Nhiều giải pháp phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai còn trên giấy

Thứ Ba, 16/12/2008, 08:32
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP HCM: "Đối với các công trình gia cố cấp bách các đoạn bờ bao xung yếu, hiện trên địa bàn quận 12 còn 11/30 công trình, hạng mục chưa hoàn thành; quận Thủ Đức còn 2/4 hạng mục chưa hoàn thành và quận Gò Vấp còn 1 hạng mục chưa thi công..."

Thời điểm kết thúc năm 2008, ảnh hưởng của một mùa mưa bão gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân tuy đã tạm lắng xuống nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn liên tiếp phải đối mặt với nhiều đợt triều cường với đỉnh triều ở mức xấp xỉ báo động 3 gây ngập úng trên diện rộng.

Nhìn lại công tác phòng, chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn, các cấp chính quyền thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm một cách tích cực. Nhất là từ nay đến Tết Kỷ Sửu, theo dự báo ít nhất TP Hồ Chí Minh còn  phải tiếp tục hứng chịu 3 đợt triều cường nữa.

Được biết, đối với hệ thống công trình phòng chống ngập, tiêu thoát nước, trong năm 2008 thành phố đã đầu tư 224,6 tỷ đồng xây dựng 156 công trình bờ bao ngăn lũ, gia cố đê kè; đầu tư 10 tỷ đồng mua sắm trang bị phương tiện tìm kiếm cứu nạn; lập phương án xử lý 62 điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở với 752.313 người dân phải di dời đến 583 điểm tạm cư an toàn; lập phương án xây dựng 6 trạm quan trắc động đất, sóng thần… nên thiệt hại do mưa, bão, lũ… được giảm thiểu. Công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn được chủ động với phương châm "3 sẵn sàng"; phương án "4 tại chỗ" đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, việc di dời 983 hộ dân tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ vào đất liền được giao cho chính quyền huyện triển khai hiện vẫn còn trong giai đoạn xây dựng dự án.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố: "Đối với các công trình gia cố cấp bách các đoạn bờ bao xung yếu, hiện trên địa bàn quận 12 còn 11/30 công trình, hạng mục chưa hoàn thành; quận Thủ Đức còn 2/4 hạng mục chưa hoàn thành và quận Gò Vấp còn 1 hạng mục chưa thi công..."

Thực tế cho thấy, sau đợt lũ lịch sử vào giữa tháng 11, khi triều đang ở đỉnh điểm cũng là lúc hồ Dầu Tiếng phải xả tràn ở mức từ 250 - 400m3/giây. Từ đó cho thấy nếu không nghiên cứu, xây dựng ngay quy trình vận hành hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện khu vực thượng lưu mà gặp đúng lúc triều cường với đỉnh ở mức cao kết hợp với mưa bão, cả 5 hồ là Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng phải xả cùng lúc để bảo đảm an toàn đập thủy điện, thì khi đó TP Hồ Chí Minh sẽ khó tránh khỏi cảnh báo động nhiều vùng sẽ ngập trong biển nước

Đ.T.
.
.
.