Nhiều dịch bệnh lây truyền tiếp tục diễn biến phức tạp

Thứ Năm, 22/05/2014, 10:07
Một lần nữa, những lo lắng về nhiều loại dịch bệnh cùng lúc đang và sẽ tiếp tục chồng lên nhau trong thời gian tới, đã được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị Báo cáo viên toàn quốc, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21/5, nhằm tạo được sự đồng thuận của các ngành, địa phương trong việc phối hợp với ngành Y tế để chủ động tổ chức phòng, tránh dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã thông báo về những bệnh dịch truyền nhiễm đáng lo ngại hiện nay: Trong khi dịch sởi vẫn còn nhiều phức tạp, thì bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay-chân-miệng (TCM) lại bùng phát rất mạnh. Đặc biệt, những ngày vừa qua, bệnh viêm đường hô hấp cấp MERS-CoV đang là nỗi lo rất lớn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trừ sởi, còn đều là các bệnh chưa có vaccin phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.

Đến ngày 21/5, số người mắc MERS-CoV đã là 514 người, tăng gần 100 người cùng số tử vong là 181 người (tăng 36 người) chỉ trong 5 ngày qua. Dù hiện chưa phát hiện bệnh nhân nào mắc MERS-CoV ở Việt Nam, nhưng không thể loại trừ khả năng này. Vì giao thương giữa các nước vô cùng thuận tiện, có thể khiến bệnh lan nhanh ở diện rộng. Bộ Y tế khuyến cáo do bệnh MERS-CoV  cũng chưa có thuốc trị đặc hiệu và chưa có vaccin phòng bệnh, nên các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ khách du lịch đến từ các nước đang có dịch để phòng tránh lây lan ra cộng đồng.

Trẻ nhập viện vì sởi và TCM ngày càng nhiều.

Về dịch sởi, đại diện Bộ Y tế cho biết: Đến ngày 21/5, cả nước đã có 22.615 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố. Tức là, bệnh sởi đã “phủ sóng” 100% địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, số mắc có chiều hướng giảm khi vào tuần thứ 10 của vụ dịch (giữa tháng 3/2014) số trường hợp mắc sởi khoảng 500 ca/tuần, thì hiện nay còn khoảng 200 ca/tuần.

Ngày 18/5 vừa qua, có 35 tỉnh, thành phố báo cáo không ghi nhận trường hợp nghi sởi nào. Các hoạt động phòng chống dịch sởi vừa qua đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao.

Bệnh TCM bắt đầu gia tăng mạnh, nhất là các tỉnh phía Nam. Mỗi tuần có khoảng 1.500 ca mắc mới, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Dương, Kon Tum v.v…

Trong khi số mắc chung chưa cao bằng các năm trước, thì một số tỉnh lại có số mắc tăng cao, khiến ngành Y tế phải tìm nguyên nhân và xử lý triệt để các ổ dịch này, đồng thời nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ của bệnh TCM ở những địa phương trên. Những năm gần đây, số ca mắc lên tới 150 nghìn trường hợp/năm, trong đó, khu vực phía Nam chiếm 80%.

Đối với bệnh SXH, cả nước đã có gần 10.000 người mắc bệnh tại 42 tỉnh, thành phố với 5 trường hợp tử vong. Tỷ lệ mắc chiếm 9,33/100.000 dân trên cả nước. Bộ Y tế nhận định thời điểm này, tháng 5, bắt đầu vào mùa mưa cũng  là thời kỳ bắt đầu mùa dịch SXH. Bệnh chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu và chưa có vaccin nên đòi hỏi các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy/loăng quăng, phun thuốc diệt muỗi và xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả.

Vì đa số chưa có thuốc phòng và chữa, nên các bệnh nói trên đều có khả năng gia tăng, riêng MERS CoV có nguy cơ xâm nhập. Nếu không có các biện pháp quyết liệt, tử vong do các bệnh trên là không nhỏ.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần chủ động tổ chức tuyên truyền để người dân cảnh giác, phòng tránh các bệnh trên bằng việc giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, ăn uống đủ chất, đảm bảo vệ sinh; riêng với sởi, cần đẩy mạnh tiêm phòng tại các địa phương. Khi dịch xảy ra, cần chú trọng việc phân tuyến, phân luồng trong khám và điều trị để chống lây nhiễm chéo.

Ngày 21/5, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về phòng, chống lây nhiễm bệnh MERS-CoV: Bệnh MERS-CoV là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp, do virus Corona gây ra, nên người dân cần  phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này bằng việc:

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc, phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải hoặc khăn tay, để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Tăng cường thông khí tại nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế,... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ.

Những người đi/đến từ các nước đang có dịch bệnh MERS-CoV cần chú ý và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm.

Có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp như: sốt trên 38°C, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Thanh Hằng
.
.
.