Chạy đua với xét tuyển nguyện vọng 2:

Nhiều ngành bằng điểm sàn là trúng tuyển

Thứ Tư, 28/08/2013, 07:09
Tính đến ngày 27/8, cuộc đua nước rút vào nguyện vọng (NV) 2 đã được 1 tuần. Không giống như những năm trước, hồ sơ thường tăng vọt vào những ngày cuối, năm nay, ngay từ tuần đầu, lượng hồ sơ ở nhiều trường đã tăng mạnh. Một trong những nguyên nhân là do nguồn tuyển sau NV1 rất dồi dào với hơn 238.000 thí sinh có điểm trên sàn. Nguồn tuyển nhiều có nghĩa là tỉ lệ chọi sẽ cao hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tuyển sinh cho biết, thì thí sinh có điểm trên sàn chắc chắn sẽ tìm được cơ hội ở các nguyện vọng tiếp theo vì nhiều trường, nhiều ngành điểm nhận hồ sơ cũng sẽ là điểm chuẩn hoặc điểm chuẩn chỉ ngang bằng điểm sàn.

Hồ sơ tăng từng ngày

Ngày 27/8, trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho biết, một tuần khởi động NV2, trường đã nhận được hơn 4.000 hồ sơ xin xét tuyển NV2, trong đó phía Bắc hơn 3.000 hồ sơ, phía Nam hơn 1.000 hồ sơ. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 dao động từ 18 – 20 điểm. Trong khi đó, chỉ tiêu phía Bắc là 1.050 và phía Nam là 660. Như vậy, nếu hết đợt nhận hồ sơ xét tuyển, số hồ sơ chắc chắn sẽ cao hơn nhiều và tỉ lệ chọi cũng không kém đầu vào NV1.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, một trường ĐH đa ngành với mức điểm khá dễ chịu cũng là điểm “đầu quân” của thí sinh. Hiện nhà trường đã nhận được vài nghìn hồ sơ, dự kiến đến hết đợt xét tuyển sẽ có khoảng 10.000 hồ sơ tham gia xét tuyển NV2 ở hệ CĐ (trường không tuyển NV2 cho hệ ĐH). Nhưng chỉ tiêu NV2 cho CĐ lại rất lớn – 4.700 chỉ tiêu nên cánh cửa rộng mở đối với thí sinh.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Hiếu Nguyễn.

Ông Phạm Thành Công, Phó trưởng Phòng Đào tạo của ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay: Ngành lấy điểm cao nhất là cơ khí và tự động hóa, nhóm ngành có điểm thấp hơn là kế toán, điện – điện tử. Mức điểm cao nhất chỉ 12 điểm, còn lại dao động ở mức 10 – 10,5 điểm, trong đó có ngành như CĐ hóa, nếu thí sinh đạt 10 điểm (bằng mức điểm sàn) là đỗ ngay; CĐ tin, CĐ may, CĐ thiết kế thời trang cũng ở mức điểm sàn là nắm chắc cơ hội trúng tuyển.

Tương tự, ở nhiều trường khác, lượng hồ sơ tăng lên hằng ngày. ĐH Xây dựng Hà Nội, chỉ tiêu xét tuyển năm nay là 760, mức điểm xét tuyển từ 17 – 22, hiện trường đã nhận được hơn 1.400 hồ sơ xét tuyển, trong đó nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển điểm rất cao (có 74 hồ sơ đạt trên 22 điểm, 54 hồ sơ đạt trên 21 điểm), ngày 10-9, trường sẽ kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển. Trường ĐH Điện lực, chỉ tiêu xét tuyển chỉ có 200, nhưng tính đến ngày 27/8, đã có xấp xỉ 1.000 bộ hồ sơ. Trường ĐH Thủy lợi, khu vực phía Bắc, số chỉ tiêu là 170 nhưng đã nhận được hơn 1.100 bộ hồ sơ. ĐH Lao động - Xã hội, điểm nhận hồ sơ từ 14 – 15 điểm (chỉ có ngành Công tác xã hội là 15 điểm), hiện cũng đã nhận được hơn 2.000 hồ sơ. Học viện Ngân hàng, chỉ tiêu xét tuyển NV2 khối D1 là 30 chỉ tiêu, tính vào thời điểm này, số lượng hồ sơ nộp xét tuyển xấp xỉ 300 bộ. ĐH Sài Gòn, nhận được 3.581 hồ sơ. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển vọng 2 của hệ đại học và cao đẳng của trường là 1.235 chỉ tiêu.

Chọn nguyện vọng phải tính toán kỹ

Nhiều chuyên gia tuyển sinh khi trao đổi với chúng tôi đều khẳng định, việc nộp hồ sơ NV2 như thế nào cũng là cả một nghệ thuật và hiện nay, nhiều thí sinh còn đang do dự, nghe ngóng vì cũng chưa biết phương án nào là tối ưu.

Thí sinh phải rất cân nhắc khi đặt bút chọn trường, chọn ngành NV2.

PGS.TS Lê Hữu Lập phân tích, mỗi thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi, các em có thể rải ra cả ba đợt xét tuyển NV bổ sung, nhưng cũng có thể đầu quân ngay cả ba giấy chứng nhận vào một đợt. Nếu tính toán không kỹ như: đầu tư cả ba trường tương đương nhau về điểm chuẩn, chỉ tiêu thì rất có thể sẽ trượt cả ba. Nếu đầu tư vào 3 trường mà thí sinh không tâm đắc (thường những trường này điểm thấp và ngành nghề không hấp dẫn với năng lực, sở trường và điều kiện của thí sinh), thì nếu đỗ cả ba, sẽ lúng túng trong khâu chọn trường học.

Vậy phương án an toàn, theo PGS.TS Lê Hữu Lập là sẽ chọn ba trường, mà trường đầu tiên là trường thí sinh tâm đắc nhất, điểm thi so với điểm chuẩn cách 1, 2 điểm là an toàn còn hai giấy còn lại đầu tư vào trường có điểm chuẩn trung bình để nắm chắc vé đỗ nếu trường đầu trượt.

Còn theo ông Phạm Thành Công tư vấn, chia sẻ thì thí sinh phải tính đến yếu tố “thực dụng” khi nộp hồ sơ, chọn được ngành nào mà cơ hội đỗ cao nhất, phù hợp với điều kiện tài chính thì ưu tiên số 1. Nhưng như ĐH Công nghiệp Hà Nội thì số hồ sơ nộp vào còn phụ thuộc rất nhiều vào số ảo, thông thường chỉ có khoảng 60% thí sinh đến nhập học. Do đó, thí sinh nhìn vào số lượng hồ sơ cũng không nên quá lo lắng. ĐH Mỏ địa chất cũng dự báo được tỉ lệ ảo nên chỉ tiêu NV2 đưa ra là đã tính đến cả khả năng “ảo”. Năm nay trường có gần 1.000 chỉ tiêu NV2, mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm NV1.

Quan điểm của PGS.TS Lê Trọng Thắng muốn chia sẻ với thí sinh là các em phải căn cứ vào điểm thi của mình, chỉ tiêu, điểm NV2 các năm trước. Nếu điểm không cao thì không nên chọn trường theo ý thích, hãy chọn những trường có điểm xét tuyển thấp hơn điểm thi 1 – 2 điểm thì cơ hội đỗ sẽ lớn hơn…

Trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, mà nếu lấy hết sẽ vượt chỉ tiêu, vậy các trường sẽ giải quyết như thế nào? Có yếu tố “chạy chọt” ở đây không? Lãnh đạo một số trường đều chung quan điểm rằng, do tỉ lệ ảo sẽ khá cao nên rất khó xảy ra chuyện tuyển vượt chỉ tiêu ở NV2. Điểm thi của thí sinh được công khai trên mạng, điểm chuẩn cũng công khai, thí sinh hoàn toàn có thể kiểm soát được điểm số của nhau nên không có chuyện tiêu cực, chạy chọt…

Thu Phương
.
.
.