Nhiêu khê, rắc rối trong quá trình giải quyết các loại thủ tục hành chính tại TP HCM

Thứ Ba, 11/08/2009, 15:47
Chị Thùy L., kế toán Cty T ở Hóc Môn phàn nàn: "Chỉ với việc tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để tiến hành khai trình lao động, đăng ký thang bảng lương cho người lao động trong công ty, tôi đã phải đi lại tới 3 lần, mỗi lần hẹn trả hồ sơ mất 1 tuần mới xong. Còn công đoạn đến BHXH huyện nữa, không biết một tháng nữa có làm xong chế độ cho cán bộ, nhân viên hay không…".

>> Đại diện cơ quan hành chính và người dân nói gì?

Hơn 1 tuần sau khi Báo CAND có bài viết phản ánh về tình trạng nhiêu khê, khó khăn trong quá trình đại diện doanh nghiệp tiến hành làm thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động tại quận Gò Vấp, chị D. cho biết, hồ sơ của doanh nghiệp hiện đã được Bảo hiểm xã hội quận chấp nhận.

Tuy nhiên, sau khi hồ sơ được chấp nhận, doanh nghiệp còn phải chờ thêm 2 tuần nữa mới được nhận sổ bảo hiểm và chị D. vẫn băn khoăn: Không biết hồ sơ của công ty tôi có còn bị yêu cầu bổ sung, sửa chữa thêm gì nữa không?

Tương tự, chị Thùy L., kế toán Công ty T ở Hóc Môn cũng phàn nàn: "Chỉ với việc tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để tiến hành khai trình lao động, đăng ký thang bảng lương cho người lao động trong công ty, tôi đã phải đi lại tới 3 lần, mỗi lần hẹn trả hồ sơ mất 1 tuần mới xong. Còn công đoạn đến Bảo hiểm xã hội huyện nữa, không biết một tháng nữa có làm xong chế độ cho cán bộ, nhân viên hay không…".

Như vậy, trong lúc hàng chục doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với việc phải ra "hầu" tòa do nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động; nhiều người lao động tiếp tục phải chịu thiệt thòi về chế độ chính sách được hưởng…

Đề cập tới lĩnh vực công chứng, anh B., một người dân ở phường 8, quận Gò Vấp nhận xét: "Từ ngày có sự cạnh tranh của các phòng công chứng tư, dịch vụ công chứng đã dễ dàng hơn, song cũng vẫn còn phát sinh không ít rắc rối".

Trường hợp chính anh B. gặp phải mới đây là một ví dụ: Mặc dù đã xuất trình giấy chứng nhận độc thân để được đứng tên sở hữu tài sản một mình, nhưng do UBND phường nơi anh đang cư ngụ chỉ chứng nhận tình trạng độc thân cho khoảng thời gian từ ngày anh B. nhập hộ khẩu về.

Còn thời gian trước đó, công chứng viên yêu cầu anh B. phải bổ sung thêm giấy xác nhận ở địa phương cũ ở tận ngoài Bắc. Để có được xác nhận này, ít nhất việc công chứng vào hợp đồng mua bán cũng phải dừng lại nửa tháng, vì vậy giải pháp anh B. chọn là nhờ "cò".

Sau khi đã… chi tiền cà phê, anh B. được "cò" tư vấn cách giải quyết khá nhanh bằng một thủ tục cũng hết sức đơn giản: Tự làm cam kết độc thân cho khoảng thời gian trước đó, ký tên trước mặt công chứng viên để bổ túc vào hồ sơ công chứng.    

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những loại thủ tục hành chính nhiêu khê, rắc rối trên địa bàn thành phố không chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, giao dịch dân sự… mà ngay cả lĩnh vực giáo dục, thủ tục hành chính cũng khá phức tạp, hậu quả từ sự sai sót của những người có trách nhiệm đều dồn về phía người dân.

Trình bày lại với chúng tôi, ông Đoàn Văn C., ngụ tại quận Thủ Đức cũng bức xúc không kém: Con ông C. vừa tốt nghiệp THCS tại một trường công lập trên địa bàn quận. Danh sách do Trường THCS Trương Văn Ngư lập được Sở GD&ĐT duyệt, trên đó ghi con ông được 29 điểm, đủ điểm xét tuyển vào Trường THPT Nguyễn Hữu Huân.

Khi hồ sơ xét tuyển được chuyển lên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cán bộ tuyển sinh của trường này xét lại mới phát hiện cháu chỉ được 27,5 điểm. Thắc mắc, ông C. lên Sở GD&ĐT thành phố và được chỉ đến gặp Phòng Khảo thí. Tới Phòng Khảo thi, ông C. được trả lời thầy phụ trách vấn đề này… đi học tới cuối tuần mới có thể gặp.

Nóng ruột trước việc học của con, ông C. chạy từ Thủ Đức lên Sở GD&ĐT lần thứ 2, được một cán bộ tiếp và giải thích rằng: "Đây là năm đầu tiên quận Thủ Đức tiến hành phân tuyến cho học sinh nên việc giải quyết thuộc trách nhiệm của Phòng GD&ĐT quận…", tiếp tục quay về Phòng GD&ĐT quận Thủ Đức, ông C. lại được hướng dẫn quay lại Trường THCS Trương Văn Ngư để thắc mắc.

Sau nhiều lần tới lui mới gặp được Ban Giám hiệu nhà trường, nhận được giải thích rằng "Lúc nhập số liệu vào máy tính, cán bộ của trường đã nhầm!". Như vậy, chỉ để nhận được một câu thừa nhận sai sót… bằng miệng, ông C. phải chạy đôn chạy đáo nhiều ngày.

Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó, do cứ đinh ninh con mình đủ điểm vào Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, nên đến thời điểm này ông C. vẫn chưa biết sẽ xin cho con vào trường nào bởi các trường THPT công lập khác trên địa bàn quận Thủ Đức thì con ông đủ điểm nhưng trái tuyến; xin cho con vào học trường tư thục thì học phí là một gánh nặng với gia đình ông!

Tại sao ngành GD&ĐT thành phố không cho phép các trường THPT công lập ở Thủ Đức được lần lượt xét tuyển học sinh có điểm số từ cao xuống thấp; những học sinh nào điểm quá thấp mới phải ra học trường dân lập hoặc học bổ túc để tránh tình trạng học sinh nhà sát cạnh trường phải đi học xa hơn ở trường khác - ông C. chia sẻ kinh nghiệm sau những ngày chạy ngược chạy xuôi lo việc học cho con

Đức Thắng
.
.
.