Nhiều hồ di tích giữa kinh thành Huế đang bị “bức tử”
Hồ Tịnh Tâm ở phường Thuận Thành, TP Huế, có diện tích khoảng 11 héc-ta, được xây dựng từ năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng. Giữa hồ có 3 hòn đảo nhỏ, gồm: Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu và được trồng sen trắng để làm nơi ngự uyển cho vua chúa cùng quan lại của triều đình nhà Nguyễn. Với cảnh quan “độc nhất vô nhị” nên hồ Tịnh Tâm được xem là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần kinh và được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2005. Trải qua một thời gian dài cùng với sự xuất hiện dày đặc của các khu dân cư mọc san sát dọc các tuyến đường Tạ Quang Bửu, Lê Văn Hưu, Đinh Tiên Hoàng (TP Huế) đã khiến hồ Tịnh Tâm trở thành hồ... chứa nước thải.
Ông Lê Văn Cảnh (75 tuổi, trú phường Thuận Thành), có nhà bên hồ Tịnh Tâm, cho biết, trước đây, hồ Tịnh Tâm là điểm đến của nhiều du khách và sinh viên, học sinh. Nhưng nay do hồ bị ô nhiễm nên vắng khách; sen trong hồ cũng dần tàn lụi và chết hết, nay chỉ còn… rau muống! Nằm cách hồ Tịnh Tâm không xa là khu hồ Học Hải (phường Thuận Lộc, TP Huế) rộng trên 34.000m2 có Lầu Tàng Thư nằm ngay chính giữa hồ được xây dựng vào năm 1825, để làm nơi lưu trữ hàng ngàn tập sổ địa bạ và các tài liệu gốc của triều đình nhà Nguyễn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hồ này cũng đang trong tình trạng “kêu cứu” do ô nhiễm quá nặng. Mặt khác, nhiều hộ dân ở phường Thuận Lộc hiện sống trong khu vực 1, thuộc khu khoanh vùng bảo vệ di tích hồ Học Hải, còn đổ đất đá lấn chiếm bờ hồ xây dựng nhà cửa và các công trình phụ trái phép.
Một số hộ dân ở phường Thuận Lộc (TP Huế) lấn chiếm bờ hồ Học Hải để xây dựng trái phép công trình phụ. |
Nhìn dòng nước đen kịt bao vây khu di tích Lầu Tàng Thư với rau muống nổi bập bềnh giữa hồ, ông Võ Quảng (66 tuổi, trú khu vực 4, phường Thuận Lộc) lắc đầu ngán ngẩm: “Hơn 7 năm trước, gia đình tui có đăng ký với Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế để xin được trồng sen trên hồ Học Hải nhưng chỉ được một thời gian thì sen chết hết, nay chỉ trồng được rau muống. Giờ nhìn ra mặt hồ thì có lẽ ai cũng thấy được mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của khu vực này là như thế nào!”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc thừa nhận, tình trạng ô nhiễm ở khu hồ Học Hải ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của khu dân cư trên địa bàn phường. Hiện phường có 32 hộ dân sống bao quanh khu hồ Học Hải. Do chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ nên hầu hết nước thải sinh hoạt của các hộ dân đều thải xuống hồ để chảy ra sông Ngự Hà. Bên cạnh đó, một số hộ dân đã đổ đất, đá lấn chiếm bờ hồ để cơi nới xây dựng nhà cửa. Những trường hợp trên, UBND phường đã cho các hộ cam kết không tái phạm...
Theo Trung tâm BTDT Cố đô Huế, ngoài hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải thì còn 33 hồ nằm trong khu vực kinh thành Huế xảy ra tình trạng ô nhiễm và bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà cửa. Trong đó, phải kể đến các hồ như: Hồ Nhơn Hậu, Tiên Y (phường Thuận Lộc); hồ Mộc Đức, hồ Đoài (phường Tây Lộc). Ngoài ra, có một số hồ di tích đã bị xóa sổ do công tác san lấp mặt bằng để xây dựng khu dân cư... Trước thực trạng ô nhiễm và lấn chiếm các hồ di tích của người dân, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành chức năng xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể, xử phạt hành chính hộ ông Nguyễn Phê (trú tổ 9, KV4, phường Thuận Lộc) 12 triệu đồng về hành vi đổ vật liệu và lấn chiếm lòng hồ Học Hải để xây dựng trái phép; xử phạt 20 triệu đồng đối với Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Wedding Palace do lấn chiếm hồ Tân Miếu (phường Thuận Hòa) để làm bãi đỗ xe...
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, cho hay, để bảo vệ và hạn chế sự ô nhiễm ở các hồ di tích, trung tâm đã thực hiện nhiều chính sách về tôn tạo bờ hồ, nạo vét bùn. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ phối hợp với UBND TP Huế tiến hành giải tỏa các hộ dân lấn chiếm ra khỏi các hồ di tích để trả lại cảnh quan cho các hồ…