng khát nhất phải kể đến Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát và Bắc Hà. Ví như huyện Bát Xát, có 16/23 xã, thị trấn rơi vào tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và nước canh tác. Cơn khát trầm trọng nhất là địa bàn các xã: Y Tý, Sàng Ma Sáo, Dền Thàng… thiếu nước quá trầm trọng. Tình trạng này hầu như năm nào cũng diễn ra, khiến người dân vùng cao đời sống đang gặp rất nhiều khó khăn...

Ông Nguyễn Đức Ca, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt ở nhiều xã vùng cao của Bát Xát đã diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên vài năm trở lại đây mức độ ngày càng trầm trọng và trên diện rộng. Nguyên nhân có lẽ là do sự biến đổi của khí hậu và nạn phá rừng. Ở những nơi núi cao, cứ đến mùa khô, hầu như không còn nguồn nước sạch để bà con sinh hoạt.

Huyện cũng tính nhiều phương án, như xây dựng những nhà máy nước sạch tại điểm có nguồn nước lớn, chẳng hạn như đặt một nhà máy nước ở tại khu vực Mường Hum từ đó có thể cung cấp nước cho các xã xung quanh, như: Trịnh Tường, Dền Thàng… Tuy nhiên cái khó ở đây chính là kinh phí. Huyện còn nhiều khó khăn, trong khi người dân vùng cao Bát Xát nhiều nơi đến cái ăn còn chưa đủ thì lấy đâu tiền đóng góp.

Theo ông Giàng Mạnh Nhà, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, trước mắt thì huyện vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề nước và người dân tạm thời đành phải sống chung với thực tế này. Tuy nhiên về lâu dài thì giải pháp của huyện là vận động bà con trên toàn địa bàn tập trung bảo vệ rừng và gây rừng để cải tạo điều kiện thuỷ sinh tạo nguồn nước. Ý thức được việc này nên người dân Mường Khương đang làm rất tốt công tác trồng cây, gây rừng. Tuy vậy cũng chưa biết bao lâu nữa người dân mới hết "khát".

Những năm gần đây, từ các nguồn vốn của Chính phủ như Chương trình 134, 135, các dự án của Ngân hàng Thế giới…vv, nhiều công trình nước sạch được đầu tư cho các xã, bản vùng cao ở Lào Cai. Nhưng trong thực tế, tình hình này chưa được cải thiện bao nhiêu. Và hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để giải cơn khát này, do vậy cuộc sống của người dân ở vùng cao này vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian dài nữa

Nhóm PVXH
.
.
.