Nhiều chợ lớn, trung tâm thương mại ở Hà Nội vi phạm về phòng cháy

Thứ Hai, 05/01/2015, 09:20
Siêu thị Lotte mart ở Tây Sơn, Fivimart ở Trúc Khê, Big C Mê Linh… những khu vực kinh doanh có tiếng ở Hà Nội như thế lại nằm trong danh sách vi phạm về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đó quả là thông tin đáng lo ngại, nhất là khi cái Tết nguyên đán đang cận kề. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước liên tục xảy ra cháy chợ, cháy trung tâm thương mại (TTTM) mà gần đây nhất là cháy chợ Ba Đồn ở Quảng Bình ngày 2/1 vừa qua. Hậu quả để lại sau mỗi vụ cháy như vậy là vô cùng lớn. Vậy chúng ta phải làm thế nào để khắc phục lỗ hổng đang tồn tại trong công tác PCCC hiện nay?

Kim tra đâu vi phm đó

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, hàng hóa đổ về trung tâm Hà Nội ùn ùn. Người kinh doanh, mua bán cũng dồn về Hà Nội. Các chợ, siêu thị tràn ngập hàng hóa. Hễ bước chân vào chợ Đồng Xuân là lúc nào người ta cũng có cảm giác ngộp thở vì vải vóc, quần áo. Các sạp hàng liền kề nhau, chất ngất, con đường dành cho người đi nhỏ hẹp, trong các ngách nhỏ chỉ đủ lối cho một người đi. Đường chật hẹp nhưng người kinh doanh thì luôn tìm cách bày hàng ra bên ngoài. Thế nên, Ban quản lý chợ phải bố trí người liên tục đi nhắc nhở.

Ở chợ Hôm - Đức Viên cũng vậy, mặt hàng kinh doanh ở đây đa số có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là vải vóc. Để tiết kiệm diện tích nhằm bố trí được nhiều ki ốt nên lối đi còn lại chật hẹp. Chỉ cần đánh giá qua cũng có thể nhận thấy những khu vực kinh doanh ấy luôn thường trực mối lo về an toàn cháy nổ. Đó là còn chưa kể nhiều hộ kinh doanh bày bán hàng hoá lấn chiếm lối thoát nạn, che chắn phương tiện chữa cháy. Nếu chẳng may gặp sự cố, việc triển khai công tác chữa cháy chắc chắn sẽ bị hạn chế rất nhiều, thậm chí phương tiện chữa cháy có thể bị vô hiệu hoá.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện Hà Nội có 426 chợ. Trong đó có 82 chợ kiên cố, 215 chợ bán kiên cố, 129 chợ lán tạm. Ngoài ra, còn có 31 TTTM, 101 siêu thị. Qua công tác kiểm tra của Cảnh sát PCCC Hà Nội tại các chợ, TTTM, năm 2014 đã phát hiện 2.971 thiếu sót, tồn tại về PCCC, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính 178 trường hợp với số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trong số các địa chỉ bị xử lý, có khá nhiều chợ, siêu thị vốn có tiếng của Hà Nội, là nơi có hoạt động kinh doanh tấp nập. Điển hình phải kể đến siêu thị Lotte mart ở 292 phố Tây Sơn, quận Đống Đa bị xử phạt 123 triệu đồng đối với các hành vi “không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định”, “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC”.

Cảnh sát PCCC Hà Nội kiểm tra thiết bị phòng cháy tại chợ Đồng Xuân.

Siêu thị Fivimart ở số 19 Trúc Khê, quận Đống Đa bị xử phạt 23 triệu đồng cũng vì lỗi không trình hồ sơ thẩm duyệt lại khi cải tạo, thay đổi công trình. Siêu thị BigC Mê Linh thì bị xử phạt 5,2 triệu đồng với lỗi sắp xếp hàng nguy hiểm về cháy nổ vượt quá khối lượng quy định, bố trí vật tư, hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy lan theo quy định; thiết kế cửa thoát nạn không mở theo hướng thoát nạn, làm che khuất phương tiện PCCC…

Tại chợ Hôm - Đức Viên, một tiểu thương vi phạm lỗi “sử dụng nguồn lửa, các thiết bị điện tử hoặc thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiều khác ở nơi có quy định cấm”, bị phạt 3,5 triệu đồng. Một tiểu thương khác ở chợ Đồng Xuân bày hàng hóa cản trở lối thoát nạn bị xử phạt mức 400.000 đồng. Chợ xe máy Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cũng sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, xử phạt 800.000 đồng…

Lp l hng phòng cháy

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, một trong những lỗi tồn tại phổ biến tại các chợ, TTTM là do chợ xây dựng quá lâu nên không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về PCCC. Khi các cơ sở kinh doanh này cải tạo lại, thay đổi mặt bằng, công năng sử dụng công trình nhưng không được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Tại mỗi gian hàng chưa có thiết bị bảo vệ điện (aptomat hoặc cầu giao, cầu chì) cho các quầy sạp, hộ kinh doanh, đường dây dẫn điện không được luồn trong ống gen bảo vệ, không tổ chức kiểm tra tổng thể hệ thống và thiết bị tiêu thụ điện định kỳ hằng năm theo quy định. Do quá trình kinh doanh, các hộ dân cơi nới mái che, mái vẩy để tận dụng làm nơi bán hàng nên đã gây cản trở đường giao thông nội bộ phục vụ chữa cháy. Ở nhiều chợ, trang bị phương tiện PCCC chưa đầy đủ, không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến khi có cháy, nổ, phương tiện chữa cháy không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, lực lượng PCCC cơ sở bố trí thường trực không đảm bảo dẫn tới khi cháy, nổ xảy ra lúng túng trong xử lý điều hành.

Nói về nguyên nhân xảy ra những vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội thời gian vừa qua, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội kết luận: “Nguyên nhân sâu xa dẫn đến cháy nổ, theo tôi là do người đứng đầu cơ sở, chủ các hộ kinh doanh chưa quan tâm hoặc quan tâm chưa đầy đủ công tác PCCC, chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất để chủ động phát hiện thiếu sót, tồn tại về PCCC nhằm chủ động khắc phục, ngăn chặn nguy cơ cháy nổ”.

Đại tá Sơn cũng cho biết, để đảm bảo an toàn về PCCC, đấu tranh ngăn chặn xảy ra cháy to, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong thời gian tới cũng như dịp Tết Nguyên đán, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác PCCC mùa hanh khô và Tết Nguyên đán 2015, tăng cường công tác PCCC tại các chợ trên địa bàn thành phố. Lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô đang tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn Luật PCCC sửa đổi và các văn bản liên quan, trong đó có việc xây dựng tiêu chí an toàn về PCCC đối với chợ, trong đó quy định “đường giao thông nội bộ phải đảm bảo chiều rộng tối thiểu không nhỏ hơn 3,5m, chiều cao thông thủy tối thiểu không nhỏ hơn 4,25m…”.

Ngoài việc xây dựng các tiêu chí an toàn, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần tăng cường và kiên quyết xử lý vi phạm hơn nữa thì mới mong hạn chế nguy cơ cháy nổ tại các đầu mối kinh doanh buôn bán như hiện nay.

Nguyễn Hương - Việt Hà
.
.
.