Nhiều lo ngại từ hồ Dầu Tiếng

Thứ Tư, 19/10/2011, 14:51
Trước tình trạng hồ Dầu Tiếng đang có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ cũng như bị đe dọa bởi tình trạng bị ô nhiễm, vừa qua, tại TP HCM đã diễn ra hội thảo liên quan đến các vấn đề này.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Ân Niên - Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi TP Hồ Chí Minh thì "nguồn nước ở hồ Dầu Tiếng hiện đang bị phá hoại nghiêm trọng". Trên thực tế, đã có thời điểm lòng hồ chứa đến hơn 1.200 lồng bè nuôi cá của các hộ dân khiến môi trường nước ở đây bị ô nhiễm.

Nghiêm trọng hơn, hiện lòng hồ Dầu Tiếng còn "tiếp nhận" các loại chất thải ở khu vực xung quanh. Như ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) riêng khu chăn nuôi heo trong trang trại ông T.V.S có đến hơn 1.500 con. Toàn bộ nước thải từ việc tắm rửa, vệ sinh chuồng trại mỗi ngày đều chảy thẳng ra hồ. Gần đó là cơ sở chế biến mủ cao su của trang trại N.H cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Mặc dù chính quyền địa phương đã ngăn chặn, nhưng các hộ dân vẫn nuôi và đánh bắt cá ở hồ Dầu Tiếng.

Theo đánh giá của Hội Khoa học thủy lợi TP Hồ Chí Minh, nguồn nước hồ Dầu Tiếng bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Theo bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý môi trường của 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh với Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa để sớm giải quyết dứt điểm việc nuôi cá bè trái phép trên lòng hồ.

Chỉ tiêu xả lũ thiết kế hồ Dầu Tiếng được Chính phủ phê duyệt là 2.800m3/s xuống sông Sài Gòn, trong khi thực tế hiện nay chỉ cần xả với lưu lượng 300m3/s thì đã gây ngập úng cho TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Trường Xuân, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác thủy lợi TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giải quyết việc này cần phải có giải pháp lâu dài chứ không thể làm được trong ngày một, ngày hai

PV-T.N.
.
.
.