Nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ cháy rừng mùa khô

Thứ Hai, 02/03/2020, 07:57
Hiện nay đang là giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, nắng nóng gay gắt kéo dài, kèm theo nhiều ngày không mưa, nên hơn 72.200ha rừng ở Tây Ninh đang trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp 5, tức cấp độ cực kỳ nguy hiểm…


Thiếu trầm trọng nguồn nước chữa cháy

Do nắng nóng gần 40 độ C kéo dài, tại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (một trong những khu vực rừng trọng điểm của tỉnh Tây Ninh) với diện tích hơn 19.100ha, có lượng thực bì lớn và khô héo, gây nguy cơ cháy rừng cao. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ, phòng, chống cháy rừng lại mỏng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ thiếu thốn, nguồn nước chữa cháy khó khăn...

Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, cho biết, cùng thời điểm này mấy năm về trước mực nước tại suối Đa Ha cao khoảng 1 mét nên việc lấy nước phục vụ cho công tác chữa cháy thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay mực nước ở con suối này chỉ còn lại khoảng 10cm, là mực nước chết.

Nhiều cánh rừng ở Tây Ninh đối mặt nguy cơ cháy rất cao.

“Hiện tại công tác trữ nước, tích nước để phòng, chống cháy rừng của đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn. Vào những năm trước chúng tôi chỉ cần bố trí xe hút nước đậu trên bờ và thả ống đáy xuống suối Đa Ha là có thể hút nước để dự trữ, nhưng hiện tại nước đã khô cạn, buộc lòng chúng tôi phải xuống tận khe suối để múc từng can nước, rất khó nhọc” - anh Trần Nam Sang, nhân viên quản lý rừng ở Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, cho biết.

Năm 2016, để chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực do cạn kiệt nguồn nước, gây mất cân bằng hệ sinh thái rừng và phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng, Ban quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã đề xuất chủ trương xây dựng đập tự tràn trên suối Đa Ha, để giữ nước phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa được xem xét phê duyệt.

Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, nhấn mạnh: Trước tình trạng khô hạn trơ đáy của con suối Đa Ha này, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng, cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm, cho xây dựng đập tràn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vườn Quốc gia hoàn thành tốt công tác phòng, chống cháy rừng.

Ngoài ra, theo ông Phương, nếu công trình đập tràn tại suối Đa Ha được triển khai, ngoài việc trữ nước để phòng cháy, chữa cháy thì nguồn nước suối Đa Ha trong Vườn Quốc gia sẽ được điều tiết, dự trữ liên tục trong năm, vào mùa mưa đập tự tràn sẽ điều tiết dòng chảy bình thường, không gây ngập úng, còn vào mùa khô nguồn nước vẫn không bị cạn kiệt.

Suối Đa Ha thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát bắt nguồn từ Campuchia chảy xuyên ngang qua toàn bộ Vườn Quốc gia rồi chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, với chiều dài hơn 20km (chưa kể nhiều nhánh suối phụ), là nguồn cung cấp, điều tiết nước chính cho toàn bộ Vườn Quốc gia.

Hiện nay đang là giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, nắng nóng gay gắt kéo dài, kèm theo nhiều ngày không mưa, nên hơn 72.200ha rừng ở Tây Ninh đang trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp 5, tức cấp độ cực kỳ nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Tây Ninh, cho biết, việc PCCC rừng là một trong những công tác rất đặc thù, do điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện đi lại, trang thiết bị không thể đáp ứng 100% so với nhu cầu thực tế.

Nếu rừng nằm ở địa hình hiểm trở thì máy móc nặng nề không thể tiếp cận được, buộc phải sử dụng lực lượng tại chỗ là nhân viên bảo vệ rừng, nhưng lực lượng cũng khá mỏng, nên buộc phải huy động thêm dân, cũng như các lực lượng khác hỗ trợ. Nếu có cháy lớn, lực lượng và phương tiện tại chỗ không xử lý được.

Được biết, kể từ đầu mùa khô, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng với quy mô vừa và nhỏ.

Đồng Tháp có 5 khu vực dự báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Hiện đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, theo dự báo cháy rừng cấp V, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 5 khu vực ở mức cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan nhanh, tập trung ở các khu vực: Rừng phòng hộ biên giới; Gò Cát, Gò Trâu, Lau Vôi, Gò Tre thuộc khu A1 Vườn Quốc gia Tràm Chim; Trại Động Cát; khu vực kênh Hội Kỳ Nhất thuộc rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười và phía sau Khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích rừng hơn 12.000ha, trong đó diện tích rừng tràm là hơn 6.000ha. Trước hiện trạng nắng nóng như hiện nay, tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở 10 đơn vị chủ rừng trong tỉnh.

Từ đầu năm 2020 Chi cục Kiểm lâm phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức kiểm tra việc triển khai công tác PCCC rừng định kỳ tại 10 đơn vị chủ rừng. Qua kiểm tra, các chủ rừng đã chủ động triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng năm 2020, trong đó Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng ngay từ đầu năm.

Các đơn vị quản lý rừng nâng cao tinh thần cảnh giác trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép, bẫy bắt động vật rừng, phá rừng, khai thác thủy sản, sử dụng lửa bắt ong gây cháy rừng; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư ven rừng để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xâm nhập trái phép vào rừng, nhất là trong các tháng cao điểm mùa khô.

Các đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chữa cháy, thường xuyên vận hành các máy bơm chữa cháy, đảm bảo xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng; tổ chức vệ sinh vật liệu cháy trong rừng, ven rừng, các tuyến đê bao, tạo đường băng trắng để hạn chế tình trạng cháy lan từ khu vực đồng cỏ vào rừng; nạo vét thông thoáng kênh mương, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển lực lượng, trang thiết bị chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, phân công trực PCCC rừng 24/24 giờ tại các Ban chỉ huy PCCC rừng cơ sở, các tổ (đội), trạm chốt, đài quan sát.

Tại Khu di tích Gò Tháp - nơi có rừng tràm, hàng ngày đều tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng bằng hệ thống loa phát thanh, bơm nước vào rừng giữ ẩm, chống cháy. Ở rừng tràm Gáo Giồng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng, tạo đường băng trắng, đường băng xanh... Vườn Quốc gia Tràm Chim lắp đặt camera an ninh ở khu vực trọng yếu để quản lý trực tiếp, kịp thời phát hiện khi có cháy xảy ra…

Ông Bùi Văn Son – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp thông tin, ngoài 5 khu vực dự báo cháy rừng cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan nhanh, tỉnh Đồng Tháp còn có 4 khu vực cấp nguy hiểm có khả năng cháy lớn. Ông Son đề nghị 10 đơn vị chủ rừng theo dõi sát dự báo tình hình thời tiết, khi nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm cần tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung vào các vùng trọng điểm, nguy cơ cháy cao; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để PCCC rừng kịp thời.

Chủ động ngăn chặn và kiểm soát “lửa rừng”

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, hiện tỉnh Lai Châu có 461.653ha rừng, trong đó có 429.221ha rừng tự nhiên, 19.396ha rừng trồng… Diện tích đất có rừng tập trung chủ yếu ở những địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, xa khu dân cư, nguồn vật liệu cháy tích tụ trong rừng rất dễ bắt lửa và khi cháy lan rất nhanh.

Mặc dù các cấp, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt song vẫn có một số vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật xảy ra do ý thức người dân chưa cao, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thời tiết rét đậm, rét hại, khô hanh kéo dài đúng vào thời điểm người dân đốt nương làm rẫy. Đến nay, một số huyện: Than Uyên, Tam Đường, Sìn Hồ đã xảy ra một số đám cháy thảm thực vật.

UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo cơ quan Kiểm lâm, Công an, Quân đội và lực lượng liên quan có kế hoạch trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Chuẩn bị lực lượng, vật tư trang thiết bị, hậu cần thường trực sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách nếu có cháy rừng xảy ra. Đối với các huyện có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, cấp ủy và chính quyền tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, có quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và hành vi dùng lửa trái quy định; hướng dẫn, kiểm tra, quản lý chặt chẽ và tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện quy định bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. (K.H)

Thanh Tân - Văn Trí
.
.
.