Tăng cường xử lý xe quá tải qua các tỉnh Tây Nguyên:

Nhiều hệ lụy phát sinh

Thứ Sáu, 04/04/2014, 14:00
Hàng ngày, trên các cung đường Tây Nguyên phải gồng mình chịu sự quá tải của những “hung thần” xa lộ. Ai cũng thấy xe quá tải ngang dọc, nhưng để xử lý triệt để vấn đề “nóng” này không thật đơn giản…

Một giờ với lực lượng liên ngành xử lý xe quá tải tại khu vực Sao Mai, xã Hòa Bình, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho thấy, từ khi đặt trạm cân lưu động kiểm tra, xử lý xe quá tải lưu thông trên quốc lộ 14 qua Tây Nguyên nảy sinh khá nhiều vấn đề. Khi phát hiện có trạm cân, nhiều tài xế xe tải biết rõ xe mình vi phạm nên tìm cách né tránh, mua chuộc không được quay lại đùn tại chỗ không đi. Tài xế K. cho biết: đã qua nhiều nơi rồi, không đâu làm “căng” như ở đây, kiểu này không có tiền nộp phạt, hạ tải và lỗ nặng…

Trong số hàng chục xe quá tải tròng trành, xe container BKS: 51C-240.07 của tài xế Trần Văn Hùng điều khiển đã phải qua trạm cân với trọng tải 73 tấn, vượt trọng tải cho phép trên 50%. Tài xế Hùng cho biết, xe chở hàng từ cảng Cát Lái, TP.HCM nhưng đến Kon Tum đã phải “dính” trạm cân...

Từ đầu năm 2014, các phương tiện chở quá khổ, quá tải đi qua địa bàn Kon Tum đã bị xử lý nghiêm nên nhiều tài xế tìm cách né tránh. Tỉnh Kon Tum hiện có hai cân cơ động bố trí cho hai tổ lập chốt kiểm tra tại đầu TP Kon Tum và tổ phía Bắc Thanh tra giao thông phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông, đặt chốt cố định để xử lý xe quá tải. Dự kiến sẽ đặt bổ sung một trạm cân cơ động thứ ba tại khu vực cửa khẩu Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum), nơi đầu mối hàng hóa gỗ và nông sản… từ Lào về Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ qua Tây Nguyên.

Đại tá Từ Lam- Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum cho rằng, việc xử lý xe quá khổ, quá tải là một quá trình lâu dài và hiện còn nhiều vướng mắc như chưa có bến bãi hạ tải, nhà xe tìm cách trốn tránh qua cân. Đêm 25-3 có 7 xe gỗ đi qua TP Kon Tum nhưng không đưa vào cân tải trọng, 5 xe chở gỗ khác khi đến gần trạm cân do Thanh tra giao thông Kon tum chủ trì, đã đi tránh vào tỉnh lộ 675…

Tại Gia Lai, nhiều xe chở mía, mì và các mặt hàng nông sản khác cũng tìm cách trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Vụ xe tải BKS 81C- 04585 chở mía bất ngờ nổ lốp lao thẳng vào những người đang dừng đèn đỏ ở phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, Gia Lai vào ngày 30/3 vừa qua đã lộ ra trọng tải cho phép chở là 10,5 tấn nhưng xe chở quá tải 300% và quá hạn kiểm định đã lâu...

Trong khi đó, lực lượng liên ngành tại các tổ kiểm tra xử lý xe quá tải trên tuyến địa bàn trọng điểm ở Gia Lai đã được chỉ đạo triển khai một cách bài bản nhưng vẫn không thể giám sát được hết xe quá tải. Chỉ tính trong 2 tháng triển khai thực hiện đã xử lý gần 500 trường hợp vi phạm quá tải, xử phạt gần 470 triệu đồng, buộc hạ tải hơn 1.100 tấn hàng hóa, tạm giữ 441 giấy tờ, tước 353 giấy phép lái xe có thời hạn. Ngoài ra, nhờ tăng cường xử lý các điểm đầu mối vận chuyển hàng hóa ở khu vực cửa khẩu, các bến bãi nên lực lượng chức năng kịp thời buộc hạ tải gần 2.000 tấn hàng hóa ngay tại các điểm bến bãi…

Riêng trong tháng 3, Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Công an huyện Đức Cơ phát hiện và lập biên bản 97 trường hợp vi phạm chở hàng quá trọng tải thiết kế. Nhắc nhở 20 trường hợp, yêu cầu 32 xe hạ tải 640 tấn hàng và 171 xe ô tô hạ tải 900 tấn mì khô, xử phạt 71 trường hợp với số tiền 33.400.000đ, tước 15 giấy phép lái xe. Các tổ công tác liên ngành xử lý xe quá khổ, quá tải trên tuyến quốc lộ 25, 14, 19 đã phát hiện và lập biên bản 259 trường hợp, tạm giữ 249 giấy tờ các loại. Tước 229 GPLX có thời hạn, hạ tải 556 tấn hàng hóa…

Đại tá Phạm Văn Uấn- Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai có 3 tuyến quốc lộ 14, 19 và 25 đi qua đều đã xuống cấp. Đặc biệt, quốc lộ 14 đang thi công nên việc đặt các trạm cân lưu động để cân xe quá tải trọng gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai, các hàng hóa nông sản, như mía, mì, người dân thu hoạch theo mùa vụ, xe chở hàng từ ruộng, rẫy đến nhà máy rất nhiều địa điểm, cả đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên thôn, liên xã, dẫn đến việc đặt các trạm cân để xử lý triệt để cũng gặp không ít khó khăn.

Để giải quyết dứt điểm từ gốc thì chính quyền và lực lượng Công an các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, vận động chủ hàng, chủ phương tiện chấp hành nghiêm từ lúc bốc hàng lên xe, tránh trường hợp khi đã lưu thông trên các tuyến đường bị xử lý, buộc hạ tải sẽ tốn kém về tiền công bốc dỡ gây thiệt hại cho chính người dân và lái xe.

Theo ông Phạm Hiếu Trình - Chánh Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, việc xử lý xe quá tải hiện nay cần phải triển khai đồng loạt một cách nghiêm minh mới ngăn chặn được tận gốc. Sở dĩ lâu nay, các nhà xe quen chở quá tải để lấy phần tiền dư ra bù chi phí. Nếu kiên quyết xử nghiêm, chắc chắn giá cước vận tải sẽ tăng đều, đáp ứng được chi phí nhà xe mà không phải gánh quá tải. Tỉnh Gia Lai đang triển khai đồng loạt các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tại 7 điểm và bố trí những bãi san tải, trạm giữ xe vi phạm buộc nhà xe trả tiền phí để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Vừa qua, các đơn vị chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý kiểm điểm một số cán CSGT và Thanh tra giao thông không chấp hành nghiêm các quy định trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao

Ngọc Như
.
.
.