Nhiều người lao động đã tránh được "bẫy" tuyển dụng việc làm

Chủ Nhật, 16/08/2009, 14:53

Sau khi Báo CAND có bài viết về "Thêm nhiều bẫy tuyển dụng việc làm", Báo CAND đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía bạn đọc về các trung tâm tuyển dụng việc làm có dấu hiệu lừa đảo trên khắp địa bàn Hà Nội. Có trung tâm đã yêu cầu người lao động phải đặt cọc số tiền lên đến 20 triệu đồng để có việc làm. Từ những thông tin đăng tải trên Báo CAND, không ít người lao động đã tránh được "bẫy" tuyển dụng việc làm hấp dẫn.
>>Thêm nhiều bẫy tuyển dụng việc làm

Liên quan đến việc tuyển dụng việc làm của Công ty TNHH Kỳ Anh tại 276 đường Giải Phóng, anh Phạm Văn T., ở Hà Nội đã điện thoại đến đường dây nóng của Báo CAND bức xúc cho biết: "Trên Báo Mua và Bán vẫn tiếp tục đăng thông tin tuyển nhân viên bán vé máy bay của Công ty TNHH Kỳ Anh. Tôi đang định đến đó để xin việc và nộp tiền hồ sơ, tiền đặt cọc. Nhưng rất may lại đọc được bài báo đăng trên CAND nên đã từ bỏ ý định trên, suýt lại mắc lừa".

Theo anh T thì tình trạng lừa xin việc làm diễn ra phổ biến ở một số công ty trên địa bàn Hà Nội. Là người đang có nhu cầu tìm việc, chỉ trong tháng 7/2009, anh T. đã bị 2 công ty môi giới việc làm lừa mất tiền triệu. Công ty thứ nhất ở trên đường Láng quảng cáo tuyển nhân viên giao hàng theo xe ôtô. Sau khi thu của anh T 50 nghìn đồng tiền phí môi giới, công ty này yêu cầu anh đặt cọc 1/3 tháng lương đầu tiên thì mới được nhận vào làm việc.

Theo quảng cáo của công ty, lương hợp đồng của nhân viên giao hàng theo xe ôtô là hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng anh T. không mang đủ tiền, nên chỉ nộp 900 nghìn đồng. Tưởng thế là được đi làm, có ngờ đâu hôm sau đến anh được giao cho một người lạ hoắc và người này yêu cầu anh phải đặt cọc từ 15 đến 20 triệu đồng thì mới được đi làm.

Một người đang thất nghiệp như anh T. không thể đào đâu ra 20 triệu, thấy rõ sự phi lí này anh T. không làm việc nữa, xin lại hồ sơ và tiền đặt cọc nhưng công ty chỉ trả 50 nghìn phí môi giới. Bức xúc, anh T. làm ầm ĩ thì công ty này mới xuống nước trả, nhưng anh T. cũng chỉ được nhận lại 300 nghìn đồng, còn 600 nghìn thì mất trắng.

Tiếp tục tìm kiếm công việc với hy vọng sẽ có thu nhập, theo địa chỉ ghi trên Báo Mua và Bán, anh lại đến công ty giới thiệu việc làm trên đường Nguyễn Khang để xin việc. Anh đã nộp vào công ty này 70 nghìn đồng tiền phí môi giới, 400 nghìn đồng tiền đặt cọc tháng lương đầu tiên.

Nhưng sau nhiều lần đi lại ở công ty này, việc đâu chẳng thấy mà tiền đặt cọc cũng không đòi được. Sau nhiều lần đôi co, công ty này cũng đòi trừ của anh 30%. Anh T không chịu và cho biết sẽ báo vụ việc lên Công an phường thì công ty này mới chịu trả cho anh hết số tiền anh đã đặt cọc.

"Ngày hôm sau đi nhận việc tại trung tâm bán vé máy bay trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, may mắn em đọc Báo CAND nên em mới đòi được lại tiền", đó là tâm sự của Nguyễn Văn H., sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Trung tâm mà H. được giới thiệu việc làm là một trung tâm trên đường Phố Vọng.

Cũng chỉ là một căn phòng lụp xụp với hai nhân viên tuyển dụng. H. được yêu cầu nộp số tiền 250.000 đồng là phí tuyển dụng và nhận giấy giới thiệu đi làm nhân viên bán vé máy bay tại trung tâm trên đường Nguyễn Trãi. Đến đây, H. mới té ngửa vì trung tâm bán vé máy bay này lại chung phòng với một cửa hàng điện thoại di động.

Để được bán vé máy bay, H. được yêu cầu nộp thêm 100.000 đồng là tiền tài liệu đào tạo đồng thời nhận tập tài liệu về giá vé máy bay. Nhân viên ở đây yêu cầu H về nhà học thuộc, một tuần sau quay lại để thi dưới hình thức phỏng vấn. Thi phỏng vấn có 6 câu hỏi, nếu trả lời đúng được 4 câu hỏi, H. sẽ được nhận vào làm việc.

Tuy nhiên, nhìn vào đống tài liệu toàn là chữ số dày như một tập giáo trình đại học, H từ chối làm việc và yêu cầu trung tâm hoàn trả lại tiền nếu không sẽ báo ra Công an phường. Qua một hồi to tiếng, trung tâm này đã phải nhanh chóng điện thoại về trung tâm tại Phố Vọng yêu cầu hoàn tiền.

"Như vậy, hai trung tâm tuyển dụng việc làm này đã liên kết với nhau. Nếu không đọc Báo CAND, em đã nhanh chóng cầm tập tài liệu về học thuộc để chờ thi phỏng vấn mà không hề nghĩ rằng, mình sẽ nhanh chóng bị đánh trượt, mất oan tiền cho các trung tâm tuyển dụng", H. cho biết.

Cũng điện thoại đến đường dây nóng Báo CAND, Đào Minh C., sinh viên Trường Đại học Dân lập Phương Đông cho biết: Hàng ngày, ngay ở cổng trường, chúng em nhận được rất nhiều tờ rơi mời đi làm với lương rất cao từ 800.000 đồng đến vài triệu đồng một tháng. Công việc chỉ đơn giản là bán vé bể bơi, nhặt bóng tennis, bán vé xem phim, bán vé máy bay…

Nhiều người còn vào tận lớp để phát tờ rơi tuyển việc làm cho chúng em. Trên cột điện, biển báo cho đến các khu vui chơi công cộng đều dán rất nhiều những tờ rơi, quảng cáo về tuyển dụng việc làm.

Tuy nhiên, sau khi đọc Báo CAND có bài viết về "bẫy" tuyển dụng việc làm, em đã bỏ hẳn ý định đi làm thêm tại các trung tâm giới thiệu việc làm như thế này. Rất mong Báo CAND tiếp tục đăng tải những bài viết về các chiêu lừa tuyển dụng để sinh viên chúng em có thể tránh được "bẫy".

Lừa tuyển việc làm là câu chuyện cơm bữa xảy ra trên thị trường tìm kiếm việc làm của hàng vạn lao động ở Hà Nội lâu nay. Nhưng cơ quan quản lý hoạt động của những công ty, trung tâm này thì dường như lại bất lực. Dù đã cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nạn nhân mắc bẫy vẫn tiếp tục gia tăng; nhiều công ty tuyển dụng vẫn tiếp tục lừa được người lao động.

Mong rằng bài học trên sẽ giúp tất cả những ai đang có nhu cầu tìm việc sự cảnh giác và tỉnh táo. Thiết nghĩ, cơ quan cấp phép kinh doanh cho các công ty có chức năng giới thiệu việc làm thì phải đi đôi với công tác hậu kiểm, đừng thả nổi như hiện nay khiến người lao động đi vào bước bần cùng, hao tốn tiền bạc và thời gian

Nhóm PVPL
.
.
.