Nhiều quy định lạ tại TP Hội An

Thứ Hai, 19/04/2010, 18:22
Nhiều quy định mới lạ, thể hiện tính sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế được áp dụng nhiều năm qua đã tác động tích cực đến đời sống xã hội tại thành phố di sản văn hoá thế giới: Hội An - Quảng Nam.

Còn nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Hội An cấm xe máy lưu thông trong phố cổ để tái hiện không gian sinh hoạt của người dân phố cổ đầu thế kỷ XX, không ít người dân và cả cán bộ địa phương đã phản ứng gay gắt. Thế nhưng, quy định này đã tạo nên 2 sản phẩm du lịch nổi tiếng toàn cầu của Hội An là "Đêm phố cổ" và "Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ", góp phần thu hút hơn 1 triệu du khách đến với Hội An mỗi năm.

Khi thực hiện "vạch cai đỏ" trên đường phố cũng vậy, tất cả xe cộ phải để trong vạch đã khiến nhiều người thấy phiền toái. Cho đến nay, Công an hay Đội quy tắc không cần phải nhắc nhở, cả TP Đà Nẵng cũng đã làm như thế!

Những "quy định" lạ góp phần giữ gìn phố cổ.

Ngay năm 2000, Hội An quy định việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng trong khu phố cổ phải có giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu di tích, thậm chí không được xây dựng khách sạn trong khu phố cổ, không được sơn vôi tường hay lát gạch men trên nền nhà, chiều cao mỗi ngôi nhà là bao nhiêu v.v... Như vậy, Luật Xây dựng áp dụng vào Hội An là không đủ, trong khi Luật Di sản thì mới ban hành.

Đi trước một bước bao giờ cũng khó khăn. Qua việc thực hiện quyết định tạm dừng cấp giấy phép hoạt động karaoke trong khu phố và yêu cầu tất cả phải dời ra ngoài khu vực từ năm 1997 mới thấy điều đó đúng.

Chuyện này như một "kỳ tích" vì phù hợp với khuyến cáo của UNESCO về việc bảo tồn nguyên trạng khu di sản văn hoá thế giới, hạn chế đến mức thấp nhất tác động trực tiếp đến sự tồn vong của hơn 1.300 di tích kiến trúc cổ từ… tiếng ồn. Thêm nữa, việc "tạm dừng" của Hội An lại đúng với quy định của TW mới đây.

Ông Lê Huyễn - người dân phố cổ - cho biết: "Trong phố cổ có cả chục quy định chưa thấy ở đâu làm. Từ quy chế "Xây dựng và sửa chữa trong khu phố cổ", "Cơ chế trợ giúp trùng tu di tích", chỉ thị "Tăng cường quản lý quy hoạch du lịch văn hoá thị xã Hội An", quyết định "Ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ Hội An"… Quy định nào cũng nghiêm ngặt, cột buộc. Ban đầu ai cùng thấy khó nhưng lâu dần mới nhận ra cái đúng.

Thêm một "chuyện riêng ở phố" hoàn toàn không đúng với Nghị định 84/CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ. Tháng 11/2003, để "Tăng cường quản lý việc sử dụng đất đảm bảo quy hoạch và đúng hướng không gian đô thị", Hội An quy định "nếu chia cắt nhỏ để chuyển nhượng thì thửa đất xin chuyển nhượng có chiều ngang mặt tiền tối thiểu 7m, chiều ngang mặt tiền của phần còn lại trong thửa đất tối thiểu 7m". Chuyện quy hoạch tổng thể phát triển "Thành phố sinh thái - văn hoá - du lịch" nổi lên trong tuần qua tại Hội An đã có nền móng từ… 7 năm trước.

"Chuyện gì phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu thực tế và mang lại lợi ích thiết thực cho dân sinh thì nên làm. Trong quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh, bổ sung" - ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy nói. Thực tế, ở TP Hội An, nhiều "quy định" không đúng hoặc "đi trước" luật nhưng lại đúng với nguyện vọng và đáp ứng quyền lợi của người dân. Và như thế, luật có đất sống!

Quốc Phương
.
.
.