Nhiều sinh viên vỡ nợ sau World Cup

Thứ Sáu, 16/07/2010, 15:05
Mặc dù World Cup đã trôi qua gần một tuần song những dư âm của nó để lại là đề tài bàn tán xôn xao từ các con hẻm, quán cà phê cóc cho đến nơi công sở…Hậu quả của trò "máu me" cá độ đã đẩy không ít sinh viên lâm cảnh nợ nần, bị chủ nợ săn lùng.

 "Giá như…!" câu cửa miệng của các con nghiện cá độ khi "tổng kết" lại mùa World Cup. Kẻ cười người khóc nhưng đa phần các con độ đều bị ngã kèo (thua độ). Nói như K "liều" (một tay cá độ tại quận 2) thì: "Dính vào cá độ dù thắng hay thua thì thằng nào cũng méo mặt đi xoay tiền chung độ".

Bỏ thi vì cá độ

Một tháng không gặp Q. "polymer" (quê Nha Trang), thương hiệu được tụi bạn học gán cho về mức độ xài tiền của Q, mặc dù là sinh viên nhưng trong ví lúc nào cũng sẵn một xấp tiền polymer mệnh giá 100 ngàn. Thấy khuôn mặt Q. phờ phạc, mắt thâm quầng. Q. giải thích: "Người ta xem bóng đá thức đêm rồi ngày ngủ bù, còn em thì ban ngày phải đi xoay tiền để chung độ nên mới phờ phạc thế này!".

Vốn con nhà khá giả, hành trang bước vào quãng đời sinh viên của Q. khá đầy đủ: con Nokia N95 cáu cạnh, laptop hàng khủng cộng thêm chiếc Air-blade làm phương tiện đi lại. Sẵn máu cờ bạc trong người nên Q. lao vào World Cup với tâm niệm: "Thi thì năm nào chả thi, World Cup thì 4 năm mới có một lần. Dại gì không chơi".

Kết quả sau mùa World Cup, từ điện thoại, máy tính, xe máy thi nhau vào "nghỉ" trong tiệm cầm đồ cộng thêm số nợ gần ba chục “chai” (triệu). Q. thú thật, giờ không có khả năng chi trả chỉ còn đường báo về nhà. Trong căn phòng trọ trống hoác, Q. nói như mếu: "Học kì này coi như "đứt" (rớt), mấy ngày nữa ba em vào đây nên cũng chưa biết ăn nói thế nào với ổng nữa! Ông già bị bệnh tim, lỡ có chuyện gì chắc em ân hận cả đời…". 

Trong quán cà phê trên đường D5 (quận Bình Thạnh), S. (quê Đắk Lắk) tâm sự: “Lần "bể kèo" vừa rồi, do số nợ đã lên hơn bốn chục triệu, bọn chủ nợ gây áp lực dữ quá buộc em phải gọi điện thoại báo về nhà. Lúc gọi về em run lắm, cứ nghe tiếng mẹ "có chuyện gì hả con" là em lại dập máy. Đến lần thứ ba, em mới dám nói. Chưa dứt lời mẹ đã mắng te tát, em cúp máy ngay, ngồi gục xuống nhà vò đầu. Đến nửa đêm mẹ gọi hỏi đến ngày kia trả họ được không con?, em bảo được(!?). Hai ngày sau, cả bố lẫn mẹ cầm tiền vào trả nợ".

Nhìn nét mặt S., chúng tôi phần nào hiểu được sự căng thẳng của S. hôm đó. Tôi nói đùa: "Lần sau có dám bắt độ nữa không?",  S. cười rồi đáp lại:  "Em cũng không dám nói trước, hồi còn học phổ thông em nổi tiếng học giỏi, hiền lành nhưng không ngờ có lúc lại đổ đốn thế này".

Một điểm xem World Cup tại Nhà Văn hóa Thanh Niên thu hút sinh viên đến xem và cổ vũ nồng nhiệt.

Bị chủ nợ săn lùng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi các sinh viên thua độ thì càng chơi mạnh tay hơn để gỡ gạc. Khi số nợ quá lớn, các chủ độ không cho bắt tiếp và nói như ra lệnh: "Bằng cách nào thì tùy, miễn có tiền". Từ vay mượn bạn bè, anh em, họ hàng… đến laptop, xe máy nối đuôi vào tiệm cầm đồ. Nhiều sinh viên, gia đình có điều kiện thì báo về nhà vẽ vời đủ thứ tiền học phí, đồ án, đi thực tập… Ai đã trót nợ nhiều quá thì chỉ còn cách khai thật để gia đình vào trả nợ.

Tuy nhiên, theo S. những cách trên chỉ là biện pháp "đắp vá" nợ nần tạm thời. Đến bước đường cùng là hầu hết những sinh viên mê cá độ đều lâm vào tình cảnh chung: Bị chủ nợ săn lùng, đe dọa.

Với H - một con bạc tại làng đại học Thủ Đức, thì được xem là chuyên gia "báo bóng" nợ (bắt độ mà không có tiền). Dù kết quả trận đấu có thắng hay thua thì anh chàng cũng chả bao giờ được lĩnh tiền. Chủ bóng trừ dần vào số nợ cũ. Gia đình thuộc dạng khó khăn, nên H biết rất khó lòng để báo về nhà. Số nợ tăng dần sau từng trận đấu, H. "lặn" mất tăm. Mấy chủ nợ điên tiết "thề sống thề chết" nếu chụp được H. thì không cần hỏi han mà "xin" hẳn một cánh tay để cảnh cáo.

Không có đồ mà bán như Q., gia đình không có điều kiện như S., cũng chẳng trốn nợ như H., V. "chim sẻ" (ĐH GTVT) nhờ vào cái bản tính "lì lợm", khuôn mặt "gọi đòn" được một chủ nợ "tuyển dụng" vào làm để trừ nợ dần. Công việc chính của V. là đi đòi nợ các con bạc cứng đầu, sau đó đi chung lại cho các chi nhánh ghi độ của chủ bóng. Mỗi lần đi đòi nợ V. được trích 5% (tổng số tiền đòi được) và trừ dần vào nợ cũ. Theo V. thì đi đòi như vậy chỉ để "tránh nắng" (kế hoãn binh-PV) chứ tính sơ sơ thì làm một năm chắc gì đã trả hết nợ (gần 100 triệu), mà chưa biết bị bắt lúc nào.

Đa phần các con bạc sinh viên đều từ tỉnh lẻ lên thành phố mang theo niềm hi vọng của gia đình. Đổi lại bao nhiêu năm đèn sách, nhiều sinh viên đã trở thành con bạc phải trốn nợ, rồi bỏ học… hay nhúng tay vào giới giang hồ như V. Họ đã đánh mất một thứ quá lớn, niềm tin từ gia đình mong muốn con mình có ngày đỗ đạt

Văn Vĩnh
.
.
.