Nhiều người mắc lừa vì quảng cáo “vòng titan” trên tivi

Thứ Sáu, 13/11/2009, 09:04
Theo lời khai của Dư Thị Minh Hồng, tổng chi phí mà Công ty Special TV Shopping đã chi ra để quảng cáo là hơn 5 tỷ đồng trên nhiều đài TH. Để có số tiền quảng cáo lớn như vậy, công ty này đã lừa được rất nhiều khách hàng. Nhiều khách hàng nhận xét "chất lượng của chiếc vòng quảng cáo trên ti vi được 100, thì cái vòng thực tế chỉ đạt 0.5 thôi, vừa xấu vừa chẳng có tác dụng gì".
>> Hàng nghìn người bị lừa mua vòng Titan rởm

Cho đến ngày 12/11, vụ việc "vòng vàng titan - Phật Quan Âm" với các công dụng thần kỳ chỉ là lừa đảo đã khiến dư luận cả nước hết sức quan tâm. Công ty TNHH Special TV Shopping (STV Shopping) đã sai phạm những gì, việc công bố thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý ra sao vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Tuy nhiên, không chỉ có STV Shopping là công ty duy nhất phân phối sản phẩm này, và mạng lưới phân phối cũng không chỉ ở 13 tỉnh, thành mà chúng tôi đã đưa tin tới độc giả. Sự xuất hiện của những chiếc vòng này trên thị trường có thể từ tận năm 2006. Để làm rõ có bao nhiêu người dân đã bị thiệt hại vì những thông tin sai sự thật trên, chúng tôi đã tiếp tục tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin và cho thấy rất nhiều tình tiết mới hé lộ.

Đã có người dân phát đơn kiện, STV Shopping lui về "ở ẩn"

Theo thông tin được bạn đọc cung cấp, tỉnh Quảng Nam cũng đã xuất hiện hiện tượng này và Đài Truyền hình Quảng Nam cũng có phát mẩu quảng cáo trên, chúng tôi đã liên hệ với Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ để xác minh. Được biết, cho đến ngày 12/11, đã có người dân Quảng Nam gửi đơn kiện Đài Truyền hình Quảng Nam về việc thông tin sai sự thật. Mọi việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Những mẩu quảng cáo trên Internet cho thấy, đến ngày 11/11 vẫn có khá nhiều web bán hàng đều có đăng quảng cáo sản phẩm này với giá thấp hơn hẳn giá "siêu khuyến mãi" trên TV. Trang www.trangsucshaiya.com còn đăng quảng cáo sản phẩm này trên trang nhất với giá bán 850.000 đồng/bộ, có giảm giá 15% vào "giờ vàng" từ 13 - 14h. 14h ngày 11/11, chúng tôi có liên lạc với quản lý cửa hàng trang sức Shaiya (có địa chỉ 262 Khâm Thiên) thì được biết tại đây đã ngừng bán sản phẩm này. Khi chúng tôi hỏi cửa hàng nhập hàng từ đâu thì nhân viên này trả lời: "Mua của người bán rong ngoài đường" (?).

Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 - Chi cục QLTT Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra tại cửa hàng này và phát hiện những “vòng vàng" ở đây có cùng xuất xứ với sản phẩm của STV Shopping. Chủ cửa hàng không đưa ra được giấy tờ hợp pháp đối với hơn 10 sản phẩm "vòng vàng" đang được bày bán. Tổ QLTT đã có kết luận những chiếc vòng trên là vòng nhập lậu vì không có tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cũng cho biết: 10 bộ vòng mà Quản lý thị trường Phú Thọ bắt được cũng là hàng nhập lậu.

Đến thời điểm này, một số trang báo điện tử có đăng bài viết quảng cáo về sản phẩm này đều đã dỡ bài viết xuống. Website của Công ty STV Shopping (www.stvshopping.com.vn) hiện đã ngưng hoạt động. Website của Shaiya và nhiều trang bán hàng trực tuyến khác cũng đều đã dỡ quảng cáo về sản phẩm.

Chiều 12/11, chúng tôi liên tiếp gọi đến tất cả đường dây nóng của công ty (được ghi trên website ngày 10/11) ở Hà Nội và 12 tỉnh khác đều không có người trả lời.

Bao nhiêu người dân đã bị lừa?

Trên nhiều diễn đàn, ngay từ trước khi vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, đã có nhiều người kêu mình là nạn nhân của các chiêu quảng cáo vòng titan - Phật Quan Âm. Chỉ một thời gian ngắn sau khi bỏ tiền triệu ra "tậu" chiếc vòng này, nhiều người đã khám phá ra "chất lượng của chiếc vòng quảng cáo trên ti vi được 100, thì cái vòng thực tế chỉ đạt 0.5 thôi, vừa xấu vừa chẳng có tác dụng gì".

Họ đang lâm vào "không biết để đâu, đeo thì xấu mà vứt đi thì tiếc". Có những người đã mua hàng chục chiếc để đeo và tặng người thân.

Vòng ti tan - Phật Quan Âm “hiếm hơn cả bạch kim” được quảng cáo trên mạng Internet.

Theo lời khai của Dư Thị Minh Hồng với cơ quan điều tra, tổng chi phí quảng cáo mà công ty này đã chi ra là hơn 5 tỷ đồng. Việc công ty này dám bỏ ra một chi phí khổng lồ như vậy cho quảng cáo, chứng tỏ lợi nhuận họ đạt được không phải là nhỏ. Bởi chỉ riêng việc có tiền để trả cho hợp đồng này thôi, thì cũng đã có đến hơn 5.000 khách hàng trở thành nạn nhân. Đấy là chưa kể đến, trụ sở công ty tại địa chỉ B12-TT9 khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) là một tòa nhà lớn, với giá thuê chắc chắn không rẻ.

Dư Thị Minh Hồng có phải là sinh viên?

Việc một cô gái chỉ mới 22 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Ngoại ngữ có thể dựng lên cả một công ty với mạng lưới hoạt động khắp cả nước, chi hàng 5, 6 tỷ đồng cho quảng cáo tại 8 Đài Truyền hình, lừa được hàng chục nghìn người làm dư luận  hồ nghi.

Công ty TNHH Special TV Shopping được thành lập và hoạt động theo Giấy phép kinh doanh số 0104007130, do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 14/7/2009; tức là mới ra đời được chưa đến 4 tháng, mà đã xây dựng được một mạng lưới rất lớn như vậy không phải điều dễ dàng.

Theo thông tin chính thức từ cơ quan điều tra, Dư Thị Minh Hồng - Giám đốc Công ty (22 tuổi, quê ở Mỹ Hào (Hưng Yên), hiện ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) khai đang học năm thứ 3 khoa tiếng Trung, ĐH Ngoại ngữ (?).

Do học cùng khoa có nhiều bạn Trung Quốc, nên cô này được những người bạn trên rủ đi buôn vòng, trang sức, "đồ chơi" từ Trung Quốc về Việt Nam. Nghe bùi tai, cô này đồng ý và được dẫn lên Lạng Sơn gặp một người Trung Quốc nhập mặt hàng này kèm một cái đĩa quảng cáo bằng tiếng Trung.

Ban đầu cô này chỉ bán hàng qua mạng, với  hi vọng "một ngày bán được chục bộ, kiếm mấy chục nghìn tiền lãi". Tuy nhiên, khách hàng đặt mua sản phẩm của cô ngày càng đông. Một số người khuyên cô này nên đăng quảng cáo trên truyền hình, cô bèn tìm đến truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV) đặt vấn đề quảng cáo.

Được tư vấn phải lập công ty mới ký được hợp đồng, nên cô này mới quay về lập Công ty TNHH Special TV Shopping, hiện vẫn chưa có mã số thuế. Sau khi đăng quảng cáo, khách hàng tìm đến mỗi lúc một đông, nên cô này mới tìm đến các đài địa phương khác để ký hợp đồng. Việc quảng cáo trên truyền hình mới bắt đầu từ tháng 9/2009.

Khi đến ký hợp đồng quảng cáo với các đài, công ty này chỉ đưa ra Báo cáo kiểm tra đo lường do một cơ quan kiểm định chất lượng của Thụy Sỹ, văn phòng đại diện tại Đài Loan cấp ngày 26/6/2007.

Tờ báo cáo này đã được doanh nghiệp thuê dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt và được công chứng (đối với kênh Style TV là được công chứng tại Phòng Tư pháp huyện Thanh Oai ngày 17/6/2009).

Tờ báo cáo ghi thành phần chất có trong chiếc vòng là 999% - titan và Giermanium, có tác dụng lưu thông máu, chống mệt mỏi, chống bức xạ... Qua đối chiếu ban đầu có thể thấy các giấy tờ trên chưa phù hợp với qui định.

Một thông tin quan trọng hơn đã được hé lộ. Chiều 12/11, PV Báo Công an nhân dân đã liên hệ với thầy Nguyễn Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) nhằm làm rõ hơn thông tin về Hồng. Qua xác minh toàn bộ sinh viên, thầy Hòa cho biết trường không có sinh viên nào là Dư Thị Minh Hồng, 22 tuổi, học khoa tiếng Trung.

Chúng tôi cũng đã liên hệ Trường ĐH Hà Nội (trước đây có tên là ĐH Ngoại ngữ) để xác minh, thầy Hiệu phó Lê Ngọc Tường cho biết sẽ có câu trả lời vào ngày 13/11.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả những tình tiết tiếp theo

Vũ Hân
.
.
.