Rét đậm kéo dài ở các tỉnh phía bắc:

Nhiều bệnh viện quá tải phải chuyển bệnh nhân về tuyến dưới

Thứ Ba, 24/12/2013, 07:21
Việc nhiều người nhập viện trong thời gian ngắn là điều lo ngại, vì năm nào chúng ta cũng phải “đối đầu” với rét, song nhiều người vẫn còn chủ quan, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính, chưa ý thức việc “sống chung với rét”, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình cũng như khiến các BV gặp khó khăn do thiếu nhân lực và trang thiết bị, nên việc điều trị chăm sóc y tế khó có kết quả như mong muốn. Thậm chí, đã có không ít bệnh nhân bị nguy hiểm đến tính mạng.

10 ngày qua trời rét đậm tại các tỉnh miền Bắc, thậm chí, một số tỉnh có tuyết rơi nhiều trong đợt rét đậm đầu tiên này, khiến lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện (BV) từ Trung ương tới các tỉnh đều tăng cao. Theo thống kê tại các BV, chủ yếu người bệnh vào viện dịp này là người già và trẻ em, với các bệnh về hô hấp, ho, sốt, viêm phế quản, đột quỵ... Thực tế này khiến nhiều BV quá tải, tạo nên áp lực cho cả gia đình người bệnh, lẫn cơ sở y tế trong việc chăm sóc, điều trị.

Một trong những nơi có số bệnh nhân tăng nhiều nhất, là Viện tim mạch Quốc gia. PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết: Những ngày đầu tiên của đợt rét, mỗi ngày, viện tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân, nay con số đó đã là gần 400. Bình quân, số lượng bệnh nhân tăng khoảng 20%. Đấy là nhiều người đã đến điều trị ở các tuyến tỉnh, huyện và các BV khác rồi, chỉ các ca nặng mới đến viện. Những ngày này, chủ yếu bệnh nhân nhập viện tim đều ở lứa tuổi cao, với các bệnh liên quan đến huyết áp, suy tim, mạch vành, đau ngực v.v… và đều ở mức độ nặng do trời quá lạnh. Ở lứa tuổi 50 - 55 trở lên, tỉ lệ nam - nữ bị bệnh tim mạch ngang bằng nhau.

Nhiều bệnh viện quá tải vì rét đậm.

Lượng bệnh nhân mạn tính đến khám và điều trị tại BV Lão khoa TW những ngày rét cũng tăng cao hơn bình thường. Theo BS Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Lão khoa TW), các bệnh nhân thường phải vào viện vì phế quản, tắc nghẽn mạn tính, các bệnh xương khớp và nguy cơ suy dinh dưỡng. Ở Khoa Nhi, BV Bạch Mai, số bệnh nhân vào nhập viện cũng tăng khoảng 20% so với bình thường. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, cho biết: Đợt rét đậm, lại kéo dài lần này đã khiến rất nhiều trẻ em bị viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, sốt cao phải nhập viện. Có bệnh nhi mới 5 ngày tuổi đã bị viêm phổi nặng, phải cấp cứu, rất nguy hiểm. Số lượng bệnh nhân ở BV Nhi TW cũng tăng chừng 20%. Những ngày rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay, đã xuất hiện nhiều bệnh nhi bị tiêu chảy do Rotavirus.

Việc nhiều người nhập viện trong thời gian ngắn là điều lo ngại, vì năm nào chúng ta cũng phải “đối đầu” với rét, song nhiều người vẫn còn chủ quan, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính, chưa ý thức việc “sống chung với rét”, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình cũng như khiến các BV gặp khó khăn do thiếu nhân lực và trang thiết bị, nên việc điều trị chăm sóc y tế khó có kết quả như mong muốn. Thậm chí, đã có không ít bệnh nhân bị nguy hiểm đến tính mạng.

Ở Viện Tim mạch quốc gia, mỗi điều dưỡng viên phải chăm sóc 30 - 50 người bệnh nặng, trong khi 2 - 3 bệnh nhân/giường; điều kiện vệ sinh, chăn màn không thể như ở nhà. Vì thế, viện phải khẩn trương đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp, nếu bệnh nhân ổn định thì cho về nhà chăm sóc, hoặc chuyển về các tuyến dưới, nhằm giảm tải. Tuy nhiên, do công tác chỉ đạo tuyến được làm tốt, nên các BV vệ tinh đã làm tốt công tác chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân được chuyển từ BV tuyến TW về.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn TW, hiện tại không khí lạnh vẫn còn hoạt động mạnh và liên tục được bổ sung, khiến trong những ngày tới, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn còn rét đậm, rét hại trên diện rộng, thậm chí có băng giá và sương muối ở một số tỉnh.

Vì thế, để tránh bị bệnh do thời tiết lạnh, PGS.TS Đỗ Doãn Lợi khuyến cáo: Mọi lứa tuổi đều phải thận trọng trong những ngày rét đậm, phải chú ý giữ ấm, không để bị lạnh đột ngột. Những bệnh nhân bị suy tim, huyết áp cao, động mạch vành và những người lớn tuổi phải đặc biệt chú ý giữ ấm chân, cổ, đầu, mặc đủ ấm, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, như từ trong nhà ra ngoài, hay vừa tắm nước nóng ra trời lạnh, vì làm mạch máu co lại đột ngột khiến huyết áp cũng tăng theo. PGS.TS Đỗ Doãn Lợi cũng lưu ý: Nhiều người lớn tuổi có thói quen dậy sớm tập thể dục, cũng cần điều chỉnh trong những ngày rét đậm, vì không nên ra ngoài trời lạnh quá sớm, hoặc khi trời đã tối, có sương ẩm. Chỉ nên tập thể dục trong nhà, hoặc tập vào buổi chiều không quá muộn.

GS.TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam,  chỉ dẫn: Rét đậm cũng dễ khiến người già bị đột quỵ. Để phòng tránh bệnh này, người lớn tuổi tuyệt đối không nên ra trời lạnh đột ngột, cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị tiểu đường. Khi người cao tuổi có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt hoặc bị buồn, vui thất thường, nói ngọng, cấm khẩu, méo miệng, nặng hơn là liệt nửa người, phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Không nên ăn kiêng, mà chú ý ăn đủ chất dinh dưỡng, nhưng dễ tiêu hóa, nhất là phải đủ nước, vì người già thường quên uống nước, để đủ sức đề kháng phòng, chống bệnh tật.

Các bác sĩ chuyên khoa nhi cũng lưu ý các bậc phụ huynh: Khi nhiệt độ giảm sâu, các bé với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sẽ dễ bị các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, tim mạch, đột quỵ… tấn công. Đây cũng là thời điểm Rotavirus dễ lây lan ở trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi 3 - 24 tháng, gây tiêu chảy và nôn nhiều lần. Do đó, bù nước cho trẻ để tránh bị mất nước là cần thiết. Với các bệnh nhi bị viêm phổi, nhiều khi không dễ nhận biết, vì thế, các bậc cha mẹ nên chú ý diễn biến về sức khỏe của trẻ, nhất là khi thấy trẻ bú ít, ngủ nhiều hơn bình thường, để đưa trẻ đến BV kịp thời

Dạ Miên
.
.
.