Nhiều cánh rừng Đắk Nông bị “băm nát” để... đào vàng
Dọc theo tuyến tỉnh lộ 4 từ trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 30km, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong nằm lọt thỏm giữa đồi núi bao quanh. Ông Đoàn Nhị Hà, Phó trưởng Công an xã, dẫn đường cho chúng tôi cho biết, hiện trên địa bàn có tới hàng chục tụ điểm với nhiều điểm khai thác vàng trái phép đã tồn tại nhiều năm nay, gây nên những điểm nóng về an ninh trật tự rất khó kiểm soát. Có mặt tại một tụ điểm khai thác vàng trái phép thuộc tiểu khu 1716, trước mặt chúng tôi là hơn 10 lán trại kiên cố đã được dựng lên, hàng trăm con người đang thi nhau hì hục đào bới. Những cái hố sâu cả chục mét nối tiếp nhau, kéo dài hàng trăm mét. Hai bên bờ của dòng suối, những thân cây gỗ có đường kính hơn 1m bị đốn hạ ngổn ngang.
Một góc rừng bị đào bới nham nhở bởi “vàng tặc”. |
Theo tìm hiểu được biết, tại đây đã có gần 10 đầu nậu chia lô, quản lý và khai thác vàng trái phép. Một số đầu nậu có vốn dùng cả máy đào để khai thác. Tất cả từ đất, đá, cát… được máy xúc đưa lên dàn đãi sàng lọc, sau đó được người làm thủ công dùng sàng lắng để chia tách vàng cám. Với những chủ ít vốn thì chỉ cần vài cái máy nổ, một dàn đãi vàng cùng dăm nhân công là có thể kiếm được vài chỉ mỗi ngày. Tất cả hoạt động như một đại công trường, tạo nên dòng nước đục ngàu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tiếp cận với anh N.T.L. (19 tuổi, trú tại phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa) được biết, nhóm bạn của L khoảng 5 người đang làm cho ông chủ Đạt (trú tại huyện Đắk Song). Trung bình mỗi ngày nhóm của L. đãi được khoảng 2 chỉ vàng. Ngoài tiền ăn uống, sinh hoạt, mỗi người được ông chủ trả 70.000 đồng/ngày. Cách hầm của ông Đạt vài chục mét là đại công trường của ông Sáng - một đầu nậu đến từ huyện Đắk Mil. Khác với các chủ trong bãi vàng, ông Sáng đầu tư hẳn cả một dàn máy móc hiện đại, như: xe ủi, máy đào, giàn sàng… nhằm giảm bớt nhân công và khai thác hiệu quả hơn.
Anh Nguyễn Văn Liền (trú tại Quảng Nam) được ông Sáng thuê nấu ăn cho các thợ đãi vàng cho biết: “Mỗi ngày ông chủ thu cả chục chỉ vàng nhưng chúng em đã 3 tháng nay chưa được trả đồng lương nào, ăn uống thì khổ cực. Dù ở gần thị xã nhưng chẳng mấy khi được ra ngoài bởi vì ông chủ không cho phép”.
Ông Lê Tuấn Khang, Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha cho biết: “Cả 3 tụ điểm khai thác vàng trái phép đều nằm trên đất quản lý của Xí nghiệp. Tuy nhiên, mỗi lần chúng tôi cử cán bộ xuống ngăn cản không cho khai thác vàng thì lập tức các chủ bãi lại cho “đàn em” tới dằn mặt nên chúng tôi đành “bất lực” trước tình trạng khai thác vàng trái phép trong nhiều năm qua”. Ông Khang cho biết thêm, các đối tượng khai thác vàng rất manh động, trong khi đó lực lượng quản lý bảo vệ rừng lại quá mỏng. Mới đây, khi 2 cán bộ bảo vệ rừng của Xí nghiệp đang đi tuần tra gần khu vực khai thác vàng trái phép thì bị hơn 10 đối tượng bịt mặt trấn áp, dùng dao chém. Rất may, các anh đã kịp chạy thoát thân.
Theo một số hộ dân sống gần đây cho biết, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Đắk Ha đã diễn ra hơn 10 năm nay, nhưng do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và trước sức hút của lợi nhuận nên ban đầu chỉ vài chục người, vào thời cao điểm có lúc lên đến cả trăm người. Những người tham gia khai thác vàng đa phần là dân nhập cư từ các tỉnh khác đến nên rất khó kiểm soát. Do bị đào bới tứ tung và thành những hầm sâu từ 10-20m để lấy đất chứa vàng, sau đó đưa ra suối đãi nên hàng chục hécta rừng phòng hộ của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha đã bị hủy hoại. Đó là chưa kể việc chặt phá cây rừng để làm lều trại, đun nấu... đã khiến cho rừng phòng hộ bị tàn phá, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, tình trạng mất an ninh chính trị và trật tự xã hội vùng nông thôn ở khu vực này cũng đang ở mức báo động.
Việc khai thác vàng trái phép đã làm cho nguồn tài nguyên quý hiếm của đất nước bị tổn thất. Bên cạnh đó, khu rừng đặc dụng cũng đang bị đe dọa xâm hại nghiêm trọng…; còn công tác kiểm tra, xử lý thì chính quyền địa phương lại thả nổi khiến cho nguồn tài nguyên của Nhà nước đang bị mất dần, trong khi các đầu nậu đang mặc sức tung hoành. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng địa phương cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý các đầu nậu đào vàng trái phép ở đây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo Công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác vàng trái phép tại các địa điểm trên. Tuy nhiên, theo một cán bộ thường xuyên tham gia đoàn kiểm tra, nhiều khả năng “vàng tặc” đã được bảo kê. Bằng chứng là mỗi lần truy quét, lần nào đoàn kiểm tra ra quân, các ông chủ bãi vàng đều biết trước nên đã kịp thời tẩu tán phương tiện, máy móc vào rừng. Sau khi đoàn kiểm tra rút, hoạt động khai thác vàng lại được tái lập. Thậm chí, có lần đoàn kiểm tra chưa vào tận nơi thì một số thành viên trong đoàn nhận được điện thoại xin “đừng truy quét”... |