Nhiều nông dân ĐBSCL nguy cơ trắng tay vì cho mượn sổ đỏ

Thứ Ba, 21/07/2009, 15:00
Chỉ vì cần 100 triệu đồng để mua máy nông cụ mà một nông dân đã đem sổ đỏ của mình đưa cho "cò" Bình nhờ vay. Cũng thông qua sự "giúp đỡ" của một chủ cây xăng, hồ sơ vay của anh được vay lên đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận tiền về, chủ cây xăng này chỉ đưa cho “khổ chủ” 100 triệu đồng.
>> Giám đốc doanh nghiệp lừa hàng loạt nông dân

Dư luận mấy ngày qua đặc biệt quan tâm đến vụ hàng ngàn sổ đỏ của nông dân các tỉnh phía Bắc bị một số chủ DNTN thu gom để thực hiện dự án phát trồng rừng(?!). Tại ĐBSCL, Báo CAND cách nay chưa lâu từng lên tiếng trước thực tế nhiều nông dân tại Hậu Giang, Cần Thơ đã cho một chủ DNTN tại Cần Thơ cầm sổ đỏ trong thời hạn 3 năm rồi chủ DN này đã dùng thủ đoạn hợp thức hóa tài sản ấy cho mình để mang vào ngân hàng thế chấp... Đến khi cán bộ ngân hàng xuống lập hồ sơ phát mãi, nông dân mới biết mình đã bị sập bẫy lừa.

Lần này, chuyện xảy ra ở Đồng Tháp. Vì cần tiền để mở rộng sản xuất nhưng do không am hiểu thủ tục vay vốn, nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã rơi vào "bẫy" của “cò” ngân hàng qua việc cho mượn sổ đỏ. Còn tại Tiền Giang, chỉ vì nghe theo lời ngon, ý ngọt, nhiều nông dân cũng đã mang tiền, sổ đỏ đưa cho DN. Khi phát hiện ra khả năng mình có thể sẽ trắng tay do bị lừa, nhiều người dân đã tìm đến cơ quan Công an và báo chí kêu cứu…

Những người bị hại trình bày vụ việc bức xúc của mình.

Kỳ I: Nhiều nông dân sập bẫy... "cò"

"Sau khi đưa sổ đỏ cho ông Bình (nhà cùng xã), ngày 10/4 vừa qua, tôi được ông Huỳnh Vũ Thuận - chủ cây xăng Tây Hồ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình giúp để một ngân hàng có chi nhánh tại Hồng Ngự giải ngân 500 triệu đồng. Lãnh tiền xong, lấy lý do tôi cầm số tiền lớn như vậy rất dễ bị cướp nên vợ chồng ông Thuận yêu cầu đưa tiền cho họ cất. Trên đường trở về nhà, vợ chồng ông Thuận tấp vô một quán nước ven đường đưa cho tôi 60 triệu đồng; đưa cho ông Đậu (làm ruộng chung ấp) 100 triệu đồng (vì ông Đậu hứa sẽ đưa thêm 3 sổ đỏ khác để vay tiếp), còn lại 340 triệu đồng họ ôm về nhà và không đưa cho ông Đoan. Khi ông Đoan đến để hỏi số tiền trên thị vợ ông Thuận nói rằng không có giao dịch gì với ông cả mà chỉ biết qua tôi" - đó là lời trình bày của chị Nguyễn Thị Dễ, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông (Đồng Tháp).

Ông Phạm Công Hải - Phó Phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương tại Hồng Ngự cho biết, Ngân hàng không có giao dịch nào với khách hàng tên Huỳnh Vũ Thuận. Tất cả hồ sơ mà chi nhánh giải ngân liên quan đến tài sản thế chấp của bà con ở xã Tân Công Chí đều hợp lệ. Đó là loại giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp thông qua người thứ ba và chúng tôi đã thẩm định phương án làm ăn hoặc hùn vốn của người vay. Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý rằng, nếu người đứng tên vay vì lý do gì đó mà không có khả năng trả nợ thì người cho mượn tài sản thế chấp phải chịu trách nhiệm trước ngân hàng.

Còn nông dân Phạm Văn Bự (nhà cùng ấp với chị Dễ) kể, chỉ vì cần 100 triệu đồng để mua máy nông cụ mà anh đã đem sổ đỏ của mình đưa cho "cò" Bình nhờ vay. Cũng thông qua sự "giúp đỡ" của ông Thuận, hồ sơ vay của anh được vay lên đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận tiền về, ông Thuận chỉ đưa cho anh Bự 100 triệu đồng.

Cả chị Dễ và anh Bự đều kể rằng, khi giao sổ đỏ cho các "cò", họ đều có biên nhận viết tay của ông Huỳnh Văn Đô - cha ruột của ông Thuận.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Công Chí - Phan Văn Tím cho biết, địa phương chỉ ký xác nhận tài sản đảm bảo hợp lệ cho người dân, còn khoản chênh lệch tiền được ngân hàng giải ngân với khoản nông dân thực lãnh nếu có thì chúng tôi không thể biết.

Thực tế đúng như thế bởi khi ông Nguyễn Văn Đậu (ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười) đến Tân Công Chí làm ruộng có nhu cầu vay 230 triệu, liên hệ với "cò" Bình thì được "cò" này ra giá phải trả tiền "cò" là 5% trên tổng số tiền được vay.

Chờ gần 3 tháng vẫn chưa có tiền nên ông Đậu đòi tìm "cò" Bình đòi "sổ đỏ" lại thì "cò" Bình xuống nước năn nỉ, yêu cầu ông tạm ứng trước 40 triệu. Ông Đậu không chịu thì "cò" Bình nâng lên gấp đôi, rồi 100 triệu. "Cò" Bình hứa sau giải ngân xong sẽ đưa đủ số còn lại...

Trong số những người dân "vướng" vào vụ việc này, chỉ có ông Nguyễn Văn Đoan là người có được giấy thỏa thuận đứng tên DNTN Ngọc Trinh do đích thân ông Huỳnh Vũ Thuận ký tên, đóng dấu thừa nhận số tiền vay thế chấp từ bằng khoán của ông Đoan là 900 triệu đồng và ông Đoan chỉ được nhận 300 triệu đồng.

Không phải chỉ hàng chục hộ dân ở xã Tân Công Chí, cạnh đó là xã Hòa Bình, cùng huyện Tam Nông, cũng có những trường hợp tương tự và tổng số tiền người dân bị chiếm giữ lên đến cả chục tỷ đồng.

Trưởng Công an xã Tân Công Chí - Nguyễn Chí Khởi cho biết, hồ sơ của Cơ quan CSĐT Công an Tam Nông có nêu rõ, biết người dân đang khát vốn, một số đối tượng có quen với ngân hàng đã câu kết nhau để giải ngân với số tiền lớn (hết khung). Sau đó, các đối tượng này viết giấy thỏa thuận mượn lại tiền của người dân... Đây là hợp đồng dân sự, chưa hết thời gian đáo hạn nên chưa thể xác định được đấy là hành vi lừa đảo hay không. Tuy nhiên, nhiều nông dân rơi vào nguy cơ trắng tay vì kiểu làm ăn này là có…

(Còn nữa)
Nhóm PV, CTV ĐBSCL
.
.
.