Nhiều sinh viên dính “bẫy” lừa tuyển dụng

Thứ Năm, 21/07/2011, 19:47

Tranh thủ mùa hè đi làm thêm nhưng nhiều SV trên địa bàn Hà Nội đã bị rơi vào “bẫy” của những đối tượng lừa tuyển dụng với chiêu thức cũ: quảng cáo việc một đằng, giao việc một nẻo.

Vòng tròn tuyển dụng "ma"

Phản ánh đến Báo CAND, bạn Nguyễn Thị Hồng, sinh viên năm thứ 3 Khoa Kế toán, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, ngày 15/7, qua một tờ rơi, Hồng biết một trung tâm tuyển dụng ở ngõ 102 đường Trường Chinh, Hà Nội đang có nhu cầu tuyển nhân viên phát quà cho hãng Dove với lương 190.000 đồng/ca, 2 tiếng/ca, có thể chọn ca. Đến đây xin việc, Hồng phải nộp tổng số tiền là 290.000 đồng và được hẹn đến bắt đầu làm việc. Ngày hôm sau, thay vì đến nơi làm, nhân viên của trung tâm này đưa Hồng đến địa chỉ số 671 đường Kim Ngưu. Tại đây, Hồng tiếp tục được các nhân viên yêu cầu phải nộp thêm 120.000 đồng là tiền đặt cọc mới có việc làm. Cắn răng nộp tiền mong có được công việc làm thêm, tuy nhiên, công việc Hồng nhận được không phải là phát quà khuyến mãi cho hãng Dove như ban đầu mà là phát tờ rơi tuyển dụng nhân viên phát quà khuyến mãi.

Hằng ngày, Hồng được giao khoảng 100 tờ rơi và yêu cầu mỗi ngày phải có 3 người đến đăng ký tuyển dụng thì Hồng mới nhận được lương như đã thoả thuận là 190.000 đồng/ca. Sau 2 ngày làm việc, Trung tâm vẫn thông báo chưa có ai đến đăng ký nên Hồng chưa được trả lương. Biết mình đã bị rơi vào bẫy việc làm, Hồng đành ngậm đắng nuốt cay mất 410.000 đồng với hàng trăm tờ rơi tuyển dụng trong tay.

Sáng 20/7, chúng tôi đến địa chỉ 671 Kim Ngưu. Tại đây không hề có biển hiệu công ty hay trung tâm tuyển dụng nào mà thay vào đó là căn phòng rộng khoảng 20m2 rất chật chội, ngột ngạt và bẩn thỉu. Một phụ nữ hỏi tôi: "Em từ trung tâm nào đến đây? Đưa giấy tờ cho chị". Tôi nói đọc trên một trang quảng cáo rao vặt và biết trung tâm tuyển dụng thì người phụ nữ này nhìn tôi một lượt: "Em phôtô chứng minh thư và thẻ sinh viên, chiều mang đến đây chị sắp xếp công việc cho em". Một cậu thanh niên đeo khuyên tai, hút thuốc lá phì phèo có vẻ rất bặm trợn còn nhắn thêm: "Em chuẩn bị trước 120.000 đồng lệ phí nữa nhé. Chiều cứ đến đây anh chị sắp xếp ngay việc cho em".

Bác Nguyễn Văn H, một người hành nghề xe ôm thấy tôi vừa bước từ đây liền ra kéo tay: "Vào đấy xin việc làm gì. Toàn bọn lừa đảo đấy. Mỗi ngày phải có gần chục đứa sinh viên đến xin việc. Thu tiền xong là chúng nó bùng đấy".  

Số nhà 671 Kim Ngưu không hề treo biển tuyển dụng lao động.

Vạch mặt trung tâm lừa tuyển dụng

Thời gian qua, Báo CAND đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh của  sinh viên các trường đại học, cao đẳng về các trung tâm tuyển dụng việc làm có dấu hiệu lừa đảo người lao động, tuyển dụng theo kiểu "lòng vòng" đưa người lao động từ trung tâm này đến trung tâm khác trên địa bàn Hà Nội. Đơn thư của nhiều nạn nhân đã được chuyển đến Công an phường sở tại, tuy nhiên việc xử lý các trung tâm này là rất ít.

Theo Trung tá Đỗ Hồng Minh, Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân thì vừa qua, Công an phường đã xử lý trung tâm tuyển dụng tại địa chỉ 54 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội của đối tượng Hoàng Thị Thắng, 27 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi thuê nhà tại địa chỉ 54 Nguyễn Tuân, Thắng đã tự ý treo biển đại lý bán vé máy bay không có giấy phép để tuyển dụng lao động như bán vé máy bay, gia sư, trực điện thoại, gấp phong bì, phát quà khuyến mại… với lệ phí tuyển dụng và đào tạo từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng. Nhiều sinh viên đã nộp tiền nhưng không hề có việc làm như đã hứa hoặc có việc làm nhưng nhanh chóng phải bỏ việc do không đạt yêu cầu.

Đặc biệt, Thắng cũng áp dụng thủ đoạn "vòng tròn tuyển dụng" khi sử dụng nơi ở trọ của mình là số nhà 335 đường Nguyễn Trãi làm văn phòng "ma" lúc phòng bán vé máy bay bị quá tải. Để tạo niềm tin cho các "con mồi", trung tâm tuyển dụng này cũng có con dấu riêng để "cốp" vào các giấy tờ. Tuy nhiên, con dấu được sử dụng theo đối tượng khai nhận là do… nhặt được. 

Trung tá Đỗ Hồng Minh cũng cho biết, để xử lý được trung tâm tuyển dụng lao động lừa đảo không phải việc dễ dàng. Trước hết là không có sự hợp tác của bị hại. Bởi, không ít sinh viên khi bị sập bẫy tuyển dụng việc làm đã không đến cơ quan chức năng để trình báo do số tiền không quá lớn. Việc "đánh sập" được trung tâm tuyển dụng lừa tại số 54 Nguyễn Tuân, Công an phường đã triệu tập 53 bị hại. Bên cạnh đó, các trung tâm này lại không treo biển tuyển dụng việc làm mà ngấm ngầm đăng tin tuyển dụng trên các tờ báo rao vặt, quảng cáo, các trang mạng Internet để tuyển lao động.

Để tránh các bẫy tuyển dụng có dấu hiệu lừa đảo, theo Trung tá Đỗ Hồng Minh, khi tìm việc, người lao động, nhất là sinh viên phải hết sức cảnh giác với trung tâm tuyển dụng. Cần phải tìm đến các trung tâm tuyển dụng uy tín, có giấy phép rõ ràng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo như trường hợp trên, các nạn nhân cần nhanh chóng đến Công an phường sở tại để trình báo.

Nhóm PVPL
.
.
.