Nhiều trường học, phụ huynh còn lơ là phòng bệnh chân tay miệng

Thứ Hai, 03/10/2011, 11:00
Bệnh chân tay miệng đã thực sự “nóng” ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc kể từ khi một bệnh nhân 3 tuổi ở Hà Nội tử vong. Tuy vậy, nhiều người dân chưa hiểu hết về bệnh tay chân miệng, đặc biệt công tác phòng bệnh cực kỳ quan trọng lại được ít gia đình, trường học, khu dân cư quan tâm đúng mức

Trẻ đến khám chân tay miệng đã giảm

Mặc dù đang thời điểm mưa bão, nhưng chiều 30/8, có mặt ở Bệnh viện Nhi TW, chúng tôi thấy khá nhiều bệnh nhân đưa con vào đây khám chân tay miệng. Vợ chồng chị Nguyễn Thị T., ở Ứng Hoà, Hà Nội đội mưa đưa đứa con gái 2 tuổi đến bệnh viện cho biết: “Tôi thấy trên tivi nói nhiều về bệnh chân tay miệng, nên khi thấy con bị một nốt phỏng ở mặt đã cấp tốc đưa đi khám. Nhưng bác sĩ bảo cháu không phải mắc tay chân miệng, vợ chồng tôi mừng quá”.

Chị T. là một trong những trường hợp “đa nghi” dù con chị không có biểu hiện nào của bệnh nhưng vẫn vượt vài chục kilomet đi khám. Làm nghề nông, không đọc báo, không lên mạng Internet, vợ chồng chị hiểu rất lờ mờ về bệnh. Hỏi chị về cách phòng bệnh tay chân miệng, chị chỉ hiểu nôm na là thấy trẻ nào có mụn ở tay, chân thì không cho con lại gần. Công tác phòng bệnh cực kỳ quan trọng nhưng vợ chồng chị lại biết rất “lơ mơ”. Cả ngày chị không cho con rửa tay bằng xà phòng, mà quanh nhà chị là ao vườn, lợn gà.

Kể từ khi một bệnh nhân 3 tuổi ở Hà Nội bị tử vong do tay chân miệng, nhiều cha mẹ lo lắng thái quá nên cứ đưa con đi viện cho chắc, khiến trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi TW có khoảng 1.000 trẻ tới khám thì đã tăng lên 1.500 trẻ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì vài hôm trở lại đây, lượng bệnh nhi đến khám vì tay chân miệng đã giảm.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, tính đến ngày 30/8 chỉ có 3 bệnh nhi bị tay chân miệng đang điều trị hồi sức. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tú, Phó trưởng khoa thì: “Trong 2.000 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng vào viện chỉ có 2 ca tử vong. Hầu hết bệnh nhân đến khám được điều trị ngoại trú, tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Phụ huynh không nên hoang mang hay lo lắng thái quá, đặc biệt phải nâng cao công tác phòng bệnh cho con mình”.

Trường học đối phó với bệnh

Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi cháu bé 3 tuổi học ở lớp mẫu giáo bé của Trường Mầm non số 5, phường Ngọc Hà tử vong vì bệnh chân tay miệng, nhiều phụ huynh vẫn còn lo lắng và tiếp tục cho con nghỉ học. Theo bà Đỗ Thị Bích Vân, Hiệu trưởng nhà trường thì ngay sau khi nhận được thông báo của gia đình là cháu H.T.B.N. tử vong vì nghi tay chân miệng, nhà trường đã báo cáo Phòng Giáo dục, Trung tâm Y tế quận Ba Đình, UBND phường Thụy Khuê kịp thời triển khai công tác phòng dịch và thăm hỏi, chia sẻ với gia đình cháu N.

“Chúng tôi khử khuẩn toàn trường, riêng lớp học của cháu N. và lớp bên cạnh khử khuẩn mạnh, cô giáo tổng vệ sinh toàn bộ đồ dùng, đồ chơi, khăn mặt bằng Chloramin B kịp thời. Riêng lớp có cháu tử vong nhà trường cho nghỉ học 10 ngày, còn lớp khác vẫn đi học bình thường. Nhưng do lo lắng nên nhiều bậc phụ huynh đã cho con nghỉ học, có ngày chỉ còn 52 trẻ đến trường. Đến nay, qua theo dõi sức khỏe của các cháu đi học và ở nhà thì không có cháu nào có biểu hiện sốt cấp tính như cháu N. Đến ngày 30/9 có 85 cháu đến trường. Nhiều phụ huynh cho biết, sang tuần họ sẽ cho con đi học bình thường ”- bà Vân cho biết.

Để trẻ khỏe mạnh, nhà trường và gia đình phải nâng cao phòng dịch cho trẻ.

Phản ứng dây chuyền như Trường Mầm non số 5, một số trường rải rác có trẻ nghỉ học do lo sợ bệnh chân tay miệng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 5 trường mầm non có học sinh bị bệnh chân tay miệng. Ở những trường này, nhiều phụ huynh lo lắng đã cho con nghỉ học ở nhà.

Tuy chưa có học sinh bị bệnh tay chân miệng, nhưng công tác tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh ở Trường Mầm non Chu Văn An, quận Tây Hồ thực hiện khá tốt. Trường Mầm non Chu Văn An có 945 học sinh, chia thành 16 lớp, mỗi lớp khoảng 50 học sinh. Đây là con số tương đối lớn, nếu không thực hiện nghiêm ngặt công tác đảm bảo vệ sinh thì cũng rất dễ lây bệnh.

Chiều 29/9, có mặt ở đây khi trẻ đang đến giờ ra về, chúng tôi thấy các giáo viên đang bắt đầu thực hiện công tác tẩy trùng và vệ sinh lớp. Kể từ khi dịch bệnh tay chân miệng bùng phát, thì sau mỗi buổi học, giáo viên đều ở lại để khử khuẩn phòng học, giặt, hấp khăn mặt, lau rửa đồ chơi…

Theo bà Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường thì giáo viên của trường đã được đi tập huấn bệnh chân tay miệng ở Trung tâm Y tế quận nên ít nhiều đã có kinh nghiệm phòng bệnh. Nhà trường dán tờ rơi những điều cần biết về bệnh tay chân miệng ở ngay cửa mỗi lớp để phụ huynh nắm bắt thông tin. Đặc biệt mỗi lớp có một quyển sổ nhật ký theo dõi trẻ trong ngày. Nếu trẻ nào có dấu hiệu ốm, mệt mỏi đều được ghi vào sổ và thông báo với phụ huynh.

Nhờ công tác giáo dục và tuyên truyền của cô giáo nên nhiều trẻ sau khi đi học về đã nắm bắt được cách phòng bệnh chân tay miệng.

Tuy nhiên ở các khu dân cư, còn nhiều người dân chủ quan với bệnh, coi bệnh “như ở đâu đó” chứ không phải ở nhà mình nên thờ ơ phòng bệnh cho con. Anh Phạm Trọng An, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ cho biết: “Trẻ em nông thôn mới bị thôi, chứ con nhà mình sạch sẽ thế làm sao mà bị được”. Đây là quan niệm hết sức sai lầm. Bác sĩ Nguyễn Văn Tú cho biết: “Bàn tay nhìn tưởng là sạch, nhưng thực ra nó chứa rất nhiều vi khuẩn mà mắt thường không nhìn thấy. Do đó, rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh là vô cùng cần thiết”.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tú thì để tránh bệnh, chỉ có cách phòng bệnh. Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Virus thải ra đường phân, sau đó lên miệng và gây bệnh. Bệnh lấy chủ yếu theo đường tiêu hoá, do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, tiếp xúc với đồ chơi, đồ dùng dính dịch này của người bệnh. Để phòng bệnh, trẻ em và người lớn phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, rửa sạch các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng Chloramin B 5% hoặc xà phòng; nếu là bình sữa, bát đĩa phải luộc trong nước sôi 100%; hạn chế tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung đồ dùng, đặc biệt là phải ăn chín, uống sôi.

Bác sĩ Tú cho rằng, nhiều người sai lầm trong phòng dịch là chỉ bắt trẻ phải rửa tay xà phòng, trong khi người chăm sóc trẻ lại không thực hiện. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn, uống, đặc biệt là sau khi vệ sinh thân thể cho trẻ như thay tã, bỉm… Phòng bệnh là một việc làm không hề khó, tuy nhiên nhiều phụ huynh, nhiều gia đình vẫn còn lơ là, thiếu quan tâm. Nếu chúng ta phòng được bệnh thì sẽ hạn chế rất nhiều trẻ mắc bệnh chân tay miệng

Trần Hằng
.
.
.