Tuần đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2007 Hà Nội:

Nhiều thí sinh thi đại học, cao đẳng không biết…khai hồ sơ!

Thứ Ba, 20/03/2007, 12:09
ngay mục 1 đã chỉ rõ là thí sinh không ghi mục này, nhưng không ít em hạ bút điền luôn tên trường đăng ký dự thi; có em không phân biệt được cách khai trường đăng ký dự thi ở mục 2 với mục 3 - dành cho thí sinh có nguyện vọng học tại trường không tổ chức thi.

Sáng 19/3, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số trường thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì số lượng phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) thực sự đến được tay thí sinh chưa phải là nhiều, trong khi phiếu đã được phát hành tới các trường từ ngày 9, 10/3.

Giải đáp băn khoăn đó, một số hiệu trưởng cho biết, sở dĩ họ chưa phát phiếu cho học sinh vì còn phải chờ cuốn "Những điều cần biết…" của Bộ GD&ĐT và mong muốn, khi có thêm nhiều thông tin trong cuốn "cẩm nang" đó, thí sinh sẽ chọn trường, chọn ngành chính xác hơn, đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng khai sai, khai nhầm thông tin gây lãng phí hồ sơ (thực tế mùa tuyển sinh năm trước, tình trạng này xảy ra rất nhiều). Cách lý giải đó hoàn toàn có lý, tuy nhiên, như vậy thì đến hôm nay, rất đông học sinh mới biết được… diện mạo của phiếu ĐKDT.

Theo bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, mặc dù năm 2007 có thêm nhiều ngành nghề mới được phép tuyển sinh, trong đó có nhiều ngành "hot" như chứng khoán, PR, quảng cáo… song số lượng thí sinh ĐKDT (đại học, cao đẳng) của Hà Nội được dự báo không tăng.

Điều này được thể hiện qua số lượng phát hành hồ sơ ĐKDT - khoảng 150.000 bộ (như năm 2006), do nguồn tuyển của Hà Nội vẫn giữ mức ổn định như những năm trước (xấp xỉ 4 vạn học sinh THPT và GDTX năm 2006).

Số lượng hồ sơ này do các trường đăng ký lên Sở và căn cứ vào đó, Sở lên kế hoạch in ấn, tuy nhiên, có trường có truyền thống dạy tốt, học tốt và tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao thì lại mua với số lượng khiêm tốn, ngược lại, có trường ở "tốp 2, 3" thì lại mua rất nhiều.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng hồ sơ được thí sinh ĐKDT và nộp cho nhà trường năm nay dự báo chỉ chiếm hơn 50% (năm 2006, Sở chỉ thu được 80.000 bộ/150.000 bộ), số còn lại là hồ sơ "ảo". "Ảo” là do có em xin mua 5, 6 bộ, thậm chí cả chục bộ dự phòng khi khai sai, khai nhầm và để nộp nhiều hồ sơ vào nhiều trường.

Một thông tin rất quan trọng cho thí sinh trước khi đặt bút chọn trường là năm 2006, Hà Nội có 82.814 thí sinh ĐKDT, nhưng số thí sinh thi đại học, cao đẳng chỉ đạt 33.132 và số thí sinh trúng tuyển là 14.561 (chiếm 17,58% so với toàn quốc); số thí sinh đăng ký vào các trường trung cấp chuyên nghiệp TW là 4.157 và vào trung cấp địa phương là 21.000 thí sinh.

Mặc dù báo chí, Bộ GD&ĐT, các trường THPT đã tuyên truyền rất nhiều về cách khai hồ sơ ĐKDT và mặt sau phiếu số 2 đã giải thích rất rõ cách khai từng mục, nhưng khi tiếp xúc với nhiều học sinh lớp 12 và cùng các em khai hồ sơ, chúng tôi nhận thấy nhiều em rất lúng túng, thậm chí còn khai rất… ngô nghê.

Ví dụ, ngay mục 1 đã chỉ rõ là thí sinh không ghi mục này, nhưng không ít em hạ bút điền luôn tên trường ĐKDT; có em không phân biệt được cách khai trường ĐKDT ở mục 2 với mục 3 - dành cho thí sinh có nguyện vọng học tại trường không tổ chức thi; về nguyên tắc nếu có nguyện vọng học tại trường không tổ chức thi thì thí sinh phải khai cả hai mục 2, 3, nhưng có em lại bỏ trống.

Thậm chí có nhiều em không biết sự khác nhau giữa hộ khẩu thường trú và quê quán. Theo cô giáo Trần Thanh Hoa ở quận Đống Đa, không phải là do các em thiếu thông tin vì ở trường chị còn tổng hợp cả những điều thí sinh hay mắc lỗi từ những năm trước rồi phô tô phát cho các em từ đầu tháng 3.

Nguyên nhân chính là do các em lười suy nghĩ nên khai sai, khai sót khá nhiều. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, với các thí sinh thi lại, vãng lai, các phòng giáo dục quận, huyện sẽ nhận hồ sơ từ ngày 10/3 đến ngày 10/4 ngay tại trụ sở làm việc của phòng. Để tạo điều kiện cho thí sinh, trong trường hợp thí sinh ở tỉnh khác đã mua hồ sơ ở tỉnh và muốn nộp tại Hà Nội cũng được chấp nhận. Năm 2006, hồ sơ vãng lai của Hà Nội xấp xỉ 2.000 bộ.                

Thí sinh có thể lấy Phiếu ĐKDT trên mạng Internet

Theo phản ánh của một số bạn đọc Báo CAND, những bộ hồ sơ dưới dạng phôtô, không có dấu đỏ được bán với giá 2.000 đồng/bộ tại nhiều cửa hàng photocopy và lò luyện thi có được coi là hồ sơ hợp lệ?

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định, những bộ hồ sơ đó vẫn được coi là hợp lệ. Về nguyên tắc thì hồ sơ ĐKDT sẽ do các Sở GD&ĐT in ấn, phát hành và có giá trị trong toàn quốc.

Mỗi bộ hồ sơ gồm 1 túi phiếu ĐKDT và 2 phiếu ĐKDT số 1, số 2, có dấu đỏ và hai vạch đỏ theo ký hiệu của Sở. Thí sinh có thể sử dụng hồ sơ ĐKDT của bất cứ địa phương nào đều có giá trị. Để tạo điều kiện cho thí sinh, đặc biệt là thí sinh vùng núi, nông thôn, Bộ còn cho phép thí sinh có thể lấy phiếu từ trên mạng Internet.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Ngô Kim Khôi, để đảm bảo độ chính xác khi nhập dữ liệu hồ sơ, thí sinh nên sử dụng hồ sơ do các Sở GD&ĐT phát hành vì giá một bộ hồ sơ chỉ 1.200 đồng.

Thu Phương
.
.
.