Nhiều công trình giao thông đẩy nhà dân vào cảnh khổ

Thứ Ba, 27/05/2014, 13:18
Những tưởng khi có công trình giao thông qua thị trấn, thị tứ được nâng cấp thì người dân sẽ mừng hơn. Thế nhưng, thực tế sau khi triển khai, trên dọc tuyến quốc lộ 1, đã có hiện tượng nhà dân rơi vào tình cảnh cao hơn hoặc thấp hơn so với đường.  Hàng loạt bất cập về sinh hoạt bắt đầu nảy sinh.

Tuyến đường ĐT643 từ Tuy An đi Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) là dự án cấp bách có chiều dài hơn 40km, tổng mức đầu tư hơn 820 tỷ đồng, được khởi công từ ngày 29/4/2010. Mục tiêu tuyến đường là tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội. Sau hơn 4 năm, tuyến đường gần hoàn thành. Điều này đáng ra phải khiến người dân vui mừng, song đoạn đi qua thôn Phong Hậu, xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nhiều chỗ bị hạ mặt đường so với nguyên trạng khiến 11 hộ dân bỗng nhiên bị “treo”, nằm chót vót trên cao, cách mặt đường mới 6m. Suốt một năm qua, người dân đi lại khó khăn, phập phồng nỗi lo trẻ con sẽ bị rơi xuống đường mỗi khi chơi trước cửa nhà. Hàng hóa, nông sản thu hoạch xong không thể mang vào nhà vì không khuân lên nổi.

Câu chuyện về 11 hộ dân ở xã Sơn Long còn chưa biết xử lý ra sao thì mới đây, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) tiếp tục cho biết, nhiều đoạn thuộc các dự án mở rộng, nâng cấp QL1 đang bị nâng cao so với đường cũ đến vài chục phân do xử lý nâng cường độ mặt đường. Điều này khiến nhiều nhà dân rơi vào cảnh mất an toàn. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn đối với các cầu được xây dựng mới trên tuyến.

Cảnh nhà dân bị “treo” cao sau khi làm đường ở Phú Yên. Ảnh G.G.

Theo ông Sanh, hầu hết các cầu mới đều vênh hàng chục phân so với cầu cũ. Thậm chí, có cầu chênh đến 2,4m. Nguyên nhân là phần lớn cầu cũ dùng kết cấu dầm thép liên hợp, nhịp ngắn, chiều cao dầm cầu cũ thấp, khi làm một đơn nguyên cầu mới bên cạnh, dùng loại dầm bê tông cốt thép có chiều dài nhịp lớn (để giảm trụ cầu), chiều cao kiến trúc lớn hơn cầu cũ, do đó cao độ mặt cầu mới cao hơn cao độ mặt cầu cũ. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện xây dựng đồng bộ hai đơn nguyên cầu mới cùng một lúc và phải tận dụng sử dụng cầu cũ thêm một thời gian nữa, do đó tư vấn thiết kế đã thiết kế cầu mới trong điều kiện thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn thì dẫn đến cầu mới cao hơn cầu cũ. 

Liên quan đến tình trạng này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thẳng thắn, để xảy ra tình trạng này do tư vấn thiết kế quá máy móc. Nhiều dự án tư vấn lập luận do ngập lụt, thủy văn, dòng chảy để nâng cao độ mặt đường và cầu là phi thực tế, bởi tần suất ngập rất thấp, chỉ một vài đoạn trên QL1 bị ngập. Tần suất ngập có khi cũng cả chục năm. Do đó, việc nâng cao độ mặt đường và cầu trên các dự án mở rộng QL1 vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. “Mới đây đi kiểm tra trực tiếp QL1, tôi đã yêu cầu dừng thi công một số đoạn làm quá cao”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

“Làm lãng phí phải đền tiền”

Tại cuộc họp về vấn đề này gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc thiết kế nâng cao độ cầu và đường tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 là rất lãng phí. “Bộ GTVT đã có nghị quyết yêu cầu thiết kế cầu mới không được cao hơn cầu cũ, đường cũng không được cao hơn đường cũ, nhưng các đơn vị thiết kế vẫn cố tình làm. Ai phê duyệt dự án để xảy ra điều này phải chịu trách nhiệm, người nào đề xuất dự án cũng phải chịu, làm lãng phí phải đền tiền” - Bộ trưởng kiên quyết. Cũng tại buổi họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tất cả tư vấn thiết kế phải rà soát lại, đảm bảo những người có năng lực chuyên môn và đạo đức tốt để làm việc này. Bộ GTVT quyết không lùi chất lượng và tiến độ các dự án trên QL1. Tất cả các cầu mới đều phải làm bằng cầu cũ, không được cao hơn. Đường qua thị trấn, thị tứ nhất quyết không được nâng và phải dùng các giải pháp kỹ thuật để không thay đổi cao độ.

Trước câu hỏi liên quan đến việc tiết kiệm hơn 1.500 tỷ đồng từ chuyện 56 cây cầu trước đây đề nghị phá bỏ nhưng sau đó thẩm định lại đã đi đến kết luận “không đập”, đến giờ, có ai đã bị xử lý sai sót vì sự lãng phí này chưa? Trả lời phóng viên PV Báo CAND, ông Trần Xuân Sanh cho rằng, kết quả rà soát 131 cầu trên các quốc lộ, tổ rà soát đã đề xuất để lại 56 cầu tiếp tục kiểm định và đưa ra giải pháp sửa chữa, gia cố để tiếp tục khai thác sử dụng thêm một thời gian nữa, về lâu dài thì phải đập bỏ để làm lại cầu mới nhằm đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo khai thác đồng bộ cùng các công trình trên tuyến. Như vậy, các tổ chức và các cá nhân có chủ trương thiết kế và làm nên sản phẩm thiết kế 131 cầu mới không có lỗi để phải xử lý kỷ luật. Cũng như cái nhà của chúng ta ở vậy, lúc đầu định bỏ cái nhà cũ bị mối mọt thiếu an toàn để thiết kế xây dựng một nhà mới, nhưng do điều kiện tài chính hạn hẹp nên tiếp tục giữ lại sửa chữa, trừ mối mọt, tăng cường chống đỡ để sử dụng thêm một thời gian khi có điều kiện sẽ đập bỏ, làm mới.

PV

Đặng Nhật
.
.
.