Nhiều người vẫn tin vào thần dược "tắc kè bay"

Thứ Hai, 24/01/2011, 15:15
Để người mua tin những con tắc kè bé xiu xíu, thân mình chỉ cỡ ngón út người lớn, mình đen, cánh vàng bao kín toàn thân là "thần dược" siêu hạng và để bán được giá, không ít ông bà chủ nổ rần trời.

Trước thực trạng nhiều bệnh nhân ung thư, người bệnh viêm xoang đổ xô lên núi Cấm (còn gọi Thiên Cấm Sơn, ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lùng mua những con tắc kè bay mà họ tin là "thần dược" đem về ngâm rượu, sấy bột tự chữa bệnh, Báo CAND đã có bài cảnh báo. Sau bài viết, nhiều bệnh nhân sực tỉnh khi biết tắc kè bay không phải là "thần dược trị bách bệnh" như họ lầm tưởng. Nhưng mới đây, theo phản ánh của bạn đọc, thực trạng nhiều người bệnh nuôi hy vọng vào tắc kè bay… tái diễn. Không cần phải vượt hàng trăm cây số xa xôi, ngay giữa lòng thành phố, bất kỳ ai có nhu cầu "thần dược bay" cũng được giới con buôn đáp ứng với số lượng không giới hạn.

Khu phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông (phường 10, quận 5, TP HCM) là nơi nhiều người bị viêm xoang kinh niên, người bệnh ung thư giai đoạn cuối hay thân nhân của họ tìm đến tuyển "thần dược bay" với những mong loài bò sát có cánh (lớp màng da có chức năng như đôi cánh giúp tắc kè bay có thể bay xa) này giúp họ thoát khỏi những chứng bệnh hiểm nghèo. "Tắc kè chú em biết rồi đó, nó có tính năng tráng dương, bổ thận, giúp mắt sáng, gân cốt dẻo dai. Tắc kè bình thường đã bổ ác chiến như vậy nói chi tắc kè bay, dược tính ngời ngời".

Nói đến đây, người đàn ông tên Hoàng, ngoài 40 tuổi lúc chúng tôi gặp trước quầy thuốc y học cổ truyền tư nhân Ngọc Hà, mở chiếc bọc nilon màu đen lấy ra một lố tắc kè bay gồm 50 con, vừa tậu với giá 10.000 đồng/con, tấm tắc: "Tui bị viêm xoang kinh niên, mỗi khi trái gió trở trời đau nhức kinh khủng. Xoang nặng đến nỗi làm mủ, tháng nào tôi cũng phải đến Bệnh viện Tai-mũi-họng thành phố hút xoang. May được một số người quen chỉ bài thuốc tắc kè bay nên mua áp dụng".

Cách nơi ông Hoàng tậu "thần dược bay" khoảng 20 bước chân là quầy đông dược của bà chủ tên Thủy. Nơi đây chủ quầy bày trong chiếc tủ kính nào là pín rắn, pín cọp, hải mã, đông trùng hạ thảo… và tất nhiên không thể thiếu tắc kè bay. Lúc này một phụ nữ luống tuổi đang dán chặt mắt vào mấy con vật hỏi giá.

Tại TP HCM, phố thuốc Hải Thượng Lãn Ông sẵn sàng phục vụ nhu cầu tắc kè bay cho khách với số lượng không giới hạn.

Qua trò chuyện, chị ta cho biết có người em gái tên Loan bị ung thư vú ở giai đoạn hóa trị, chưa biết có qua khỏi hay không. Để em gái có thêm sức khỏe lướt qua bạo bệnh và với niềm tin "uống cầu may", chị nọ cho biết đang gom tắc kè bay về pha chế thành bột cho em gái uống. "Tôi biết được tính năng chữa ung thư của tắc kè bay nhân chuyến hành hương lên núi Cấm 3 tháng trước" - chị nọ tâm tình: "Lúc thấy tôi thành kính liên tục quỳ lạy dưới chân tượng Phật lớn, một chị cũng trạc tuổi tôi hỏi thăm. Biết nỗi khổ của tôi, chỉ động viên đừng quá âu sầu vì dược tính của con tắc kè bay ở vùng núi này có tính năng tiêu diệt tế bào ung thư. Ngặt nỗi hồi đó tối trời, người bán về hết nên không thể mua được. Thấy vậy chỉ mách cho tôi địa chỉ một số quầy đông dược ở đây chuyên bán giống ấy".

Lướt qua phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi thấy có gần chục điểm bày và bán tắc kè bay. Để người mua tin những con tắc kè bé xiu xíu, thân mình chỉ cỡ ngón út người lớn, mình đen, cánh vàng bao kín toàn thân là "thần dược" siêu hạng và để bán được giá, không ít ông bà chủ nổ rần trời. Người bảo tắc kè bay là giống sống ở vùng thâm sơn cùng cốc ở núi Cấm nên hấp thu linh khí của đất trời, bởi vậy toàn thân nó là "kho dược tính". Người bảo tắc kè bay chuyên ăn côn trùng, cây trái có vị thuốc nên cơ thể nó có vị thuốc là điều hiển nhiên.

"Dân núi Cấm nhờ sử dụng tắc kè bay thường xuyên nên chẳng ai bị đau bệnh bao giờ. Biết vậy nên chị mới nhập hàng về đặng giúp những người không có điều kiện đi xa vẫn có thể tiếp cận với phương thuốc dân gian bí truyền hiệu nghiệm" - bà Kiều, chủ quầy đông dược V.B, bỏ nhỏ: "Cách thức sử dụng tắc kè bay rất đơn giản. Em lấy viên ngói để trên lửa, chờ cho nó nóng lên rồi thả tắc kè bay vào cho nó rã thành bột. Khi dùng chỉ cần pha nước uống".

Ông Quân, chủ quầy bên cạnh, tuyên bố: "Bột tắc kè bay tính bình, ai hợp thuốc uống vài lần sẽ thấy hiệu quả tức thì. Bằng không thì cũng chẳng lo tác dụng phụ gì cả. Bởi vậy hàng đắt như tôm tươi, nhập về mẻ nào hết mẻ nấy".

Trong bài viết trước, chúng tôi đã từng trao đổi với lương y Ba Lưới và lương y Út Thành vốn là những cư dân bản địa, có nhiều kinh nghiệm trong việc chữa trị bằng các phương thuốc dân gian ở núi Cấm, về "phương thuốc" tắc kè bay. Hoàn toàn không đả động gì đến chức năng chữa bệnh viêm xoang, triệt tế bào ung thư của giống bò sát có cánh này, hai lương y khuyên mọi người đừng quá tin vào những lời quảng cáo vô căn cứ ẻo ôm họa.

Lương y Thái Bình (Hội Đông y TP HCM) cho biết, kinh nghiệm dân gian không thấy ai nói gì về các tính năng chữa bệnh của tắc kè bay. Trong y văn cũng không có tư liệu nào đề cập tính năng chữa bệnh của loài này.

Theo lương y Minh Đạo (Phòng khám Kỳ Bá Linh, quận 5), nếu được phát hiện sớm và chữa trị đúng phác đồ thì bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết của đời người. Các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Ung bướu được xem là những địa chỉ uy tín của bệnh nhân ung thư. Khi nghi bệnh hoặc được chuẩn đoán tình trạng bệnh tật, bệnh nhân tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, tuyệt đối nuôi hy vọng và uống lung tung nào là sừng tê giác, sừng con vinh, nấm linh chi, tắc kè bay… để rồi lẽ ra bệnh có khả năng cứu chữa thành vô phương cứu chữa.

N.Thành Dũng
.
.
.