Nhiều xã ở huyện vùng cao Nam Đông thiếu nước sạch trầm trọng

Thứ Hai, 25/08/2014, 08:54
Đã bước vào cuối tháng 8, nhưng ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) vẫn nắng như đổ lửa khiến sông, suối khô cạn trơ đáy. Do không có nước sạch nên người dân phải đi bộ nhiều cây số tìm khe suối gùi nước về nhà sử dụng. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm qua, song đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục…

Hơn 3 năm trở lại đây, trên 300 hộ dân là người dân tộc Cơ Tu ở thôn 5, 6 và 7 của xã Thượng Long, Nam Đông, phải vất vả đi tìm từng nguồn nước trên các khe suối do không có nước sạch tại chỗ. Khi chúng tôi tìm đến nhà bà Hồ Thị Mơn (60 tuổi, trú thôn 5) cũng là lúc bà và cậu con trai đang “tay xách nách mang” 2 can nước từ dưới suối về. Nhìn chúng tôi với vẻ ái ngại, bà Mơn cho biết: “Ở đây nước sạch hiếm lắm chú ơi. Chỉ khi nào trời mưa thì bà con mới có nước sạch hứng trong lu, chậu để dùng thôi. Riêng mùa nắng thì vất vả hơn vì nước khan hiếm quá, ngay cả con suối cạnh nhà mình đây cũng khô cạn”.

Ngoài việc thiếu nước sạch sinh hoạt, nhiều hộ dân ở Thượng Long đang lo lắng vì không có nước tưới tiêu cho cây trồng. Ông Phạm Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thượng Long trăn trở: “Toàn xã có trên 540 hộ dân, nhưng đa phần số dân phải sống cảnh khốn đốn vì thiếu nước sạch. Kinh tế địa phương cũng sụt giảm khi các loại cây trồng như chuối, cà phê, hồ tiêu... của người dân đều cho năng suất thấp do thiếu nước tưới. UBND xã đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên xin hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước sạch nhưng đến nay vẫn chưa có vốn!”.

Không có nước sạch nên người dân thôn 5, xã Hương Hữu, dùng can để lấy nước ở khe A Vôn về sinh hoạt.

Men theo con đường bê tông liên xã, chúng tôi đến xã Hương Hữu, một xã “khát nước sạch” nghiêm trọng nhất ở Nam Đông. Đứng bên khe A Vôn đang dần khô cạn vì hạn, ông Nguyễn Văn Thành, Thôn trưởng thôn 6, xã Hương Hữu, nói trong lo lắng: “Mấy năm về trước, khi hệ thống nước tự chảy còn dùng được thì bà con đỡ khổ hơn. Nay đường ống đã hư hỏng nên mỗi ngày, 60 hộ dân trong thôn đều phải ra đây múc từng can nước gùi về nhà”. Chứng kiến cảnh ông Hồ Văn Tam (trú thôn 5) cùng cô con gái tên Hồ Thị Min đang học lớp 6A, Trường THCS Hương Hữu đi bộ trên 4 cây số đường rừng để đến khe A Vôn lấy 2 can nước mới hiểu được sự vất vả của người dân vùng cao nơi đây. Em Min chia sẻ: “Buổi sáng em đi học, buổi chiều theo bố ra con suối này lấy nước và tắm giặt luôn thể chứ ở nhà chẳng có một giọt nước nào cả!”.

Ông Huỳnh Minh Chòn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho hay, năm 2008, xã được đầu tư hệ thống nước tự chảy dẫn nước từ suối A Ro về tận các thôn theo Chương trình 135. Nhưng chỉ 3 năm sau, các đường ống nhựa dẫn nước đã hư hỏng. Ngoài ra, do cánh rừng đầu nguồn bị chặt phá nên suối không giữ được nước dẫn đến tình cảnh khô hạn như hiện nay. Ông Chòn còn cho biết, xã được UBND huyện Nam Đông phê duyệt xây dựng công trình cấp nước với số vốn 3 tỷ đồng nhưng hơn 1 năm qua, Công ty Cấp nước Thừa Thiên - Huế vẫn chưa tìm ra được nguồn nước dù đã tổ chức khảo sát nhiều lần.

Theo thống kê của UBND huyện Nam Đông, ngoài 2 xã Hương Hữu, Thượng Long có hàng trăm hộ dân đang mỏi mòn chờ nước sạch thì trên địa bàn huyện còn rất nhiều xã như Hương Phú, Thượng Quảng, Thượng Lộ cũng trong tình cảnh... chờ nước sạch từng ngày. Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, nói: “Huyện đã kiến nghị lên UBND tỉnh và Sở Kế hoạch - Đầu tư xin cấp kinh phí để xây dựng Nhà máy Nước Thượng Long, nhằm giải quyết vấn đề nước sạch cho 5 xã của huyện. Đồng thời chỉ đạo các xã kiểm tra, khảo sát các hộ sử dụng nước giếng nhiễm phèn, nguồn nước không hợp vệ sinh... với hy vọng sẽ chấm dứt thực trạng thiếu nước sạch trên địa bàn”

Lê Anh
.
.
.