Nhiều tỉnh xin xây dựng trạm cân xe

Thứ Năm, 11/04/2013, 17:12
Tới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ thiết lập thêm 11 trạm cân cố định và 67 trạm cân di động trong toàn quốc, để thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe, nhằm giữ đường và giảm thiểu TNGT.

Điều này đã thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT cũng như các đơn vị liên quan. Mục tiêu, kỳ vọng cũng đã rõ, thế nhưng, bài học từ trạm cân Dầu Giây vẫn còn nóng hổi:  sau vài năm hoạt động với hơn 1.700 vụ tiêu cực bị lập biên bản, nhiều cán bộ nhân viên dính vào lao lý, thì với sự quy hoạch này, dư luận không khỏi băn khoăn, liệu tiêu cực có tái diễn…

"Phải kiểm soát chặt chẽ xe quá tải” - "Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh như vậy, khi giao nhiệm vụ cho Bộ Công an và Bộ GTVT. Cụ thể hơn, trong thời gian tới sẽ thiết lập thêm11 trạm cân cố định và 67 trạm cân di động trong toàn quốc, để thực hiện bằng được việc kiểm soát tải trọng xe nhằm giữ đường và giảm thiểu TNGT.

Ngoài các trạm cân cố định, đề án “Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” thể hiện cũng sẽ xây dựng 67 bộ cân lưu động, thành lập các trạm cân lưu động tại các vị trí ở các tuyến đường có lưu lượng xe tải lớn, khu vực chưa có trạm cân  cố định. Theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lên Bộ GTVT, từ nay đến năm 2030 sẽ tiến hành xây dựng 45 trạm cân với tổng mức đầu tư dự kiến 6.300 tỷ đồng. Trong đó: 11 trạm đặt trên QL1, 4 trạm đặt trên đường Hồ Chí Minh; 2 trạm đặt trên quốc lộ 3; 2 trạm đặt trên quốc lộ 6; 2 trạm đặt trên quốc lộ 32; 24 trạm còn lại nằm trên các đoạn tuyến quốc lộ: quốc lộ 2, quốc lộ 4B, quốc lộ 5, quốc lộ 7, quốc lộ 8, quốc lộ 9, quốc lộ 10, quốc lộ 12, quốc lộ 12A, quốc lộ 13, quốc lộ 14B, quốc lộ 15, quốc lộ 18, quốc lộ 19, quốc lộ 20, quốc lộ 21, quốc lộ 22, quốc lộ 24, quốc lộ 26, quốc lộ 38, quốc lộ 51, quốc lộ 54, quốc lộ 70, quốc lộ 91.

Trạm cân xe. (Ảnh minh họa).

Ngay sau khi có Đề án quy hoạch, một số Sở GTVT miền Bắc như Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc… đã  nhanh chóng có những báo cáo lên Bộ GTVT về thực trạng các tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng do tình trạng xe quá tải hoạt động, đồng thời kiến nghị những giải pháp cụ thể.

Đơn cử, tại Hải Phòng, với đặc thù có tới 9 bến cảng container và 35 doanh nghiệp khai thác cảng biển. So với các tỉnh miền Bắc, số phương tiện lưu thông trên đường quốc lộ được xếp đầu bảng. Ngoài việc đưa ra số liệu thống kê về việc có quá nhiều phương tiện trọng tải lớn, trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hải Phòng đã mạnh dạn đề xuất “bố trí trạm kiểm tra tải trọng xe trên quốc lộ 5”.

Trong khi, liên quan đến hai trạm cân xây dựng thí điểm tại Quảng Ninh và Dầu Giây (Đồng Nai), Bộ GTVT vừa phải thừa nhận những “hạn chế” của những trạm cân bạc tỷ này. Theo đó, mặc dù được đầu tư đồng bộ với nhiều kinh phí, nhưng khi xe chạy qua trạm để biển số xe cong, vênh, mờ, hoặc các xe đi liền sát vào nhau, không tuân theo quy định về khoảng cách tối thiểu, khi lưu thông qua cân động, hoặc xe đi dưới tốc độ 20km/h và trên 60km/h là thiết bị cân cũng… không có giá trị.

Thiết nghĩ, việc quy hoạch trạm cân là cần thiết, việc các tỉnh xin xây trạm ngăn quá tải cũng là việc đáng làm. Song trước việc nhiều tỉnh xin thành lập trạm cân, quản lý thế nào và  hiệu quả có khả thi khi tình hình thanh kiểm tra từ trước tới nay chưa bao giờ hết "bất lực” trước vấn nạn tiêu cực?

Ngày đầu thí điểm triển khai hệ thống trạm cân lưu động trên QL5: Xe quá tải giảm đáng kể

Để ngăn chặn tình trạng xe quá tải trọng, quá khổ “băm” nát đường, từ ngày 9/4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) triển khai thí điểm hệ thống trạm kiểm tra trọng tải xe đường bộ (trạm cân) tại QL5. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm thì xe quá tải bỗng… “vắng bóng”. Có mặt tại Km 78 - Km 79 thuộc địa phận xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng trong sáng 9/3, tổ công tác liên ngành của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Tổng cục VII, Bộ Công an) chỉ xử lý được đúng một trường hợp xe tải biển kiểm soát 16k-9125 chỉ có trọng lượng 3 tấn, nhưng đã chở hàng vượt quá tải trọng 40% (hơn 10 tấn).

Theo Thượng tá Lưu Thanh Hiệp, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an), những ngày vừa qua, xe trọng tải lớn chạy qua tuyến đường này không nhiều. Xe có đi qua thì cũng chỉ chở vỏ container rỗng. Đánh giá của Thượng tá Lưu Thanh Hiệp cũng cho thấy, một số doanh nghiệp vận tải đang dò xét, nghe ngóng lực lượng Cảnh sát giao thông làm nghiêm hay không trong ngày đầu tiên này, để đối phó. Tuy nhiên, thời gian qua, doanh nghiệp đã có bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về việc xe quá tải lưu thông trên đường.

Hùng Huyền

Đặng Nhật
.
.
.